148628
topics
600132

Hai kịch bản phòng chống COVID-19 của Việt Nam trong thời gian tới

13/04/2022 21:44

Việt Nam cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Bộ Y tế xây dựng song song hai kịch bản: Một là để COVID-19 trở thành bệnh lưu hành, hai là sẵn sàng các biện pháp dự phòng, không bị động để khi xuất hiện tình huống mới.

Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng Ba do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng Ba đến nay.

Tình hình dịch của Việt Nam tương đồng với một số nước trong khu vực như Malaysia và Singapore chạm đỉnh dịch vào khoảng 8 đến 9 tuần sau khi ghi nhận biến thể Omicron xâm nhập và thời gian qua số ca mắc ghi nhận theo ngày của các nước này đã có xu hướng giảm dần.

COVID-19 trở thành bệnh lưu hành trong thời gian tới. Ảnh minh họa.

Kịch bản bệnh lưu hành bình thường

Giáo sư Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay việc phòng chống dịch không phải của một địa phương, một quốc gia mà trên phạm vi toàn thế giới.

Theo giáo sư Lân, với các nghiên cứu, cơ sở khoa học từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngành y tế đã đưa ra hai kịch bản về diễn tiến dịch COVID-19 có thể xảy ra.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết kịch bản thứ nhất là biến chủng Omicron đang lưu hành dần dần sẽ giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và miễn dịch từ những trường hợp đã mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm.

“Như vậy với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa bệnh COVID-19 sang bệnh lưu hành. Các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường mới. Mỗi cá nhân trong xã hội đều biết được các nguy cơ của mình và nếu thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Chúng ta chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao là những người cao tuổi, người có bệnh nền,” giáo sư Lân phân tích.

Kịch bản dự phòng trong tình hình mới

Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, hiện nay sự hiểu biết về virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện. Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra. Các chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc là chủng khác mới hơn. Có thể có biến thể SARS-CoV-2 mới tiếp tục xuất hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực bảo vệ của vaccine, có thể thay đổi làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng.

“Với kịch bản thứ hai, chúng ta sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng làm trước kia. Đến thời điểm này, trong công tác phòng chống COVID-19, chúng ta đã có nhiều vũ khí như vaccine, thuốc điều trị, kinh nghiệm điều trị và các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên phải thường xuyên cập nhật hơn nữa về thuốc điều trị mới và đặc biệt là công nghệ vaccine,” ông Lân nói.

Theo giáo sư Lân, hiện nay trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, vaccine vẫn là vũ khí chiến lược. Dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn có nhiều thách thức, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có thể giảm động lực hoặc kháng lại vaccine. Đặc biệt, mọi người luôn phải nghĩ tới tình huống nhiều người đã mắc COVID-19 hoặc tiêm chủng với kháng thể giảm dần theo thời gian, vì vậy vẫn cần phủ rộng vaccine cho những đối tượng nguy cơ cao trong tình hình mới.

Giáo sư Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng.

WHO: COVID-19 có thể sớm trở thành bệnh lưu hành

Tới nay Việt Nam đã ghi nhận hơn 10 triệu ca mắc COVID-19. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% trong tháng này.

Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; so với các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 (xếp thứ 4/10 trong ASEAN).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.878 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Theo Bộ Y tế, hiện nay một số nước Đông Nam Á đã đưa các tiêu chí để coi COVID-19 là bệnh lưu hành. Indonesia quy định để coi COVID-19 là bệnh lưu hành, tỷ lệ sử dụng giường bệnh phải dưới 5% và tỷ lệ dương tính phải dưới 1% dân số; Thái Lan từ ngày 1/7/2022 sẽ coi COVID-19 là bệnh lưu hành với điều kiện tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% (hiện nay tỷ lệ này là gần 0,2%), theo đó sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm, bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, ngoại trừ với những người đang nhiễm bệnh.

Trong bối cảnh số ca nhiễm nặng và tử vong giảm, tỷ lệ bao phủ vaccine tăng, số ca mắc mới được ghi nhận giảm liên tục trên toàn cầu. WHO nhận định dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành.

Ngày 31/3/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022.

WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Hồng Anh 

Đọc nhiều