Hải quân Nga-Việt huấn luyện tàu ngầm ở Cam Ranh
Trong khuôn khổ chuyến thăm của tàu cứu hộ Igor Belousov, các thủy thủ Nga và Việt Nam thực hành bài tập sơ tán tàu ngầm ở quân cảng Cam Ranh.
Lãnh đạo bộ phận hỗ trợ thông tin thuộc dịch vụ báo chí Hạm đội Thái Bình Dương, thuyền trưởng cấp hai Nikolai Voskresensky ngày 05/12 thông báo rằng, trong cuộc diễn tập chung tại cảng Cam Ranh, quân đội Nga và Việt Nam đã thực hiện bài tập sơ tán tàu ngầm.
Các bài tập diễn ra trong giai đoạn từ ngày 02 đến 08 tháng 12 với các tàu ngầm Kilo Project 636 của Việt Nam, đại diện cho phía Nga là tàu cứu hộ hiện đại Igor Belousov của Hạm đội Thái Bình Dương với thiết bị lặn sâu AC-40 của dự án 18271 (Bester-1).
Ngày 02/12, tàu cứu hộ tàu ngầm Igor Belousov của Hạm đội Thái Bình Dương đã cập cảng Cam Ranh, Việt Nam để tham gia các cuộc diễn tập quốc tế về hỗ trợ tàu ngầm gặp nạn. Điều này trước đó được nêu trong thông cáo được phổ biến bởi cơ quan báo chí của hạm đội ngày 02/12.
Dự kiến trong vòng hai ngày đầu tại căn cứ ở Cam Ranh, sẽ diễn ra giai đoạn đầu tiên của hoạt động huấn luyện, trong đó các bên sẽ tổ chức hội nghị về hành động của lực lượng cứu hộ. Sau đó, tàu và thuyền của hai nước sẽ đi ra biển, ở khu vực dành riêng cho các bài tập thực tế.
“Trong căn cứ huấn luyện chiến đấu của Hải quân Việt Nam, đội thủy thủ của tàu ngầm lặn sâu AS-40 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã thực hiện cuộc lặn để tìm kiếm mô hình tàu ngầm, tiếp cận nó và mô phỏng việc lắp ghép với tàu ngầm và giải cứu các thủy thủ” – ông Voskresenski cho biết.
Về phần mình, các tàu ngầm Việt Nam đã tiến hành tập sơ tán thủy thủ một tàu ngầm diesel-điện giả định đang gặp nạn, thông qua các ống phóng ngư lôi. Các chuyên gia của Hạm đội Thái Bình Dương đã theo dõi việc thực hiện bài tập của các đồng nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, tại quân cảng Cam Ranh, các thủy thủ của hai nước đã tổ chức một hội nghị hỗn hợp để làm quen với các đặc điểm và tính năng chiến thuật, kỹ thuật của các lực lượng tham gia cuộc tập luyện.
Thông tin cho biết thêm rằng, trong khuôn khổ hoạt động giao lưu, học tập, các thủy thủ của Hải quân Việt Nam đã lên thăm tàu cứu hộ tàu ngầm Igor Belousov, ngược lại, các thủy thủ Hạm đội Thái Bình Dương thì tới thăm tàu ngầm diesel-điện lớp Varshavyanka (NATO định danh lớp Kilo) của Hải quân Việt Nam thuộc dự án 636.
Trong lực lượng tàu ngầm của Hải quân Việt Nam có 6 tàu ngầm diesel-điện Project 636 lớp Varshavyanka (NATO định danh lớp Kilo) được mua từ Nga. Vũ khí tấn công chính của chúng là hệ thống tên lửa Club-S (phiên bản xuất khẩu của hệ thống Kalibr-PL), với 2 loại tên lửa 3M14 (hành trình đối đất) và 3M54 (hành trình chống hạm).
Cũng tại Cam Ranh-Việt Nam, với sự tham gia của Hiệp hội khoa học và sản xuất “Aurora” (St. Petersburg), một trung tâm huấn luyện hiện đại đã được xây dựng để đào tạo thủy thủ tàu ngầm. Trung tâm này đã được Nga bàn giao cho Việt Nam vào tháng 01 năm 2014.
Vào ngày 04/12 vừa qua, Việt Nam cũng đã tổ chức lễ hạ thủy tàu tìm kiếm, cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316 đầu tiên mang số hiệu 927, với tên gọi là “Yết Kiêu” tại Nhà máy Z189, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Đây là loại tàu cứu hộ tàu ngầm lần đầu tiên đóng mới tại Việt Nam.
Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, tàu MSSARS 9316 sở hữu những thông số cực ấn tượng. Cụ thể, con tàu có chiều dài 93m; chiều rộng 16m; chiều cao mạn 5,85m; thủy thủ đoàn 113 người; lượng giãn nước đầy tải 3.950 tấn, có thể hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm, khả năng chịu sóng cấp 9, gió cấp 12. “Yết Kiêu Việt Nam” được tích hợp hệ thống động lực mạnh mẽ và nhiều thiết bị khác giúp đảm bảo tàu có thể thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn ngầm.
Ngoài công tác cứu hộ, cứu nạn tàu ngầm và các tàu mặt nước khác, MSSARS 9316 còn có khả năng tiến hành các nhiệm vụ khảo sát, nghiên cứu đại dương, đo vẽ bản đồ đáy biển.
Với việc vừa hạ thủy tàu cứu hộ tàu ngầm hiện đại lại được huấn luyện, diễn tập thực địa với một chiếc tàu tương tự của Nga, hy vọng rằng Hải quân Việt Nam nói chung và lực lượng tàu ngầm, tàu cứu hộ của chúng ta sẽ tích lũy được những kinh nghiệm quý báu trong sử dụng vận hành những tàu MSSARS 9316 sắp được đưa vào trong biên chế.
Hoài Nam (tổng hợp)