28
category
456739

Hai vợ chồng bán bắp rang bơ vượt khó kiếm hơn 200 triệu đồng/tháng

14/12/2020 10:24

Từ mưu sinh bằng công việc bán kem tươi, bắp rang bơ, hai vợ chồng sinh năm 1989 người Bình Phước đã khởi nghiệp thành công bằng nghề nuôi yến.

Vừa ra trường, Dương Thị Tròn và Trần Tuấn Anh (thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) kết hôn khi công việc của cả hai còn đang chưa ổn định.

Tốt nghiệp trung cấp kế toán, chị Tròn xin vào làm văn thư cho một trường tiểu học cách nhà 6km. Suốt 6 tháng sau khi kết hôn, Tuấn Anh vẫn đợi việc, sau đó trở thành giáo viên dạy Thể dục của một trường tiểu học. Lương của chị Tròn được hơn 2 triệu đồng, Tuấn Anh nhận mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng.

“Lúc đó, bọn mình còn ở chung với bố mẹ chồng. Có lần sau khi trừ tiền xăng xe, điện thoại, mình còn dư đúng 500 nghìn về đưa cho mẹ, nói ‘con phụ tiền ăn với bố mẹ’. Mẹ chồng lúc ấy bảo ‘có mấy trăm ngàn để lại mà tiêu, bõ bèn gì mà đưa cho bố mẹ’. Nghe mẹ chồng nói vậy, mình vừa ngại vừa chạnh lòng”.

Tiền lương không đủ trang trải sinh hoạt phí, chị Tròn bàn với chồng kiếm việc làm thêm. Lúc ấy, chị nhớ ra hồi là sinh viên, đi học trên Sài Gòn được ăn món bắp rang bơ rất ngon mà ở quê chưa thấy ai bán. Hai vợ chồng mua ngay một chiếc máy nổ bắp loại nhỏ.

Từ đó, cứ hết giờ làm hành chính về nhà, Tròn lại ngồi nổ bắp đến 9h tối. Sáng ra, trên đường đi làm, chị chở theo thùng bắp giao buôn cho các cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ dọc đường đi. Vì là món ăn vặt lạ ở quê, bắp rang bơ của 2 vợ chồng khá đắt khách.

Từ bán bắp rang bơ, vợ chồng vượt khó kiếm hơn 200 triệu đồng/tháng
Những ngày nổ bắp rang bơ đi giao buôn cho các cửa hàng tạp hóa của 2 vợ chồng. 

Dần dần, 2 vợ chồng bỏ mối cho hầu hết các cửa hàng từ nhà lên tới tỉnh đoạn đường dài khoảng 35km. Đến tận lúc mang bầu 8-9 tháng, hàng xóm vẫn nhìn thấy chị chở xe hàng cao hơn đầu mình đi giao bắp.

Nói là bán được nhiều nhưng vì món ăn vặt rẻ tiền nên thu nhập của 2 vợ chồng cũng chỉ thêm được 2-3 triệu đồng/tháng thời điểm bán được nhiều hàng nhất.

Ban ngày tất bật đi giao hàng, tối về 2 vợ chồng lại lụi cụi đếm tiền lẻ, xem ngày hôm nay lãi được bao nhiêu. “Mẹ chồng mình còn quay phim lại cảnh đó, khoe với các bác, nói ‘hai cháu dạo này siêng lắm, thấy tối nào cũng ngồi đếm tiền’” chị Tròn bật cười khi nhớ lại.

Bán bắp rang bơ được khoảng 2 năm thì chị phải nuôi con nhỏ, chồng cũng đã đi dạy ở trường nên không có nhiều thời gian đi giao hàng nữa. Hai vợ chồng quyết định bán máy nổ bắp.

Đầu năm 2014, hai vợ chồng chuyển sang bán kem tươi. Tuấn Anh tranh thủ những tiết trống ở trường để bán kem cho học sinh trong giờ ra chơi.

“Tối nào ở thị trấn có chương trình hội chợ, ca nhạc, cắm trại… là 2 vợ chồng lại thuê xe ba gác với giá 200-300 nghìn/tối chở xe kem đến địa điểm đó để ngồi bán kem. Dọn dẹp xong về nhà là hơn 11h đêm”.

Từ bán bắp rang bơ, vợ chồng vượt khó kiếm hơn 200 triệu đồng/tháng
Anh Tuấn Anh thời còn bán kem kiếm thêm thu nhập. 

Nghĩ lại giai đoạn đó, chị Tròn bảo, ngày ấy đang còn trẻ, làm không biết mệt, chỉ nghĩ rằng mình đang phấn đấu để có kinh tế riêng, không phải phụ thuộc vào bố mẹ nên làm việc bất chấp thời gian. “Khách gọi giờ nào giao bắp, giao kem, dù cách vài cây số, 2 vợ chồng cũng xách xe máy đi liền”.

Đến cuối năm 2014, khi món kem tươi của 2 vợ chồng cũng bị nhiều nơi cạnh tranh, họ lại bán máy làm kem.

Lúc ấy, bên nhà ngoại đang nuôi yến. Hai vợ chồng nhận thấy nghề này có tương lai phát triển, nên anh Tuấn Anh quyết định “vác sách vở” đi học hỏi kinh nghiệm từ người quen.

Sau một thời gian học hỏi và suy tính, bố mẹ chồng chị xây lên một nhà yến nhỏ. Lúc này, anh Tuấn Anh đã chuyển sang làm chuyên viên bên huyện đoàn. Cứ hết giờ hành chính, anh lại đi làm thêm công việc lắp đặt nhà yến cho khách.

Thời gian ấy, để tiết kiệm chi phí, cứ tối đến cơm nước, tắm rửa cho con cái xong, chị Tròn lại ngồi nhặt yến thô bằng tay từ 6h tối đến 11h đêm, sau đó lên khuôn, bỏ vào tủ sấy rồi mới đi ngủ.

Sau 1-2 năm, hai vợ chồng tích lũy mua đất, xây được nhà yến cho riêng mình.

Xác định không thể hoàn thành tốt cả 2 công việc cùng lúc, chị Tròn xin nghỉ việc ở trường vào cuối năm 2017, còn chồng chị nghỉ làm nhà nước từ cách đó 1 năm để tập trung làm kinh tế.

Cả hai vợ chồng lao vào làm việc ngày đêm để xây dựng sự nghiệp riêng. “Lúc ấy mình gần như không gặp chồng vì anh đi từ 4-5h sáng tới khuya mới về. Con cũng chỉ gặp bố 1-2 lần/tuần. Có những công trình nhà yến ở xa, anh vắng nhà 5-10 ngày là chuyện bình thường. Anh nhận lắp đặt nhà yến từ miền Trung cho tới Đắk Lắk, Buôn Mê Thuột…”.

Công việc ngày càng phát triển thuận lợi, đến cuối năm 2017đầu năm 2018, anh chị thành lập công ty chuyên cung cấp các sản phẩm từ yến và nhận lắp đặt nhà yến cho khách.

Từ bán bắp rang bơ, vợ chồng vượt khó kiếm hơn 200 triệu đồng/tháng
Anh Tuấn Anh thu hoạch yến.
Từ bán bắp rang bơ, vợ chồng vượt khó kiếm hơn 200 triệu đồng/tháng
Ít nhất từ 2 năm trở lên, các nhà yến mới cho ra số lượng tổ yến ổn định.  

Hiện tại, hai vợ chồng chị Tròn sở hữu 5 nhà yến sau khi đã bán bớt 5 nhà ở các tỉnh xa do không quản lý được hết. “Trung bình mỗi tháng gia đình thu được 5-10kg yến với giá yến thô hiện tại là 16-18 triệu đồng/kg”.

Cộng với công việc lắp đặt nhà yến, bao tiêu đầu ra cho các nhà yến mình lắp đặt, mỗi tháng vợ chồng chị thu về lợi nhuận trung bình từ 200-300 triệu đồng.

Anh Tuấn Anh ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, cũng đang là Phó Ban thường vụ Hiệp hội Yến sào Việt Nam, Chi hội trưởng Hội Yến sào tỉnh Bình Phước.

Chị Tròn chia sẻ: “Hiện tại nguồn cung cấp yến ở khu vực miền Nam rất nhiều nhưng nhu cầu sử dụng yến của thị trường cũng lớn. Tuy nhiên, nguồn thức ăn ngoài tự nhiên, môi trường và nạn săn bắt yến đang ảnh hưởng đáng kể tới số lượng yến ở các địa phương”.

Được biết, sản phẩm yến của gia đình đã được một đầu mối bên Đài Loan xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu. Nhưng vì giai đoạn Covid-19 vừa qua nên một số thủ tục đang bị vướng, chị chia sẻ thêm.

Trong 2 tháng tới, chị cũng đưa ra thị trường sản phẩm yến hũ ăn sẵn, dập hút chân không, có thể bảo quản được 6 tháng.

Nghĩ về những giai đoạn khó khăn nhất của 2 vợ chồng, chị Tròn tâm sự: “Giai đoạn đó đã cho mình những trải nghiệm quý báu để mình tự bước qua một trang mới phát triển hơn. Nếu mình được sinh ra trong môi trường may mắn hơn, mình sẽ thấy đồng tiền kiếm được rất bình thường, nhưng chính những ngày tháng khó khăn ấy đã rèn cho mình nghị lực để vượt qua những thách thức lớn hơn sau này. Mình càng trân trọng hơn những gì 2 vợ chồng đang có ngày hôm nay”.

Từ bán bắp rang bơ, vợ chồng vượt khó kiếm hơn 200 triệu đồng/tháng
Hai vợ chồng chị Dương Thị Tròn và anh Trần Tuấn Anh được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh là một trong 20 “Gia đình trẻ tiêu biểu” năm 2020.

Nguyễn Thảo/ VNN

Đọc nhiều