419
category
376935

Hai tuần thành bại và đại chiến mùa xuân 2020!

26/03/2020 15:47

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đáp lại: “Đã chuẩn bị sẵn sàng kể cả tình huống xấu nhất”.

Chính phủ đã hành động nhanh chóng và quyết liệt khi nhận thức được mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam

Mùa xuân năm 1954, Việt Nam đại thắng thực dân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ, chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ấy đã cổ vũ cho phong trào đấu tranh, giải phóng dân tộc của các quốc gia nhỏ bé khác trên thế giới.

Mùa xuân năm 1973, Hiệp định Paris được kí kết, Mỹ và đồng minh bị bắt buộc rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt can thiệp quân sự trực tiếp vào chiến trường miền Nam Việt Nam, đây là một trong những bản lề dẫn đến đại thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra vào mùa xuân năm 1975. Đầu xuân 1979, chúng ta tiếp tục giành chiến thắng trong một cuộc đối đầu với kẻ thù ở phía bên kia biên giới phía Bắc: Trung Quốc.

Trong gần một thế kỷ qua, những chiến thắng vĩ đại nhất của quân và dân ta thường xảy ra vào thời điểm mùa xuân, năm nay, mở màn thập kỷ mới, chúng ta chuẩn bị vào một cuộc chiến khác với một kẻ thù chung đang khiến cả thế giới khiếp sợ: Covid-19.

Ngày 05/03/1979, Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt, trong đó có đoạn: “Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc“, cùng ngày đó, lệnh tổng động viên toàn quốc được chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ban hành. Trong cùng ngày, báo Nhân Dân viết: “Cả nước đánh giặc, toàn dân là lính, 50 triệu người dân Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến.”

Và cũng là những ngày tháng 3, nhưng tại năm 2020, trang fanpage Thông tin Chính Phủ đăng bài viết: “Đất nước chính thức bước vào thời chiến”. Trong ghi chú có đoạn: “Toàn quân, toàn dân chính thức sẵn sàng bước vào thời chiến, bằng một lời hiệu triệu rất dân dã rằng: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!”. Tối cùng ngày, điện thoại của người dân đồng loạt nhận được tin nhắn của Thủ tướng nhắn nhủ: “Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh”.

Tuần cuối cùng của tháng 3, được xác định là tuần mở màn cho “cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020” vào Covid-19 dự kiến kéo dài trong vòng 2 tuần, với việc thay vì “nín thở” chờ diễn biến, Chính phủ “thập diện mai phục” , truy cùng đuổi tận con virus này.

Việc chủ động “đón giặc” về nhà để “diệt” đã bắt đầu từ những ngày đầu tiên của dịch bệnh, những chuyến bay đưa đồng bào từ tâm bão Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và sau đó là từ châu Âu, Bắc Mỹ… đã diễn ra. Vừa giảm tải cho các “chiến trường” ở khắp nơi trên thế giới, vừa thực hiện đúng nghĩa vụ bảo hộ quốc gia với công dân Việt Nam. Nghĩa vụ quốc tế được Việt Nam thực thi rõ ràng, nhanh gọn bằng việc xét nghiệm, cách ly miễn phí với toàn bộ người nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.

Đầu tháng 3, bệnh dịch bắt đầu nhen nhóm bùng phát tại châu Âu và các điểm nóng khác, Chính phủ quyết định “chờ thời chín muồi” phản công khi tiếp tục mở cửa đón đồng bào tiếp tục về nước tránh dịch. Để chuẩn bị cho phương án này, các khu cách ly được mọc tại nhiều nơi trên khắp Tổ Quốc, trưng dụng các doanh trại quân đội, mở rộng sang các khu ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng vào cuộc “tiếp tay” cùng Chính phủ, một mặt mở các khu cách ly thu phí để bổ sung một phần vào ngân sách chống dịch, một phần khác thì được hoán cải thành khu cách ly miễn phí.

Ngày 04/03, quân đội Việt Nam tập trận chống giặc ở quy mô cấp độ cao nhất, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể diễn ra mặc dù bối cảnh thời điểm lúc ấy, Việt Nam đang chuẩn bị “tuyên bố hết dịch” sau những tháng ngày không có ca nhiễm. Thường vụ Quân ủy Trung ương nhận định: “Trong bất luận tình huống nào quân đội cũng phải sẵn sàng đi đầu trong phòng, chống dịch Covid-19.”

Ngày 24/03/2020, Tp Hồ Chí Minh tiến hành đóng cửa nhà hàng, quán ăn, tụ điểm giải trí công cộng, duy trì chợ, siêu thị cung cấp nhu yếu phẩm. Sang ngày 25/03, Hà Nội áp dụng các biện pháp tương tự để đối phó với dịch bệnh. Hai đô thị lớn nhất cả nước đã vào cuộc, người dân cả nước đang hướng về hai tâm điểm Tổ Quốc. Thậm chí, Chính phủ cũng đã lường trước tình trạng cách ly Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh trong kịch bản xấu nhất.

Hơn 500 người Việt từ châu Âu về sân bay Vân Đồn.

Phương châm của Chính phủ bấy giờ là: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn giặc”, đó cũng là phương châm của Lý Thường Kiệt khi đem quân bắc phạt trước đại chiến Tống – Việt.

Thứ nhất là để triệt tiêu căn cứ hậu phương chiến trường của địch – cũng giống như việc đem đồng bào về để chữa bệnh, giảm tải sức ép cho nước bạn. Thứ hai, là để bên trong nước có thêm thời gian chuẩn bị cho chiến trường – điều này khá rõ ràng vì thời điểm hiện tại, cả nước đã chuẩn bị vật tư, hàng hóa, tâm thế, lực lượng để “đón dịch”, ví dụ như tạm dừng xuất khẩu gạo hay tạm dừng cấp visa cho người nước ngoài. Thứ ba, là cuộc tập dượt trước trận đánh quy mô hơn, khốc liệt hơn – đó chính là “Đại chiến mùa xuân 2020” chống Covid-19 diễn ra thời gian tới. Thứ tư, đó là phép thử với thế giới, chứng minh một quốc gia nhỏ bé có thể làm những điều lớn lao, trước những kẻ thủ hùng mạnh – bây giờ, kẻ thù ấy là Covid-19.

“Ngày 29/6/1989, báo Pracheachon của Campuchia đã ra xã luận, trong đó có đoạn: Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này, có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”. Và gần 30 năm sau, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng người Việt Nam lại một lần nữa sẵn sàng lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Nam Sudan – nơi có 13 triệu người phải đối mặt với xung đột sắc tộc, nạn đói, bệnh tật.” – Đoạn trích trong bộ phim tài liệu: “Bảo vệ Tổ Quốc từ sớm, từ xa” của kênh truyền hình Quốc Phòng Việt Nam.

“Một đoàn người vượt tầng biên cương vì loài người xây đắp tự do hòa bình”.

Mặc dù khó khăn, phải đối chọi với dịch bệnh, Việt Nam vẫn thực hiện nghĩa vụ quốc tế, hỗ trợ bạn bè, những chuyến hàng viện trợ tới Trung Quốc, Italia, hai tâm bão của dịch bệnh. Ngoài ra, Việt Nam đã chia sẻ phác đồ điều trị Covid-19 trên tạp chí y học nổi tiếng thế giới ngay sau khi ca bệnh đầu tiên được chữa trị khỏi bệnh. Cũng là quốc gia đang phát triển duy nhất được WHO, CDC Hoa Kỳ hợp tác, đề nghị chia sẻ quy trình cách ly, nghiên cứu bộ KIT xét nghiệm, tính đến nay, đã có hơn 20 quốc gia đặt hàng KIT xét nghiệm từ Việt Nam.

Chúng ta không muốn chiến đấu, nhưng chúng ta phải chiến đấu, đã chiến đấu là sẽ chiến thắng!

Từ thời điểm này và trong hai tuần tới, sẽ là giai đoạn quyết định thành bại của một cuộc chiến rất nguy nan, khác với các quốc gia phát triển, Việt Nam chưa có điều kiện và cũng chưa giàu có, nếu thất bại, chắc chắn chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn để vực dậy, tinh thần của người dân sẽ đi xuống, sự sợ hãi có thể xảy ra ở khắp nơi. Những đồng minh của chúng ta, đã có quốc gia gục ngã, nhưng cũng có quốc gia đã đứng dậy đánh dịch thành công.

Lần tổng động viên gần nhất đã diễn ra cách đây hơn 41 năm, hòa bình đã hiện diện tại Tổ Quốc từ lâu rồi, thế hệ trẻ ngày nay có thể sẽ không phải chứng kiến tiếng súng, tiếng bom đạn nữa. Nhưng vận nước vẫn đang gặp nguy nan trước đại dịch, toàn thể quốc dân đồng bào cùng chung tay góp sức, chống dịch.

Sẵn sàng chiến đấu tại một chiến trường không tiếng súng!

Tifosi 

Đọc nhiều