419
category
529823

Hai mặt của việc chọn vaccine và chữa ‘COVID’ kiểu Mỹ

03/07/2021 22:13

Nếu chúng ta muốn quay về quỹ đạo cuộc sống thường nhật, hãy chịu khó thực hiện 5K và chích vaccine ngay khi có thể vì nó miễn phí mà chúng ta cũng góp phần giúp đỡ bảo vệ cộng đồng và người yếu thế.

Người dân TPHCM tiêm vaccine Covid-19

Chúng ta đang trải qua năm Covid thứ 2 mà chưa thấy hồi kết. Vacxin được thế giới xem như giải pháp hữu hiệu hơn bao giờ hết vì niềm tin có thể giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch này.

Chưa khi nào mà cuộc chạy đua nghiên cứu sản xuất vaccine lại diễn ra gấp rút như hiện tại. Một phần vì khoa học ngày càng tiến bộ nhưng phần lớn là vì đã thấy rõ sức tàn phá mà đại dịch này đã và sẽ tiếp tục mang tới.

Là du học sinh ở Mỹ, tôi thường xuyên theo dõi tình hình dịch trong nước. Khi những lô vaccine đầu tiên về tới Việt Nam, tôi đã mừng rỡ vì nghĩ rằng chúng ta đang một bước gần hơn đánh bại đại dịch. Nhưng sự e dè của một bộ phận người dân đối với vaccine AstraZeneca khiến tôi vô cùng khó hiểu. Càng bất ngờ hơn khi tôi đọc được những lập luận như: “Vaccine Pfizer tốt hơn Astra nên tôi sẽ đợi Pfizer”. Điều này vô tình khiến cho cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam càng trở nên khó khăn hơn.

Hồi tháng 4-2021, khi tiểu bang Arizona nơi tôi ở bắt đầu tiến hành chích đại trà, tôi quyết định đăng ký làm tình nguyện viên phục vụ việc tiêm phòng cho người dân tại địa phương.

Người dân ở Mỹ tiêm vaccine

Làm việc có khi đến 11 giờ đêm, tôi tận mắt chứng kiến một số người chích Pfizer có phản ứng sốc phản vệ rất nặng, có người thở như hấp hối, có người mắt trợn trắng… ngay sau tiêm nhưng rồi mọi thứ cũng qua. Khi hồi tỉnh, họ vẫn quay qua nói với chúng tôi rằng: “Cảm ơn các bạn đã giúp chúng tôi làm tròn trách nhiệm chống lại đại dịch”.

Người quen của tôi ở Tucson cũng được chích Pfizer và cả hai mũi đều bị vật tới mức điêu đứng, không ăn uống gì được. Và, ca tử vong vì Pfizer không phải là không có. Điều này cho thấy không một loại vaccine nào (bất kể Pfizer, Astra hay loại nào khác) có thể đảm bảo rằng không có trường hợp phản ứng mà nặng hơn là bị sốc phản vệ sau tiêm.

Mục đích cuối cùng của vaccine mà bất kì nhà khoa học nào cũng mong muốn là nhằm đạt được số mũi tiêm nhiều nhất có thể và đạt được miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt để bảo vệ những người không thể tiêm vaccine vì miễn dịch tự nhiên không được tốt.

Quay lại tình hình dịch bệnh tại quê nhà, Bộ Y tế đã có hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà, có điều kiện. Một số ý kiến trên mạng xã hội cũng “đòi” cho F0 không có triệu chứng tự chữa bệnh ở nhà.

Các ý kiến này lấy việc chữa COVID ở Mỹ để cho rằng lẽ ra nên làm theo Mỹ từ lâu, rằng cứ cho ở nhà, cấp toa, “tự uống thuốc khắc hết, chả việc gì đưa đi cách ly, đưa vào viện cho lây nhiễm”.

Thật ra, phải tùy tình hình và có lẽ phải đắn đo khá nhiều thì Bộ Y tế mới đưa tới phương án này.

Đối với tôi, đây là một quyết định khá mạo hiểm vì, ở Mỹ, phương pháp này được áp dụng chẳng qua do các bệnh viện đã quá tải giường bệnh.

John Oliver trong chương trình hài nổi tiếng Last Week Tonight trên HBO hồi tháng 5-2021 từng nói rằng: “Tất nhiên, sức khỏe của bạn có thể sẽ không ảnh hưởng quá nhiều khi mắc COVID-19, nhưng bạn lại truyền bệnh cho những người xung quanh và vô tình khiến họ có nguy cơ tử vong cao hơn”.

Khi dịch mới bắt đầu bùng phát tại Mỹ và các nước châu Âu, đi vào bệnh viện để chữa COVID-19 dường như chỉ là sự lựa chọn/được lựa chọn cuối cùng nếu sức khỏe không chịu được nữa, nói nôm na là “ngáp ngáp mới được đưa vào viện”.

Khi bạn nhiễm COVID-19 và được chỉ định cách ly ở nhà, nghĩa là bạn đang bước vào cuộc chiến sinh tử của bản thân. Không ai giúp bạn cả mà chính bạn là người phải tự vận động.

Lúc còn ở tiểu bang Michigan hồi tháng 5-2020, tôi đã chứng kiến những câu chuyện đau lòng. Nhiều người già đã chết trong chính viện dưỡng lão khi họ bị để mặc trong những căn phòng bốn bức tường. Nhân viên chỉ đem đồ ăn tới góc cửa và những người già kia phải lấy được đồ ăn bằng mọi giá.

Tôi có những người bạn trong đại học, họ dương tính với COVID-19 và phải sống cách ly trong các kí túc xá biệt lập, cảm giác vô cùng cô đơn. Họ nói với tôi rằng: “Cũng chỉ có thuốc giảm đau với thuốc hạ sốt. Đau vật vã vẫn phải tự gọi dịch vụ giao đồ ăn tới. Mọi thứ mình tự làm hết. Nhiều khi COVID hành quá, muốn vào viện để được chăm sóc, có y bác sĩ kề bên mà không biết cách nào”. Vì vậy, không cứ thấy nước ngoài làm là đòi ngành y phải làm theo. Giải pháp nào cũng có mặt trái cả.

Việt Nam chúng ta đang trải qua đợt dịch lần thứ tư phức tạp và nguy hiểm hơn những đợt dịch trước. Xin hãy dừng đưa ra những suy nghĩ chủ quan, cảm tính cứ để bật lại các nỗ lực của ngành y khi chỉ nhìn qua 1 lăng kính. Xin đừng chỉ nghĩ tới bản thân (sợ chết vô cớ) mà lại ưu tiên cái tôi bản thân hơn cộng đồng.

Bạn không tiêm vaccine cũng có nghĩa là bạn đang đặt ván bài nguy hiểm không chỉ cho bạn mà còn nhiều người khác nữa.

Nếu chúng ta muốn quay về quỹ đạo cuộc sống thường nhật, hãy chịu khó thực hiện 5K và chích vaccine ngay khi có thể vì nó miễn phí mà chúng ta đang góp phần giúp đỡ bảo vệ cộng đồng và người yếu thế.

Hãy như bác sĩ Trương Hữu Khanh từng nói: “CÓ LÀ CHÍCH”.

ĐẶNG HOÀNG NGUYÊN, SV trường Đại học Arizona, Mỹ.

Tags :
Đọc nhiều