Hai nguy cơ của nền kinh tế Mỹ và sự chuẩn bị của Việt Nam

Huy Hoàng 13/04/2023 16:44

Nước Mỹ đang bước vào thời kỳ suy thoái, và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn dưới tác động của suy giảm tín dụng và ngành bất động sản nhen nhóm đổ vỡ. Là một nước xuất siêu sang Mỹ vậy Việt Nam cần chuẩn bị gì cho kịch bản xấu nhất có thể diễn ra?

Quang cảnh thành phố New York, Mỹ.

Hai nguy cơ của nền kinh tế Mỹ

Kinh tế Mỹ hiện đang phải đối mặt với nguy cơ rất lớn về suy giảm tín dụng. Theo đó, do lãi suất tăng và nền kinh tế đang chậm lại, đã gây ra khó khăn lớn đối với các khoản vay chi tiêu hộ gia đình.

Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tổng các khoản tín dụng trong tháng 2 đã chỉ tăng 15,3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với ước tính trung bình tăng 18 tỷ USD. Số liệu này cho thấy rằng sức vay của người tiêu dùng Mỹ đang yếu đi.

Một cuộc khảo sát của Cục điều tra dân số vào đầu tháng 3 cho thấy, có khoảng 1/3 người Mỹ cho biết họ sử dụng thẻ tín dụng hoặc khoản vay để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của mình. Thế nên trong môi trường lãi suất cao như hiện nay và nền kinh tế xuống dốc sẽ dẫn đến việc thắt chặt chi tiêu hơn nữa của nhiều hộ gia đình Mỹ.

Xu hướng giảm đi vay, thắt chặt chi tiêu dự báo sẽ tồi tệ hơn khi càng về cuối năm 2023. Nguyên nhân là Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất 5% hoặc lớn hơn cho đến cuối năm và không có ý định cắt giảm lãi suất.

Vấn đề đáng lo hơn còn là nằm ở phía các ngân hàng, sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) càng khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Vì hai sự kiện này đang làm một lượng lớn tiền gửi dịch chuyển từ các ngân hàng khu vực quy mô nhỏ sang các ngân hàng lớn. Khiến các ngân hàng vừa và nhỏ trở nên dè dặt trong việc cho vay do phải ưu tiên giải quyết vấn đề thanh khoản. Ngoài ra các ngân hàng lớn tại Mỹ cũng phải chuyển trọng tâm sang tín dụng có chất lượng tốt hơn với lợi suất cao hơn và tất nhiên không thể móc hầu bao rộng rãi như trước đây để tránh việc các doanh nghiệp vỡ nợ do kinh tế xuống dốc. Đồng nghĩa tín dụng đang suy giảm ở cả hai đầu người đi vay lẫn người cho vay.

Tiêu cực nhưng đây chính là điều mà Fed hướng tới khi tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế, qua đó là kiềm chế lạm phát. Tại cuộc họp tháng 3, Fed cho biết bất ổn trong ngành ngân hàng “có thể dẫn đến việc thắt chặt điều kiện tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời tác động đến hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát”. Và đây chính xác là những gì Fed mong muốn.

Matthew Luzzetti – Nhà kinh tế trưởng Hoa Kỳ của Deutsche Bank ước tính nếu các ngân hàng thắt chặt tín dụng tăng 10 điểm phần trăm thì nó có thể khiến sản lượng của kinh tế Mỹ giảm khoảng nửa điểm phần trăm, đủ để xua tan kỳ vọng tăng trưởng và đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Tình hình về cuối năm 2023 do đó sẽ không mấy sáng sủa với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với suy giảm tín dụng, ngành bất động sản tại Mỹ cũng nhen nhóm đổ vỡ đe dọa đến triển vọng kinh tế nước này. Theo đó, bất động sản thương mại, bao gồm văn phòng, khu chung cư, nhà kho và trung tâm thương mại trong tháng 3 đã giảm 15% so với mức đỉnh gần đây.

The ông Matt Anderson, Giám đốc điều hành tại Trepp, vấn đề đáng lo là nằm ở chỗ tình trạng chậm thanh toán với các khoản vay thế chấp bất động sản thương mại của người đi vay đang tăng lên.

Các vụ vỡ nợ nghiêm trọng cũng đang dần nhiều hơn. Điển hình trong đầu năm nay, chủ của 7 tòa nhà văn phòng ở San Francisco, New York, Boston và Jersey, đã vỡ nợ gần 2 tỷ USD.

Bất động sản là ngành chiếm dụng nhiều vốn của nền kinh tế, thế nên khi thị trường này lao dốc từ giữa năm 2022 đã khiến các ngân hàng phải đối mặt với tình trạng mất thanh khoản do người đi vay vỡ nợ.

Theo Trepp, năm 2023 sẽ có một khoản vay lên tới 270 tỷ USD đối với bất động sản thương mại do các ngân hàng nắm giữ đáo hạn. Trong đó có khoảng 80 tỷ USD đến từ bất động sản văn phòng. Và do đó năm 2023 sẽ là năm cực kỳ căng thẳng về thanh khoản đối với hệ thống tín dụng nước Mỹ, và để đảm bảo rủi ro, các ngân hàng sẽ càng siết chặt việc cho vay.

Sự chuẩn bị của Việt Nam


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Trước nguy cơ với nền kinh tế Mỹ ngày càng tới gần, vì vậy người đứng đầu Chính phủ cũng đã có nhận định về vấn đề này.

Sáng 12/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Tại đây Thủ tướng cho biết do nhiều thị trường quan trọng của Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt khiến tổng cầu thu hẹp. Các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng. Trung Quốc mở cửa cũng tăng sức cạnh tranh hàng hóa với Việt Nam. Động lực về xuất khẩu nói chung khó khăn, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ phân tích, có 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó nếu xuất khẩu phụ thuộc nhiều bởi thị trường bên ngoài thì thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư công là 2/3 động lực mà chúng ta chủ động được.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu cùng với tiếp tục tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để khắc phục, chúng ta phải kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy đầu tư công.

Để thúc đẩy đầu tư công, các bộ, ngành phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sớm phê duyệt các dự án, giải phóng mặt bằng phải tích cực, tổ chức thi công khẩn trương, cấp phép mỏ, cung cấp đủ nguyên vật liệu xây dựng cho các nhà thầu.

Thủ tướng nhấn mạnh thông qua đầu tư công sẽ đưa được nguồn vốn vào nền kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, kích hoạt các hoạt động kinh tế, thúc đẩy phát triển. Trong đầu tư công, đầu tư phát triển giao thông chiếm tỉ trọng lớn, cùng với các ý nghĩa kể trên còn là tạo thêm không gian phát triển mới.

Có thể nói rằng kích cầu và đầu tư công chính là sự chuẩn bị tốt nhất có thể của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trước mắt nó giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân và doanh nghiệp. Còn trong dài hạn nó đảm bảo các doanh nghiệp không lâm vào tình cảnh phá sản và dừng hoạt động, qua đó giữ được năng lực sản xuất tổng thể trong nước.

Mặc dù thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ đang rơi vào suy thoái, thế nhưng nhìn về lịch sử quốc gia này luôn vươn lên mạnh mẽ sau những lần khủng hoảng. Thế nên đảm bảo năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chính là bước chuẩn bị quan trọng nhất để Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng khi nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi.

Huy Hoàng

Đọc nhiều