Hàng loạt chiêu trò lừa đảo mới lợi dụng việc sáp nhập tỉnh thành
Từ ngày 1/7/2025, 34 tỉnh, thành phố trên cả nước đã chính thức đi vào vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp – một bước cải cách thể chế lớn, đồng bộ và hướng đến tinh gọn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các đối tượng xấu lợi dụng sự thay đổi hành chính để thực hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi.

Giấy tờ giả – chiêu cũ nhưng vẫn có người sập bẫy
Tại một số địa phương vừa sáp nhập, Công an đã tiếp nhận phản ánh về việc người dân bị yêu cầu nộp tiền để “đổi sổ đỏ mới theo địa giới mới”, hoặc “nâng cấp giấy phép kinh doanh do địa bàn thay đổi”. Một số đối tượng thậm chí giả danh cán bộ tư pháp, cán bộ địa chính hoặc nhân viên ngân hàng để yêu cầu cung cấp mã OTP, số tài khoản, giấy tờ cá nhân.
Anh P.T.H. (trú tại Hà Nam – Nam Định mới) cho biết: “Có người gọi điện nói sổ đỏ phải đổi vì tên huyện không còn đúng, nếu không sẽ bị thu hồi. Họ gửi cả hình ảnh thẻ ngành và công văn đóng dấu đỏ y như thật. Tôi suýt nữa làm theo nếu không hỏi lại chính quyền địa phương.”
Giả mạo website chính quyền – đánh cắp dữ liệu cá nhân
Một chiêu trò khác đang được các đối tượng lừa đảo đẩy mạnh là tạo lập website giả mạo các cổng thông tin của tỉnh, thành sau sáp nhập, nhằm dụ người dân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc tải ứng dụng độc hại. Những trang web này có giao diện gần giống thật, sử dụng logo, biểu tượng, thậm chí cả địa chỉ tên miền dễ gây nhầm lẫn.
Các chuyên gia cảnh báo: việc “đánh cắp danh tính” không chỉ khiến người dân mất tiền mà còn bị sử dụng thông tin để vay tín chấp, mở tài khoản lậu hoặc rửa tiền qua trung gian.
Chiêu lừa “tuyển dụng cán bộ sau sáp nhập”
Một số trang mạng xã hội đang lan truyền các tin giả mạo thông báo “tuyển dụng gấp cán bộ phường – xã mới sau khi tinh giản bộ máy”. Những tin này yêu cầu người nộp hồ sơ đóng phí xét duyệt hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua những đường link độc hại. Bộ Nội vụ đã khẳng định: mọi thông tin tuyển dụng chính thức đều được công bố công khai qua cổng thông tin điện tử của từng tỉnh hoặc trang web chính phủ.

Bên cạnh các hình thức lừa đảo cập nhật VNeID, điện lực đã được cảnh báo, nhiều chiêu trò đang diễn ra, gồm: dọa ngắt điện, nước, internet nếu không làm theo hướng dẫn và dẫn dụ người dân vào link độc hại hoặc app giả mạo”.
Chuyên gia cảnh báo, trong thời gian tới, các hình thức lừa đảo khác có khả năng xuất hiện, như lừa đăng ký lại quyền sở hữu đất đai, nhà cửa (sổ đỏ, sổ hồng); giả danh cơ quan nông nghiệp – môi trường yêu cầu người dân cập nhật địa chỉ hành chính mới, sau đó thu phí “hỗ trợ làm nhanh”; lừa đảo hỗ trợ chuyển đổi biển số xe, giấy phép lái xe. Cụ thể, bọn lừa đảo có thể tạo kịch bản như: “Sáp nhập tỉnh làm phải đổi mã vùng, từ đó đổi biển số/giấy phép” nhằm lừa người dân nộp tiền “lệ phí chuyển đổi” qua ví điện tử hoặc tài khoản cá nhân.
Ngoài ra còn nhiều chiêu trò mạo danh khác như giả danh cơ quan thuế, UBND để thu phí; dùng app giả mạo VNeID hoặc website giả cổng dịch vụ công để lấy OTP; “cập nhật” hoặc “chuyển đổi” ngân hàng…
Công an khuyến cáo: Kiểm tra – xác minh trước khi tin và làm theo
Để tránh bị lợi dụng trong giai đoạn chuyển đổi hành chính nhạy cảm này, người dân cần: Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng qua điện thoại hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc. Không truy cập, tải ứng dụng từ những đường link lạ. Không chuyển tiền hoặc nộp phí khi chưa kiểm chứng thông tin. Luôn xác minh qua chính quyền địa phương, công an xã, hoặc các cổng thông tin chính thức của tỉnh/thành phố mới.
Cải cách hành chính là vì dân, không ai bị bỏ lại phía sau – và càng không để dân bị lợi dụng!
Đây là thời điểm cần sự tỉnh táo, cảnh giác và chủ động của mỗi người dân. Khi mọi giấy tờ đều được nhà nước đảm bảo hợp pháp chuyển tiếp, không ai có thể yêu cầu bạn nộp tiền để “giữ quyền sở hữu” hay “tránh bị thu hồi”.
Ngọc Lâm