420
category
559890

Hàng loạt các quốc gia Đông Nam Á lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Bảo Trâm 21/10/2021 08:47

Trong vòng chưa đến 1 tuần, hàng loạt các quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Singapore… đều gửi thư phản đối Trung Quốc, phản đối các hành động xâm phạm đến chủ quyền và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông, theo Reuters.

Ngày 20.10, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết: “Chúng tôi đã luôn phản đối. Tôi đã không thể đếm được số lượng thư phản đối mà chúng tôi đã gửi đến Trung Quốc”.

Ông Saifuddin Abdullah hôm 20.10 cũng cho biết thêm, rất có thể ​​sẽ có thêm nhiều tàu Trung Quốc đi vào vùng biển của quốc gia này “chừng nào” công ty dầu khí Petronas thuộc sở hữu nhà nước còn thăm dò một mỏ khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở Biển Đông.

Theo Reuters, Petronas đang phát triển mỏ khí Kasawari ở EEZ của Malaysia, cách thị trấn ven biển Bintulu ở Sarawak khoảng 200 km (124 dặm).

Dự án như “miếng mồi” đã thu hút các tàu tuần duyên của Trung Quốc ở ngoài khơi Sabah và Sarawak, đặc biệt là tại các bãi cạn Nam Luconia. Ông Saifuddin nói: “Tôi nghĩ chừng nào Petronas còn làm việc tại Kasawari, chúng tôi có thể chắc là Trung Quốc sẽ đến thăm khu vực đó thường xuyên hơn”.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah

Trong một hội thảo do Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia tổ chức, Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah nói: “Chúng tôi đã luôn phản đối. Tôi đã không đếm được số lượng thư phản đối mà chúng tôi đã gửi đến Trung Quốc. Chúng tôi sẽ kiên định và tiếp tục đáp trả bằng ngoại giao với họ”.

Theo Reuters, Đại sứ của Trung Quốc tại Kuala Lumpur đã được chính phủ Malaysia triệu tập hai lần trong năm nay để phản đối các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Vào tháng 6, họ đã triệu tập đại sứ Âu Dương Ngọc Tĩnh (Ouyang Yujing) sau khi 16 máy bay phản lực vận tải quân sự của Trung Quốc bay gần không phận của Malaysia mà không thông báo trước, một động thái khiến Kuala Lumpur điều máy bay chiến đấu.

Vào ngày 4.10, Âu Dương một lần nữa bị Bộ Ngoại giao Malaysia triệu tập về sự hiện diện và hoạt động của các tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu khảo sát, trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ngoài khơi Sabah và Sarawak.

Petronas đang phát triển mỏ khí Kasawari ở EEZ của Malaysia

Theo các chuyên gia, Trung Quốc vào vùng biển của Malaysia là “ngoại giao pháo hạm” nhằm báo hiệu sự không hài lòng của Trung Quốc và gây áp lực đủ lớn để chính quyền Malaysia với mong ý đồ muốn Petronas ngừng dự án.

Không chỉ Malaysia mà các nước trong khu vực đều không hài lòng với hành động của tàu Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Cho đến đầu tuần, tàu Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) của Trung Quốc vẫn lảng vảng một mỏ dầu thuộc vùng EEZ (vùng đặc quyền kinh tế) của Indonesia. Từ tháng 8 qua, tàu Hải Dương Địa Chất 10 của Trung Quốc đã xuất hiện tại đây và thực hiện di chuyển theo lịch trình kỳ lạ, khi ra khi vào vùng EEZ một cách bất thường.

Tàu Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) của Trung Quốc

Dữ liệu theo dõi tàu hồi đầu tháng 10 cho thấy, tàu khảo sát của Trung Quốc đã đi ngang qua biển Bắc Natuna đã trở lại vùng EEZ của Indonesia sau một tuần rút lui. Tổng thống Jokowi được cho là đã để ý về sự hiện diện của các tàu nước ngoài ngoài khơi Natunas và kêu gọi các lực lượng vũ trang (TNI) sẵn sàng đối phó với một loạt các mối đe dọa, theo Reuters.

Hôm qua 20/10, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Philippines đã đưa ra phản đối ngoại giao về việc các tàu Trung Quốc thách thức các tàu tuần tra của họ trên Biển Đông bằng còi báo động và liên lạc vô tuyến.

Cụ thể, Philippines cáo buộc tàu chính phủ Trung Quốc đã phát tín hiệu thách thức bằng vô tuyến, phát còi cảnh báo hơn 200 lần đối với lực lượng chức năng Philippines đang tiến hành các cuộc tuần tra định kỳ trên, xung quanh lãnh thổ và các khu vực hàng hải của mình. Philippines không nêu rõ các sự kiện này đã diễn ra trong khoảng thời gian nào.

Bảo Trâm (Theo Reuters, AP News)

Đọc nhiều