Hải quân Mỹ thiếu ‘mắt’ đối phó Trung Quốc

29/12/2019 19:39

Chuyên gia Mỹ cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không sợ xung đột mà chỉ lo ngại về một cuộc đối đầu dài với Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Hải quân Mỹ thiếu tai mắt

Giới phân tích Mỹ cho rằng các lực lượng Thái Bình Dương của nước này cùng các đồng minh đang đối mặt với mối đe dọa lớn nhất kể từ sau Liên Xô đến từ Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Mỹ lại chưa được chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc canh trạnh giữa các siêu cường. Đặc biệt tại phía Tây Thái Bình Dương, Mỹ được đánh giá là vẫn chưa sẵn sàng.

Theo giới phân tích Mỹ, trong vòng 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã biến quân đội của mình từ một lực lượng yếu và có khả năng hạn chế thành một lực lượng có thể triển khai sức mạnh ở nước ngoài. Bryan McGrath, cựu quan chức hải quân và hiện là người đứng đầu tập đoàn tư vấn quốc phòng FerryBridge, đã đưa ra ví dụ cho thấy quân đội Trung Quốc 10 năm trước yếu như thế nào: “Các máy bay của Trung Quốc từng không bay được vào ban đêm”.

Hai quan My thieu 'mat' doi pho Trung Quoc
Tàu hải quân Trung Quốc huấn luyện tiếp liệu trên biển

Tại một sự kiện ở Viện Hudson hồi đầu tháng này, giới phân tích Mỹ đánh giá mối đe dọa Trung Quốc có thể xảy ra tại Biển Đông. Giám đốc Trung tâm Sức mạnh biển của Mỹ thuộc Viện Hudson Seth Cropsey cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không sợ xung đột mà chỉ lo ngại về một cuộc đối đầu dài với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Do đó, chuyên gia này cho rằng bất kỳ xung đột nào mà Bắc Kinh tiến hành tại khu vực hàng hải có tầm quan trọng chiến lược này sẽ “nhanh gọn, quyết liệt, quyết đoán”.

Điều này đòi hỏi Mỹ phải sẵn sàng mà giới chuyên gia nước này cho rằng chìa khóa để duy trì ưu thế trước Trung Quốc là khả năng tình báo, do thám, giám sát và xác định mục tiêu, thường được gọi là ISRT. Theo các chuyên gia McGrath và Cropsey, xét trên cả 4 khía cạnh này, nếu xuất hiện một mối đe dọa tại Biển Đông thì Mỹ sẽ thiếu khả năng đối phó kịp thời.

Chiến lược quốc phòng năm 2018 của Mỹ phụ thuộc chủ yếu vào một chiến thuật, đó là động thái trên biển của Mỹ chuyển từ răn đe thông thường sang răn đe bằng cách khắc chế. Cụ thể, bản chiến lược 14 trang này xác định “cạnh tranh hiệu quả hơn khi duy trì dưới mức xung đột vũ trang; trì hoãn, hạ thấp, hoặc khắc chế hành động gây hấn của kẻ thù”.

Hai quan My thieu 'mat' doi pho Trung Quoc
Hải quân Mỹ coi trọng chiến thuật “khắc chế” đối thủ

Việc khắc chế được cho là có thể đảm bảo các lực lượng hiện diện đủ khả năng gây sát thương khiến kẻ thù không dám hành động gây hấn ngay từ đầu. Tuy nhiên, chiến lược này không thể được thực hiện mà không có thêm các tài sản, vũ khí thực hiện ISRT cũng như kết nối chúng với nhau.

Ví dụ, trong kịch bản đại lục có ý định tấn công Đài Loan, Mỹ cần có “đủ cảnh báo” để làm tăng tổn thất đối với Trung Quốc. Khi đó ISRT đóng vai trò rất quan trọng để Mỹ có được thông tin liên tục về toàn bộ khu vực thuộc phạm vi Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hợp pháp của Trung Quốc, rộng 200 hải lý tính từ đường bờ biển của Trung Quốc.

Mỹ đã chi tiền trang bị những vũ khí cần thiết, nhưng không có đủ các khả năng ISRT để hỗ trợ các vũ khí đó. Giới phân tích Mỹ thừa nhận các khả năng ISRT trên biển của Mỹ vẫn còn kém, thiếu sự phối hợp và phát triển. Vấn đề được cho là nằm ở chỗ cả Hải quân Mỹ và Bộ Quốc phòng đều chưa làm đủ những gì cần thiết nên không ai biết Hải quân cần loại ISRT nào ở Tây Thái Bình Dương.

Theo trang Realcleardefence, công nghệ cốt lõi và mẫu máy bay quan trọng hỗ trợ các khả năng của Hải quân Mỹ là hệ thống máy bay chiến đấu không người lái (UAS) MQ-4C Triton của tập đoàn Northrop Grumman. Northrop Grumman quảng bá MQ-4C cung cấp “ISR thời gian thực trên các khu vực đại dương và ven biển rộng lớn”.

Hai quan My thieu 'mat' doi pho Trung Quoc
Máy bay chiến đấu không người lái (UAS) MQ-4C Triton

Cũng theo tập đoàn này, MQ-4C “dựa trên mẫu UAS Global Hawk đã trải qua thử thách”, và được chế tạo để có thể “bay lên và bay xuống trong điều kiện môi trường thời tiết khắc nghiệt ở trên biển để có thể giám sát gần hơn các tàu thuyền và những mục tiêu khác trên biển khi cần thiết”. Northrop Grumman cho biết máy bay này có thể hoạt động 24 giờ trên không với tầm bay 8.200 dặm biển ở độ cao trên 50.000 feet (khoảng 1.500 mét) khi cần thiết.

Northrop Grumman nói rằng “chương trình của Hải quân cần 68 máy bay” nhưng chỉ có 20 chiếc đang vận hành trên toàn thế giới. Nhà phân tích McGrath cho rằng Hải quân Mỹ mua MQ-4C “là hoàn toàn không đủ” và “một phi đội không có mắt thì không thể bay”.

Thực lực hay phô trương?

Trong khi đó, trang express.co.uk đánh giá Trung Quốc đang có ưu thế ở Biển Đông với những căn cứ nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép với mục đích quân sự. Theo tờ báo Anh, các bức ảnh bị rò rỉ cho thấy việc phát triển các căn cứ quân sự của Trung Quốc được tiến hành kỹ lưỡng như thế nào. Một số bức ảnh cho thấy các tàu chở hàng và tàu tiếp tế dường như đang chuyển vận liệu xây dựng đến các đảo do Trung Quốc kiểm soát. Những bức ảnh khác cho thấy đường băng, nhà chứa máy bay, tháp không lưu, bãi đáp trực thăng và mái che radar trên máy bay cũng như một loạt tòa nhà cao tầng.

Trong khi đó, Mỹ vẫn đưa các tàu chiến và tàu sân bay đến khu vực. Tờ báo Anh cũng nhấn mạnh tới các động thái của Mỹ ở Philippines. Năm 2016, Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với Philippines để xây dựng 5 cơ sở quân sự đặt trên khắp lãnh thổ quốc gia Đông Nam Á này. Trong số đó có căn cứ Không quân Antonio Bautista ở đảo Palawan, phía Tây Philippines.

Hai quan My thieu 'mat' doi pho Trung Quoc
Quân nhân Mỹ và máy bay cánh lật MV-22 Osprey của Mỹ tại căn cứ Antonio Bautista, Philippines

Cũng theo trang express.co.uk, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông để chuẩn bị cho các “cuộc đối đầu bất ngờ” trong khu vực. Theo Nhật báo PLA, các lực lượng PLA đã thực hiện thành công cuộc diễn tập trinh sát cảnh báo sớm, theo đó các quân nhân Trung Quốc học cách định dạng hơn 10 loại tín hiệu radar của “kẻ địch”, và “khác với các cuộc diễn tập cảnh báo sớm hồi năm ngoái (2018), cuộc tập trận năm nay có thời gian dài hơn nhiều, các lực lượng được đặt vào tình thế tác chiến ngay từ đầu, đồng thời tập trung huấn luyện vào ban đêm.

Cũng theo truyền thông Trung Quốc, Cuộc tập trận này liên tục thử thách năng lực của các quân nhân cũng như kiểm tra chất lượng các trang thiết bị, giúp nâng cao khả năng chiến đấu khẩn cấp của quân đội”.

The truyền thông khu vực, cuộc tập trận đã diễn ra trong tháng 11/2019 với sự tham gia của 2 nhóm máy bay chiến đấu trên biển thuộc Chiến khu miền Nam Trung Quốc. Trong cuộc tập trận này, nhóm máy bay chiến đấu thứ nhất chia sẻ thông tin tình báo với nhóm thứ hai, sau đó nhóm thứ hai được điều đi tìm kiếm và thu thập thông tin về các mục tiêu ở trên biển.

Hai quan My thieu 'mat' doi pho Trung Quoc
Tàu sân bay mới cùng với J-20 và Su-35 có giúp Trung Quốc đe dọa Mỹ?

Hồi đầu năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại khu vực với việc điều máy bay chiến đấu J-20 do nước này sản xuất và máy bay chiến đấu Su-35 do Nga sản xuất tới đây. Theo giới phân tích, Su-35 sẽ là mối lo ngại đối với quân đội Mỹ bởi chiếc máy bay này được trang bị hai động cơ phản lực với tầm bay 3.500 km không cần tiếp nhiên liệu, khiến nó trở thành một trong những máy bay chiến đấu đa chức năng tiên tiến nhất trên thế giới.

Đánh giá về các tham vọng của Trung Quốc, giới phân tích gần đây lưu ý việc Bắc Kinh chuyển giao cho hải quân tàu sân bay đầu tiên tự chế tạo trong nước mang tên Sơn Đông tại căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam. Chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc được cho là sẽ hoạt động thường xuyên trong và ngoài Biển Đông, trở thành thứ vũ khí phô trương năng lực hải quân của Trung Quốc với các nước xung quanh.

Thanh Minh/ĐV

Đọc nhiều