Hàng loạt các “ông lớn” đang xoay trục từ Trung Quốc sang Việt Nam

Lan Hoa 11/08/2023 10:10

Theo Nikkei Asia, các nhà đầu tư toàn cầu đang có xu hướng rời khỏi Trung Quốc và hướng tới các thị trường châu Á mới nổi khác, trong đó có Việt Nam, nhằm tìm kiếm các giải pháp ít rủi ro về kinh tế và địa chính trị hơn.

Thời gian gần đây, hãng Apple đã lên kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất MacBook, AirPods và Apple Watch sang Việt Nam ngay trong năm 2023 để tránh sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Apple đã đề nghị đối tác lớn nhất là Foxconn mở dây chuyền sản xuất tại Việt Nam từ khoảng tháng 5/2023. Đồng thời, Apple cũng đang lên kế hoạch sản xuất Iphone tại Việt Nam.

Nếu như năm 2018, Apple mới chỉ có 14 nhà máy sản xuất tại Việt Nam, thì chỉ 5 năm sau đó (2023), con số này đã tăng lên 22 và hiện tại là 31 nhà máy với số lượng công nhân lên đến 160.000 lao động. Các đối tác chính của hãng gồm Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đều đầu tư lớn và mở nhiều nhà máy tại các tỉnh thành trên cả nước. Nhiều khả năng, trong tương lai Việt Nam sẽ tiếp tục có vai trò càng lớn hơn nữa trong chuỗi sản xuất sản phẩm của Apple.

Tương tự Apple, mới đây, hãng sản xuất máy tính lớn thứ ba thế giới là Dell cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2024, tất cả con chip trang bị trong sản phẩm đều được sản xuất tại các nhà máy bên ngoài Trung Quốc. Bên cạnh chip, Dell đã yêu cầu các nhà cung ứng linh kiện khác như module và bảng mạch chuẩn bị năng lực chuyển giao ở các quốc gia ngoài Trung Quốc.

Hay như Pegatron, công ty điện tử hàng đầu của Đài Loan hiện tại cũng đang xây dựng một nhà máy với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD tại Hải Phòng. Trong giai đoạn 2026 – 2027, công ty sẽ tiếp tục triển khai dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD. Đặc biệt, ngoài các dự án sản xuất linh kiện và các sản phẩm điện tử, Pegatron cũng đang có ý định chuyển Trung tâm R&D từ Đài Bắc (Trung Quốc) về Việt Nam vào một thời điểm thích hợp.

Ngoài 3 tên tuổi trên, hàng loạt các ông lớn khác cũng đang khảo sát, nghiên cứu kế hoạch mở mới, di dời nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như OPPO, HP, Brose, hay mở rộng thêm quy mô sản xuất sau khi di dời như Panasonic, Sharp, Compal…

Đặc biệt, Samsung sau khi rót 18 tỷ USD và mở Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam, cũng bắt đầu tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đóng cửa dần các nhà máy tại Trung Quốc. Ông Han Jong-hee, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Samsung Electronics chia sẻ, tập đoàn đang có kế hoạch nâng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên 20 tỷ USD trong thời gian tới.

Theo Nikkei Asia, một số lý do khiến các tập đoàn lớn di chuyển và mở nhà máy sản xuất điện tử tại Việt Nam đó là chi phí lao động thấp hơn, việc tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản hơn và tiếp cận thương mại tự do tốt hơn. Chưa kể hiện nay, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nhau và bao trùm tới hơn 50 quốc gia trên thế giới. Thêm vào đó, sự ổn định về chính trị và nền kinh tế tăng trưởng tốt cũng giúp Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Ông Han Jong-Hee, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Samsung Electronics

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều đối thủ nặng ký trong cuộc đua đón làn sóng rút sản xuất khỏi Trung Quốc, ví dụ như Philippin, Ấn Độ hay Indonesia. Vì vậy, muốn giành chiến thắng, Việt Nam cần hành động nhanh hơn nữa.

Trước hết, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, để khi các nhà đầu tư muốn rời nhà máy sang thì có thể cấp đất dễ dàng, nhanh chóng cho họ xây dựng nhà máy. Đặc biệt, trong khu công nghiệp, khu kinh tế cần phải chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện, nước; nhất là phải có chắc chắn một dự án xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn để nhà đầu tư có thể sử dụng ngay những dịch vụ đó.

Ngoài ra, khi các nhà đầu tư dịch chuyển nhà máy sản xuất sang sẽ đòi hỏi một nguồn nhân lực rất lớn. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực dồi dào, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng đủ cho nhu cầu của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ Logistics hơn nữa để giảm chi phí bốc xếp hàng hóa, lưu kho, vận chuyển… nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Song song với đó, các thủ tục hành chính cần phải được thực hiện một cách thuận tiện, nhanh chóng và nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh.

Lan Hoa

Đọc nhiều