Ham hoa hồng, lên mạng nạp tiền giật đơn hàng ảo, kết quả ra sao?
Sau trò lừa ngồi nhà xem clip vẫn kiếm được tiền, nhiều người lại rơi vào bẫy “việc nhẹ lương cao”, chỉ cần tham gia giật đơn hàng ảo của các trang thương mại điện tử để ăn hoa hồng cho mỗi đơn hàng trên website Tailoc888.com và Nasdaq666.com.
Với lời quảng cáo hấp dẫn như hoa hồng cao, ngồi nhà vẫn kiếm tiền triệu mỗi ngày…, các trang web lừa đảo này đã thu hút được hàng ngàn người tham gia. Và sau vài lần trả đủ các khoản hoa hồng hậu hĩnh, khi các “con mồi” nạp thêm các khoản tiền lớn vào tài khoản với hi vọng thu về nhiều hoa hồng hơn, các đối tượng này đánh sập trang web và biến mất.
Tin bợm, mất… tiền
Trong đơn tố cáo “hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” vừa được gửi đến Tuổi Trẻ, ông Lê Thành Phần (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết vào tháng 8-2020, email cá nhân của ông nhận được link tuyển dụng làm thêm online của nhóm người làm việc cho trang web www.tailoc888.com.
Nhóm này giới thiệu đã được Bộ Công thương chấp thuận thành lập từ năm 2018, với hình thức kinh doanh là đặt hộ đơn hàng cho các trang thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee và Amazon nhằm “nâng uy tín bán hàng cho các thương gia tham gia nền tảng”.
Cũng theo giới thiệu của trang web www.tailoc888.com, khách chỉ đặt đơn hàng hộ cho công ty (được gọi là đại lý), hưởng hoa hồng trên đơn hàng giật được.
Và tùy theo cấp độ, đại lý hợp tác bằng cách nạp tiền vào tài khoản của trang www.tailoc888.com cao hơn giá trị đơn hàng để nhận đơn và giao lại cho các trang thương mại điện tử uy tín trong thời gian ngắn để hưởng hoa hồng, có thể rút vốn về tài khoản bất cứ lúc nào.
Với suy nghĩ “vừa bỏ vốn ra hợp tác vừa bỏ công” theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, ông Phần đã 7 lần nạp tiền vào trang này với số tiền 22.880.000 đồng, lần cuối cùng vào ngày 18-9 với số tiền 10 triệu đồng.
Trong 3 ngày liên tiếp sau đó (19, 20 và 21-9), ông Phần đặt lệnh rút tiền từ trang này và nhận được thông báo “rút tiền thành công”, nhưng tiền không về tài khoản của ông Phần. “Đến ngày 23-9, tôi vẫn không được trang web www.tailoc888.com thanh toán bất cứ khoản tiền nào”, ông Phần cho biết.
Anh N.T.L. (Q.Bình Tân, TP.HCM) cũng cho biết vào tháng 8-2020, sau khi thấy quảng cáo tương tự, anh đã nộp vào trang web Tailoc888.com số tiền 200.000 đồng để chơi thử và được trả lãi đầy đủ. Do đó, anh L. lấy cả tiền vay mua đất để nộp vào trang web này 340 triệu đồng. “Nhưng khi vừa mới rút ra được 80 triệu, trang web bị sập, tôi bị mất trắng 260 triệu đồng”, anh L. thông tin.
Tương tự, nhiều bạn đọc tố cáo app Nasdaq666 có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền với chiêu lừa này. Trong thư tố cáo gửi đến Tuổi Trẻ, bạn đọc Oanh Le cho biết khi tìm việc làm trên mạng xã hội vào tháng 8-2020, chị được một trang YouTube giới thiệu về app Nasdaq 666 về đặt đơn ảo.
Theo đó, chỉ cần đăng ký tài khoản và nạp tiền, rồi lấy 60 đơn ảo tại một số trang thương mại điện tử uy tín và được hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, đến ngày 20-9, sau khi chị Oanh Le chuyển 12 triệu đồng vào tài khoản đăng ký, app này thông báo đóng cửa bảo trì và biến mất.
Dính bẫy do “mồi câu” hấp dẫn
Phản ánh với Tuổi Trẻ, chị T.H. (Q.12, TP.HCM) cho biết được một người quen giới thiệu tham gia trang web www.tailoc888.com và nasdaq666.com để kiếm nhiều hoa hồng. Theo đó, chỉ cần cầm điện thoại trong 30 phút, vào app Tài Lộc nhấp duyệt đơn để tăng giá trị sản phẩm và nhận chiết khấu lãi suất trực tiếp từ các đơn hàng, với Tiki là 0,25%, Shopee là 0,3%, Lazada 0,35%, Amazon 0,4%. Nếu đầu tư 1 triệu, tiền lãi 1 ngày lần lượt được nhận về là 25.000, 30.000, 35.000 và 40.000 đồng.
“Thấy thời gian lại linh động, có thể làm bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ 9h sáng đến 9h tối, hoa hồng cũng cao nên tôi đã tham gia, chuyển khoản vào các tài khoản của nhóm này nhiều lần với tổng số tiền 60 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền và mới chỉ rút thành công vài triệu đồng, website sập hôm 21-9. Cả hai vợ chồng tôi mất 125 triệu đồng”, chị H. kể.
Tương tự, chị P.T.P.Thanh (Đồng Nai) cho biết đã nộp gần 55 triệu đồng vào nhiều tài khoản khác nhau của những admin trên app này và mới chỉ rút tiền ra được 3 lần, tổng cộng chưa đầy 15 triệu đồng thì trang web bị sập, khiến chị mất trắng 40 triệu đồng. Trong khi đó, trang mạng này đã thu hút hàng ngàn người tham gia và đều mất tiền, sau khi trang web bị sập.
“Các trang này thu hút được nhiều người tham gia vì đưa ra tiêu chí “nhằm để hỗ trợ thúc đẩy bán hàng bằng hình thức giật đơn ảo kiếm tiền thật để ăn hoa hồng cho mỗi đơn hàng”, trong khi các trang mua sắm được giới thiệu đều là những tên tuổi uy tín nên nhiều người sập bẫy”, chị Thanh nói.
Vào ngày 20-9, trước khi các website này sập, nhiều đại lý đã cảm thấy bất thường khi đặt lệnh rút tiền và nhận được thông báo đã “rút tiền thành công” nhưng tiền không về tài khoản. “Khi chúng tôi gọi điện cho bộ phận chăm sóc khách hàng của các trang web này thì chỉ nhận được thông tin “số thuê bao không thể liên hệ được” nên chẳng biết tìm đâu” – anh M., một nạn nhân, cho biết.
Theo các nạn nhân, có khoảng 5 trang web do nhóm admin này lập ra cùng sập vào một ngày. Sau khi trang web Tailoc888.com và Nasdaq666.com bị sập, nhiều nạn nhân còn nhận được thư điện tử đề nghị phải nạp thêm tiền mới rút ra được hoặc kêu gọi chuyển sang chơi ở một số trang với quảng cáo “website kiếm tiền hot nhất hiện nay, ngồi không cũng kiếm vài trăm ngàn mỗi ngày”…
Photoshop tin nhắn số dư của ngân hàng để lừa đảo
Nhiều đối tượng lừa đảo cũng sử dụng chiêu Photoshop tin nhắn của ngân hàng để lừa người bán hàng. Theo đó, đối tượng đặt mua hàng, rồi chụp màn hình tin nhắn thông báo đã chuyển khoản và yêu cầu gửi hàng. Nhiều người tin tưởng nên chuyển hàng ngay, không chờ đến khi tiền về tài khoản, nên bị dính bẫy.
Chị Vân, một người bán hàng online, cho biết do nghĩ chuyển khoản khác ngân hàng nên tiền bị chậm, nhưng sau đó mới biết bị “ăn quả lừa” bởi màn hình chuyển khoản thực chất là sản phẩm Photoshop với đầy đủ thông tin chuyển khoản y như thật. “Những đối tượng này cũng làm lệnh chuyển khoản để lấy thông tin, rồi Photoshop ra tin nhắn thông báo theo mẫu của ngân hàng khiến người bán hàng tin là thật”, chị Vân cho biết.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều đối tượng còn quảng cáo trên Facebook cho biết có nhận chỉnh sửa hóa đơn, tin nhắn chuyển khoản ngân hàng nhanh chóng, thậm chí còn quảng cáo chỉnh sửa xong rồi mới lấy phí, kèm theo đó là hàng loạt thông tin chuyển tiền của các ngân hàng để minh họa.
Thời gian gần đây, các ngân hàng cũng liên tục cảnh báo về việc các đối tượng lừa đảo sử dụng chiêu mạo danh nhân viên ngân hàng để gọi điện thoại, nhắn tin, email tư vấn khách hàng mở thẻ tín dụng miễn lãi suất trong 3 năm, kèm cần thanh toán trước phí 300.000 đồng.
Tuy nhiên, sau khi đóng phí và nhận thẻ xong nhưng không sử dụng được, khách hàng mới biết mình bị lừa vì đó chỉ là tấm thẻ nhựa bình thường, không phải thẻ ngân hàng.
Không có chuyện “việc nhẹ lương cao”
Trao đổi với PV, các chuyên gia cảnh báo về sự xuất hiện hàng loạt trang web lừa đảo, huy động vốn của người dân bằng cách kêu gọi tham gia các hình thức kiếm tiền dễ dàng theo kiểu “việc nhẹ lương cao”, “chỉ cần bấm điện thoại xem clip, giật đơn nửa tiếng mỗi ngày kiếm tiền triệu”… Sau vài lần trả lãi sòng phẳng, đến khi các “con mồi” cắn câu và chuyển số tiền lớn hơn, các đối tượng lừa đảo mới lặn biệt tăm.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, sở dĩ các website này chiêu dụ được nhiều người tham gia là vì đang trong lúc dịch bệnh khó khăn, nhiều người mất việc nên mong muốn có cách kiếm tiền dễ dàng. Khi được người quen giới thiệu, nhiều người tham gia ngay, thậm chí vay mượn tiền để đóng. Sau khi thu hút được số tiền như mong muốn, các đối tượng lừa đảo đánh sập website này và lập website khác. “Không có cách kiếm tiền nào dễ dàng theo kiểu “việc nhẹ lương cao” cả, do vậy người dân cần lưu ý để tránh bị lừa”, ông Hiếu cảnh báo.
ÁNH HỒNG/TTO