148628
topics
581170

Hạn chế người dân không về quê ăn Tết tạo tâm lý tiêu cực

08/01/2022 08:37

Việc hạn chế người dân về quê ăn Tết sẽ tạo nên tâm lý tiêu cực và cũng không có nhiều ý nghĩa thực tế đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19.

“Đoàn tụ với gia đình ngày Tết là nguyện vọng chính đáng của bất cứ người lao động xa quê nào. Khuyến cáo người dân không về quê dễ tạo tâm lý tiêu cực và không khả thi” – PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, nói về bức thư ngỏ của UBND TP Thanh Hóa vận động người dân xa quê không về quê ăn Tết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là tại các thành phố lớn, nơi tập trung đông lao động ngoại tỉnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc đã có một số chính sách để hạn chế, cách ly người từ các vùng khác về để đảm bảo an toàn phòng dịch. Tuy nhiên, những chính sách này gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Không nên ngăn nguyện vọng chính đáng của dân

Nói đến bức thư ngỏ của TP Thanh Hóa, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng khuyến cáo này của địa phương là không thực sự cần thiết, khó phát huy hiệu quả. Dịp Tết là thời điểm người dân trông chờ cả năm, được lên kế hoạch từ nhiều tháng, rất khó có thể thay đổi chỉ bởi một bức thư ngỏ từ phía chính quyền.

Bên cạnh đó, chuyên gia về dịch tễ nhấn mạnh khuyến cáo này của TP Thanh Hóa không có nhiều giá trị khi dịch bệnh đã xuất hiện ở tất cả tỉnh, thành. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 128 để các địa phương thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh trong tình hình mới.

“Quan điểm không ngăn sông cấm chợ, tức là người dân được đi lại, được sinh hoạt miễn sao đảm bảo các điều kiện an toàn cho bản thân và gia đình. Khuyến cáo người dân không về quê dễ tạo tâm lý tiêu cực, nhất là đối với lao động xa quê trông chờ từng ngày để được về với gia đình”, ông Hùng nhìn nhận.

van dong nguoi dan khong ve que anh 1
Người dân làm thủ tục khai báo y tế trước khi về tỉnh Quảng Ninh dịp Tết Dương lịch 2022. Ảnh: Quốc Nam.

Với tỷ lệ tiêm chủng vaccine của hầu hết tỉnh thành đều tương đối cao như hiện nay, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng công tác phòng, chống dịch hiện giờ nên tập trung vào nâng cao ý thức người dân. Họ cần tuân thủ 5K và thay đổi một số thói quen như tụ tập ăn uống đông người, đến thăm người già, trẻ nhỏ dịp Tết…

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) nói ông hiểu và thông cảm với bức thư ngỏ của TP Thanh Hóa và cần đặt bức thư trong bối cảnh địa phương này đang căng sức chống dịch với nguy cơ bùng phát rất lớn.

Số ca bệnh tăng nhanh có thể khiến cho hệ thống y tế địa phương này quá tải, rất dễ dẫn đến bệnh nhân chuyển nặng và tử vong tăng theo, nhất là sau dịp Tết Nhâm dần 2022 được nhiều chuyên gia y tế cảnh báo từ trước đó.

“Tuy nhiên, về quê hương đón Tết cổ truyền vẫn là nguyện vọng chính đáng của người dân. Tôi nghĩ tỉnh nên cố gắng hết sức trong khả năng của mình để tạo điều kiện cho người dân vì đây là nét đẹp truyền thống vừa thể hiện tính nhân văn của chính quyền địa phương”, ông Hòa nói.

Cần mạnh dạn bỏ quy định cách ly vô lý

Còn tại Vĩnh Phúc hôm 6/1, UBND tỉnh này có văn bản hỏa tốc hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đối với người từ các địa phương khác đến/về tỉnh.

Người đến Vĩnh Phúc từ địa bàn dịch cấp độ 4 (vùng đỏ) dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn phải cách ly 7 ngày tại nhà, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo; xét nghiệm SARS-CoV-2 2 lần. Trường hợp chưa tiêm đủ liều vaccine, số ngày cách ly tại nhà lên đến 14 và phải cách ly y tế tập trung nếu nơi lưu trú không đủ điều kiện.

Khách trên chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP.HCM tới Hà Nội sau khi hàng không nội địa hoạt động trở lại vào tháng 10/2021. Ảnh: Việt Linh.

Nói về việc này, ông Phạm Văn Hòa cho rằng chính sách của tỉnh Vĩnh Phúc đang chặt chẽ quá mức cần thiết và không phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày đồng nghĩa với việc nhiều người xa quê sẽ không thể về Vĩnh Phúc ăn Tết vì thời gian cách ly quá dài, không kịp quay trở lại làm việc.

“Tôi nghĩ việc cách ly người dân từ vùng đỏ, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc nên xem xét lại. Quy định cách ly này là không hợp lý, dễ gây phản cảm. Người về tỉnh cần khai báo y tế, xét nghiệm là đủ, nên cho họ về ăn Tết với gia đình”, ông Hòa nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng trong giai đoạn hiện nay, các địa phương khó có thể áp dụng biện pháp hành chính để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, làm việc và sinh hoạt là rất quan trọng trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt hiện nay.

“Hạn chế đi lại, hay cách ly người về từ vùng dịch là biện pháp chống dịch của quá khứ, không nên mang để áp dụng lúc này. Một địa phương đặt thêm các quy định giữ an toàn cho tỉnh mình là không còn phù hợp”, ông Hùng nói.

Người từ vùng dịch cấp độ 1, 2 về Thanh Hóa sẽ không phải cách ly

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết địa phương này đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phương án với người xa quê trở về theo kế hoạch mới nhất của UBND tỉnh.

Cụ thể, theo văn bản số 289 của tỉnh này, người về từ vùng dịch cấp độ 1, 2 (vùng xanh, vàng) sẽ không phải cách ly y tế. Còn người từ vùng cấp độ 3, 4 tùy theo trường hợp tiêm vaccine đủ hay chưa hoặc dựa trên việc tiếp xúc F1, F2 sẽ có từng hướng dẫn riêng.

Tuy nhiên, đa số sẽ được cách ly tại nhà 7 ngày. Cũng theo Phó chủ tịch Thanh Hóa, từ nay đến Tết Nguyên đán, địa phương này sẽ tùy theo chỉ đạo mới của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia và diễn biến thực tế để có những điều chỉnh sau.

Minh Ngọc

Tags :
Đọc nhiều