‘Hai điểm nghẽn’ chờ quyết sách của tân thành viên Chính phủ

03/04/2021 17:13

Tháo gỡ hai điểm nghẽn về đầu tư và sớm áp dụng “hộ chiếu vaccine” là đề xuất của ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, với các tân thành viên Chính phủ.

PV phỏng vấn ông Nguyễn Đức Kiên, đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhân dịp Chính phủ vừa tổng kết nhiệm kỳ và đang kiện toàn nhiều vị trí.

– Theo ông, đâu là di sản nổi bật của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021?

– Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, kế thừa những thành quả của nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã đạt được những thành công mà quốc tế ghi nhận. Dẫn chứng tiêu biểu là thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD.

Bội chi ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn.

Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 5,99%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới. Trong 5 năm qua Việt Nam đã tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP), và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.

Tuy nhiên những di sản mà Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua để lại không chỉ thông qua các con số nêu trên, hay các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã được Quốc hội thông qua. Điều quan trọng nhất mà Chính phủ đã làm được là tổ chức thực hiện tốt nghị quyết Đại hội Đảng, nghị quyết của Quốc hội, để trả lời câu hỏi “tăng trưởng kinh tế với các con số như vậy thì người dân được hưởng điều gì?”

Trong 5 năm vừa qua tốc độ tăng trưởng GDP đạt 140% nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người tăng 145%. Như vậy là tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân đã cao hơn tốc độ tăng trưởng của GDP nội địa. Vì thế, tôi tin rằng nhiều người dân đều cảm nhận được sự thay đổi của đất nước, khi cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, lạm phát được Chính phủ kiểm soát trong dự tính, giữ ở mức dưới 4%, nên tăng lương đã phần nào bù đắp được lạm phát. Như vậy là tăng trưởng thực, đời sống người dân có tích lũy. Theo tôi, đó là điều thành công nhất của Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua.

Cầu vượt Trạm 2, nút giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Cầu vượt Trạm 2, nút giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Đông TP HCM.

Thành công thứ hai là những kết quả về tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt trong năm 2020. Trong bối cảnh thế giới “đóng cửa” chống Covid-19, giao thương rất khó khăn, Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu hai con số, đảm bảo việc làm cho phần đông người lao động, không để xảy ra những điểm nóng xã hội do dịch bệnh gây ra. Nếu Việt Nam không làm được điều này thì chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2020.

– Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, theo ông, đâu là các “điểm nghẽn” đang chờ các tân thành viên Chính phủ tập trung giải quyết?

– Một trong những điểm nghẽn mà các thành viên Chính phủ mới cần đặt lên bàn nghị sự và có giải pháp trong giai đoạn 2021-2025, là đổi mới để làm sao thu hút được nhiều hơn nữa vốn đầu tư của người Việt Nam vào sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư bị chững lại ở những năm đầu nhiệm kỳ. Nhưng sau đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ra đời, tạo điều kiện để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tôi hi vọng Chính phủ mới sẽ có giải pháp tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý trong huy động nguồn lực của người Việt Nam. Để PPP có hiệu quả, cần thay đổi cách nhìn về phương thức đầu tư này. PPP là sự chia sẻ giữa nhà nước và nhà đầu tư, nên không thể áp dụng cách nhìn như với các dự án đầu tư công.

Điểm nghẽn thứ hai là Chính phủ phải tiếp tục nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công trong các công trình trọng điểm quốc gia; thực hiện tốt ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng.

Luật Đầu tư công ra đời năm 2019 góp phần giúp Chính phủ quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu ngân sách đầu tư, đảm bảo phòng chống tham nhũng, minh bạch trong điều hành nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, mà theo tôi, nguyên nhân là cán bộ, công chức trong một số bộ, ngành, địa phương không thay đổi tư duy kịp thời, vẫn làm theo phương thức cũ, nên không hiệu quả. Vì vậy mới có tình trạng địa phương, bộ ngành này giải ngân hết vốn, nhưng nơi khác lại không giải ngân được, xin trả lại.

– Trong hai “điểm nghẽn” vừa nêu, đâu là vấn đề ông cho rằng cần ưu tiên tháo gỡ ngay?

– Đây là hai mặt của một vấn đề. Vì vậy không nên đặt vấn đề cái nào trước cái nào sau mà phải tiến hành đồng thời thì mới phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư vào cho phát triển kinh tế xã hội.

Nếu ưu tiên đầu tư công như trong 5 năm vừa qua thì chúng ta thấy mãi đến cuối kế hoạch chúng ta mới triển khai được các dự án. Điều này đã làm hạn chế việc tăng trưởng nhanh của nền kinh tế. Nhưng nếu ưu tiên xử lý vấn đề huy động vốn từ xã hội thì sẽ làm giảm bớt tính định hướng và đảm bảo an sinh xã hội của nhà nước trong phát triển kinh tế. Vì vậy cần phải phát triển đồng thời cả hai vấn đề này.

Nhìn lại năm 2020, Chính phủ xác định một trong những đột phá để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế là đầu tư công. Chính phủ đã phát hiện ra được điểm nghẽn nêu trên, đưa ra nhiều giái pháp đốc thúc giải ngân. Thủ tướng, các Phó thủ tướng thường xuyên đi kiểm tra việc này. Vì vậy, tổng số vốn đầu tư công năm 2020 gần gấp đôi năm 2019. Chúng ta đã bố trí hơn 700.000 tỷ đồng cho kế hoạch năm 2020 và giải ngân được gần 600.000 tỷ đồng.

Tôi hi vọng, Chính phủ mới sẽ tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về con người, duy trì đà giải ngân vốn đầu tư công cao. Tuy nhiên, thách thức đặt ra ở giai đoạn tới là Chính phủ có các thành viên mới, bộ máy nhân sự của các địa phương cũng có sự thay đổi. Với các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, không phải là vấn đề giải phóng mặt bằng nữa mà là triển khai thi công làm sao đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả. Hoặc các dự án cao tốc Bắc Nam đã chuyển sang đầu tư công, thì làm sao đảm bảo tiến độ để năm 2022 có thể khai thác.

– Có ý kiến cho rằng hạ tầng lạc hậu cũng là một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất với sự phát triển của Việt Nam. Ông nghĩ sao về nhận định này?

– Đại hội XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Vì vậy, những thách thức về xây dựng kết cấu hạ tầng quốc gia không chỉ là đường giao thông, sân bay mà còn bao gồm hạ tầng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân về y tế, điện, nước, xử lý rác thải.

Như chúng ta đã thấy thực tế, tính kết nối và liên thông của các hệ thống cơ sở hạ tầng của chúng ta là rất yếu. Ví dụ như sân bay Tân Sơn Nhất với công suất hiện nay đón tiễn hơn 50 triệu lượt hành khách mỗi năm, song chỉ trông chờ vào vận tải đường bộ mà không có các phương tiện vận tải công cộng bánh sắt nên việc ùn tắc ở cửa ngõ sân bay là điều tất yếu.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: VT
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Chúng ta cũng đang xây dựng sân bay Long Thành, nhưng đến nay kết nối đường sắt giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành chưa được triển khai đồng bộ, nên chắc chắn sau 5 năm nữa khi sân bay đi vào hoạt động ở giai đoạn thứ nhất, việc ùn tắc trên tuyến đường nối Long Thành và TP HCM qua hầm Thủ Thiêm là điều hiển nhiên. Hoặc như thủ đô Hà Nội vay vốn ODA để xây dựng một nhà máy xử lý nước thải được cho là công suất lớn nhất Đông Nam Á, nhưng lại “quên” không triển khai đồng bộ việc xây dựng và thu gom nước thải ngay từ cấp phường, xã. Vì vậy hiệu quả của nhà máy đối với việc cải thiện môi trường của Hà Nội chưa được thể hiện rõ ràng. Sông Tô Lịch, sông Nhuệ vẫn đang dần “chết”.

Lâu nay trong quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam mới tập trung đánh giá tốc độ tăng trưởng mà chưa đánh giá tác động của tăng trưởng với môi trường. Vậy nên, việc phát triển cơ sở hạ tầng thời gian tới cần phải giải quyết hài hòa bài toán này, để hướng tới là quốc gia phát triển bền vững.

– Trước thách thức như vậy, đâu là đề xuất của ông với các tân thành viên Chính phủ?

– Có thể nói nhiệm vụ của Chính phủ 5 năm tới rất nặng nề. Đặc biệt là yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt. Như vậy, cùng với việc bắt tay vào tháo gỡ các điểm nghẽn như nêu trên, tôi cho cho rằng, Việt Nam cần mạnh dạn hơn nữa để xác định rõ tâm thế trong bối cảnh dịch bệnh.

Chúng ta có 100 triệu dân, nhưng số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 đều thấp. Vì vậy, tâm thế của chúng ta không phải là đất nước có dịch bệnh hoành hành mà là chủ động phòng, chống dịch bệnh. Khi đã xác định được tâm thế rõ ràng như vậy, các cơ quan chức năng mới có đối sách phù hợp và không bỏ lỡ các cơ hội vượt lên.

Vấn đề hiện nay đặt ra là Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng cơ chế áp dụng hộ chiếu vaccine. Đây chính là chìa khóa để mở cửa giao thương, đi lại với quốc tế. Những người đã tiêm đủ liều vaccine (vaccine được WHO cấp phép), có giấy chứng nhận, nếu xét nghiệm PRC âm tính, thì khi nhập cảnh không cần phải cách ly 14 ngày như hiện nay.

Trước mắt, Việt Nam vẫn tiếp tục nhập vaccine để sớm tạo hàng rào miễn dịch cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Nhưng về lâu dài, Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện, cơ chế để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước để tiến tới tiêm chủng toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng. Sớm có đủ vaccine để tiêm chủng, tạo miễn dịch cộng đồng là cách nhanh nhất để Việt Nam bước vào cuộc đua khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là ngành du lịch, hàng không, dịch vụ.

Chúng ta cũng cận tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chẳng hạn, hiện nay Bộ Công an đang triển khai cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, như vậy người dân khi ra đường có cần mang bằng lái xe hay không, cảnh sát giao thông có phải viết giấy phạt vi phạm như trước hay không? Để loại bỏ những thủ tục hành chính ấy, thì khi nhận được thông báo của cơ quan chức năng, các ngân hàng có tự động trừ tiền nộp phạt vi phạm hay không? Muốn áp dụng được những nền tảng công nghệ ấy vào cuộc sống, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất sửa Luật Xử phạt vi phạm hành chính, Luật Các tổ chức tín dụng cho phù hợp.

Trước những thách thức đặt ra, Nhà nước phải luôn chấp nhận khó khăn về mình, để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Viết Tuân

Đọc nhiều