Hai điểm nóng châu Á thử thách ông Trump

22/06/2020 22:17

Trong khi Trump lo đối phó khủng hoảng Covid-19 và biểu tình trong nước, động thái của Triều Tiên và mâu thuẫn Ấn – Trung tăng gánh nặng lên Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đối mặt với những thách thức trong nước chưa từng có. Nước Mỹ hứng chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế và nhân mạng từ Covid-19, trong khi các cuộc biểu tình đòi bình đẳng sắc tộc và chống bạo lực cảnh sát trên khắp các bang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong lúc Trump nỗ lực đối phó với các đối thủ chính trị trong nước, hai điểm nóng ở châu Á bất ngờ xuất hiện. Đầu tiên là việc Triều Tiên giật sập văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc, vốn được coi là biểu tượng cho nỗ lực hòa bình, hòa giải giữa hai miền. Ngay sau đó, cuộc ẩu đả gây chết người đầu tiên trong nhiều thập kỷ nổ ra ở biên giới Ấn Độ và Trung Quốc, hai cường quốc hạt nhân ở Nam Á.

Hai tình huống xung đột ở châu Á đặt ra thách thức to lớn với an ninh quốc gia Mỹ, tại thời điểm Trump dường như chủ yếu tập trung vào việc công kích cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, cũng như đưa ra những phát ngôn mà ông cho rằng có lợi cho chiến dịch tái tranh cử, Samantha Vinograd, cựu ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Obama và thành viên Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Bush, nhận xét.

Theo Vinograd, cách tiếp cận của ông chủ Nhà Trắng có thể khiến chiến lược giải quyết các vấn đề an ninh châu Á của Washington trong tương lai tiếp tục thiếu nhất quán và sáng suốt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc vận động tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma, hôm 20/6. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc vận động tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma, hôm 20/6.  

Những năm qua, mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đóng vai trò chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Trump. Ông nhiều lần ca ngợi quan hệ cá nhân với Kim, nhấn mạnh những nhượng bộ nhỏ mà Bình Nhưỡng thực hiện, để chứng minh ông mang lại tiến bộ cho quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, người mà Trump từng tuyên bố “yêu quý” giờ đây lại gây rắc rối cho ông.

Bất chấp hai hội nghị thượng đỉnh với Trump và những bức thư nồng ấm, Kim vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát triển chương trình hạt nhân và các năng lực quân sự khác. Vinograd cho rằng trên thực tế, Kim cũng là một lãnh đạo dễ bị “chọc giận” giống Trump.

Căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Seoul gần đây bị đẩy lên cao trào, sau khi những người đào tẩu rải truyền đơn chống Triều Tiên qua biên giới. Đây không phải lần đầu tiên việc này xảy ra, nhưng chính quyền của Kim đã đáp trả một cách quyết liệt khác thường khi giật sập văn phòng liên lạc chung giữa hai nước, đồng thời đe dọa điều thêm lính đến khu vực phi quân sự và nhiều hành động khác.

Bình Nhưỡng không chỉ trút giận lên Seoul, mà còn cả Washington. Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ thất vọng với Triều Tiên vì làm gia tăng căng thẳng với Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo “Mỹ tốt hơn hết nên im lặng, không chỉ vì lợi ích đất nước, mà còn vì thành công của cuộc bầu cử tổng thống đang cận kề”.

Nhà phân tích Vinograd nhận định Trump chưa chắc đã đứng về phía Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, trong trường hợp Kim tiếp tục những hành vi gây hấn trên bán đảo, nói thêm rằng mục tiêu phi hạt nhân hóa rõ ràng vẫn là một giấc mộng xa vời. Triều Tiên đang không theo đuổi quá trình này và có lẽ quay lưng với việc phi quân sự hóa. Theo Vinograd, rủi ro từ cuộc đối đầu giữa Bình Nhưỡng và Seoul trên thực tế là đòn tấn công trực tiếp của Triều Tiên vào nước Mỹ.

Bình Nhưỡng được cho là nhận thức rõ Trump đang nỗ lực bám víu vào hồ sơ Triều Tiên trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Do đó, họ có thể cố gắng gây áp lực lên Tổng thống Mỹ, buộc ông phải nhượng bộ nhằm duy trì một số “thành công” trong quan hệ với Triều Tiên.

Vinograd đánh giá Bình Nhưỡng biết Trump coi trọng chiến lược chính trị của ông hơn là những ưu tiên trong chính sách của Mỹ, nên đang cố khiêu khích để Trump nới lỏng lệnh trừng phạt với Triều Tiên, điều mà họ hằng mong muốn, để đổi lấy thành tựu quảng bá cho chiến dịch tái tranh cử.

Trong khi chính quyền Trump vẫn loay hoay tìm cách phản ứng với sự hỗn loạn Triều Tiên gây ra, một cuộc xung đột trực tiếp khác xảy ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hôm 15/6 trong vụ ẩu đả với nhóm lính Trung Quốc ở thung lũng Galwan, thuộc vùng Ladakh trên dãy Himalaya tại khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước.

Đoàn xe của quân đội Ấn Độ di chuyển dọc đường cao tốc dẫn tới khu vực Ladakh gần biên giới với Trung Quốc hôm 18/6. Ảnh: Reuters.
Đoàn xe của quân đội Ấn Độ di chuyển dọc đường cao tốc dẫn tới khu vực Ladakh gần biên giới với Trung Quốc hôm 18/6.

 

Đây là cuộc đụng độ bạo lực tồi tệ nhất trong vòng 45 năm qua tại biên giới Ấn – Trung, khu vực có tầm quan trọng chiến lược với cả hai nước. Mặc dù hai bên đều có những động thái hạ nhiệt căng thẳng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn thể hiện nỗ lực cứng rắn trước tham vọng của Trung Quốc, khi nói rõ rằng New Delhi sẽ không để Bắc Kinh bắt nạt.

Thêm vào đó, Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình đều là những lãnh đạo nhiều tham vọng, mong muốn nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế. Nếu có những động thái đi ngược lại chủ nghĩa dân tộc mà họ đang theo đuổi, hai lãnh đạo đều có thể chịu hậu quả trong vấn đề đối nội. Người dân và nhiều quan chức Ấn Độ đang kêu gọi tẩy chay và trả đũa Trung Quốc.

Trong bối cảnh xung đột bằng vũ lực hoàn toàn có khả năng xảy ra và Ấn – Trung có lẽ đều đang tìm lối thoát, nhà phân tích Vinograd cho rằng cần có bên trung gian hòa giải. Tuy nhiên, Trump dường như không phải người thích hợp để gỡ nút thắt. Ông có mối quan hệ nồng ấm với Modi, nhưng quan hệ với ông Tập đang lạnh nhạt dần, sau khi Washington đổ lỗi cho Bắc Kinh vì sự bùng phát Covid-19.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa gặp nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hawaii. Tuy nhiên, đội ngũ của Pompeo cho biết phía Bắc Kinh không sẵn lòng hợp tác trong buổi thảo luận, nói thêm rằng động thái của Trung Quốc tại biên giới với Ấn Độ có lẽ chỉ là “cú đấm vào mũi đối thủ để chứng tỏ ưu thế”.

Vinograd nhận định “điểm nóng kép” ở châu Á càng chứng minh thất bại trong chính sách đối ngoại của Trump khi nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc. Những nguy cơ từ Triều Tiên ngày càng tăng, trong khi Mỹ trở thành mắt xích yếu nhất trong việc giải quyết xung đột toàn cầu.

“Sau màn thể hiện của Trump, không có gì lạ khi Kim Jong-un hay ông Tập nghĩ rằng họ có thể thoải mái hành động mà không phải bận tâm suy nghĩ về hậu quả”, nhà phân tích này nói thêm.

(Theo CNN)

Đọc nhiều