Hạn chế trong lĩnh vực thanh tra: Cần thẳng thắn để sửa đổi
Thời gian qua, công tác thanh tra để đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được chú ý hơn bao giờ hết. Tuy có rất nhiều việc đã làm được, nhưng cho đến nay việc thanh tra ở các cấp vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc chậm ban hành nhiều quyết định thanh tra quan trọng. Vấn đề này đã được đưa thảo luận trong phiên chất vấn tại Quốc hội.
Thanh tra là lĩnh vực quan trọng, giúp nhận diện các sai phạm để đưa ra trước công luận và pháp luật. Công tác thanh tra nếu thực hiện tốt sẽ có tác dụng răn đe, cảnh báo nghiêm khắc mọi hành vi, thủ đoạn dù là tinh vi nhất, nhưng ngược lại nếu công tác thanh tra không tốt thì sẽ phản tác dụng. Trong giai đoạn hiện nay, nhà nước đẩy mạnh công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trừng trị các sai phạm để đem lại lòng tin cho nhân dân thì công tác thanh tra càng trở nên vô cùng quan trọng.
Tại phiên thảo luận về dự án Luật thanh tra cũng như tại phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 5/11, một số đại biểu đã phản ánh về việc chậm ban hành kết luận thanh tra và lo ngại việc ban hành, chậm ban hành kết luận này có thể sẽ tác động và ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận thanh tra. Khi bàn về giải pháp, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng cần nhiều biện pháp như tiếp tục đổi mới phương pháp, đẩy nhanh tiến độ, khắc phục chậm ban hành kết luận thanh tra, quy định trách nhiệm cụ thể cho trưởng, phó đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra, thành viên đoàn, người giám sát… phải xử lý nếu để lọt lộ, chậm ban hành.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế là dù quy tắc, quy trình có tốt và đúng đến đâu chăng nữa thì vai trò của người cán bộ thực thi công vụ là vô cùng quan trọng. Cán bộ có đủ đức và tài hay không, có nhiệt tình cống hiến cho công việc hay không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công việc, mà cụ thể trong trường hợp này là các báo cáo thanh tra phải ra đúng tiến độ, đầy đủ nội dung. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần chỉ ra sự hạn chế về thái độ và trình độ của một bộ phận công chức bằng những nhận xét rất ngắn gọn, nhưng lại đúng và rất trúng. Ông từng nói có khoảng 1/3 công chức chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, có cũng được mà không có cũng được, tức là không đóng góp được gì về công việc.
Về lĩnh vực thanh tra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, cán bộ thanh tra còn “dễ dãi, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra”. Một lần nữa, người đứng đầu Nhà nước lại đưa ra một nhận định không thể đúng và trúng hơn. Khi đã nhận quà, ăn uống với người được thanh tra thì làm sao có thể thực hiện công việc nghiêm túc, làm sao tránh được nể nang, dẫn đến xuê xoa và làm chậm công việc? Vấn đề đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra cũng đã được nêu ra nghị trường, và Tổng thanh tra Chính phủ phải thừa nhận tình trạng “giao lưu, ăn uống” như Chủ tịch nước nhận xét là hoàn toàn chính xác. Không những vậy, trong dư luận hiện nay cũng đánh giá cán bộ thanh tra nói chung, thanh tra Chính phủ còn phiền hà, gây nhũng nhiễu, chưa đúng theo quy định nhà nước để vụ lợi cá nhân.
Như vậy, chúng ta có thể nói nhiều, bàn nhiều về giải pháp, về quy trình, thủ tục, nhưng nếu không nhìn thẳng, nhìn thật, vạch đúng bản chất vấn để thì không thể cải thiện được lĩnh vực thanh tra, bất chấp các con số báo cáo năm sau đẹp hơn năm trước. Nếu có con người tốt thì sẽ có kết quả tốt, bất kể quy trình đã hoàn thiện hay chưa, nếu mọi cán bộ thanh tra đều có đủ đức và tài, nhiệt tình cống hiến cho công việc thì tất yếu sẽ hạn chế tối đa sự trì trệ và kém chất lượng. Nhận xét của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về hiện tượng “giao lưu, nhận quà” của một số cán bộ thanh tra thực sự là một hồi chuông cảnh tỉnh, và thiết nghĩ nên có chế tài thật nặng cho những cán bộ có hành vi như vậy.
An Diễm