Hải chiến Trường Sa 1988: Liên Xô đã bỏ mặc Việt Nam như thế nào?

13/03/2021 14:45

Khi Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa năm 1988, chính quyền Gorbachev đã dội vào Việt Nam một gáo nước lạnh. Họ đã đánh mất đi tất cả những gì mà các thế hệ lãnh đạo Liên Xô tiền nhiệm đã từng tạo dựng được ở Việt Nam.

Hải chiến Trường Sa 1988: Gorbachev đã bỏ mặc Việt Nam như thế nào?

Trung Quốc bất ngờ trước quyết tâm của Việt Nam

Sau này, một báo cáo giải mật năm 2015 của CIA đã nhận xét rằng, Việt Nam đã không hề sợ trước sức mạnh của hải quân Trung Quốc. Việc huy động cả không quân và tên lửa bờ đối hạm đã phát tín hiệu rằng Hà Nội sẽ bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa bằng bất kỳ giá nào.

Tài liệu CIA soạn thảo ngày 8/8/1988 cho biết, cuộc xung đột tại Trường Sa vào tháng 3/1988 giữa Việt Nam với Trung Quốc và bất đồng dai dẳng trên toàn bộ các lĩnh vực giữa hai bên có thể dẫn tới các đụng độ quân sự khác trong tương lai.

“Việc Trung Quốc chiếm các đảo đá gần nơi Việt Nam đóng quân cho thấy khả năng lâu dài là Bắc Kinh sẽ chọn giải pháp quân sự. Khi cả hai bên đều có hiện diện quân đội ở trên các đảo, khả năng xảy ra đụng độ vũ trang là khá cao” – báo cáo của CIA viết.

CIA nhận định, Bắc Kinh quyết định tấn công đánh chiếm Trường Sa vào mùa xuân năm 1988 vì nhận thấy rằng sự chú ý của quốc tế đang hướng về tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Campuchia, đồng thời Trung Quốc muốn tìm cách khẳng định chủ quyền, trước khi ASEAN xích lại Việt Nam.

Cục tình báo trung ương Mỹ nhận định, Bắc Kinh đã tìm cách chuẩn bị dư luận bằng cách định hướng cho truyền thông đẩy mạnh chỉ trích Hà Nội gây căng thẳng bằng việc chiếm các đảo tại Trường Sa và đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc luôn tìm cách củng cố quan điểm này.

Trước hết, Bắc Kinh tìm cách cô lập Việt Nam và phòng ngừa phản ứng từ các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tìm cách thuyết phục Philippines, Malaysia và Đài Loan rằng Trung Quốc chỉ nhắm vào một mình Việt Nam, chứ không phải bất kỳ quốc gia nào khác.

Báo cáo của CIA nói, các hoạt động hải quân của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như việc xây dựng căn cứ tại các đảo ở Trường Sa nằm trong chiến lược lâu dài là khẳng định chủ quyền và buộc các nước khác từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình.

Hành động mạnh bạo “chưa từng thấy” của Trung Quốc tại Trường Sa cho thấy sự chuyển mình của hải quân nước này, với tiềm lực hải quân đã vượt ra khỏi phạm vi ven Đại Lục. Chiến dịch kéo dài 6 tháng năm 1988 ở Trường Sa được cho là hoạt động quân sự với quy mô lớn nhất của hải quân nước này.

Báo cáo của CIA cũng nhận xét rằng, trận đánh năm 1988 đã không làm cho Hà Nội sợ hãi và đối phó với thách thức của Bắc Kinh trên hai mặt trận ngoại giao và quân sự, bằng cách tố cáo với cộng đồng quốc tế về hành động xâm lược của Trung Quốc, đồng thời không ngừng củng cố các tiền đồn ở Trường Sa.

Hà Nội một mặt mô tả Bắc Kinh là kẻ xâm lược hiếu chiến và thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền, nhưng mặt khác cũng kêu gọi Trung Quốc quay lại bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đồng thời thúc đẩy thảo luận với các nước khác trong khu vực như Malaysia và Philippines.

Việt Nam tích cực chuẩn bị cho khả năng chiến sự tiếp tục nổ ra với việc nâng cấp khả năng phòng thủ, đặt chỉ huy sở ở Vịnh Cam Ranh, điều chiến đấu cơ tới Phan Rang và tăng cường tuần tra biển…Việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu phát tín hiệu rằng Hà Nội sẽ bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa bằng bất kỳ giá nào.

Báo cáo CIA cho rằng, hai bên rất khó có thể đạt được thỏa thuận, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ biển và có thể sẽ tìm cách dựng thêm một số công trình phòng thủ ngoài biển để chặn bước tiến của hải quân Trung Quốc, đồng thời gia tăng áp lực ngoại giao.

Báo cáo của CIA cho rằng sau sự kiện 14/3/1988, Bắc Kinh có lẽ đã không lường trước được phản ứng dữ dội của Hà Nội. Trung Quốc tính toán rằng, Việt Nam có lực lượng lục quân rất mạnh nhưng hải quân mỏng yếu, xung đột tháng 3/1988 sẽ khiến Việt Nam phải chùn bước.

Báo cáo nói trên của CIA cũng nhận xét rằng, sở dĩ Bắc Kinh dám làm mạnh tay như vậy là do họ đã biết chắc rằng Moskva sẽ đóng vai trò trung lập trong vấn đề Trường Sa, mặc dù Việt Nam và Liên Xô đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện vào ngày 3/11/1978.

Bắc Kinh cho rằng, không có Liên Xô thì Việt Nam sẽ nhanh chóng buông xuôi ở Trường Sa. Do đó, phản ứng của Việt Nam ngay sau sự kiện Gạc Ma – trong bối cảnh lực lượng hải quân Liên Xô án binh bất động – có thể đã làm Bắc Kinh ngạc nhiên và bối rối.

Liên Xô không lên án, không có hành động quân sự ủng hộ Việt Nam

Không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước khác, đặc biệt là ở Nga, cho đến gần đây người ta vẫn đặt câu hỏi tại sao Liên Xô lại im lặng trước việc Trung Quốc tấn công xâm chiếm các đảo của Việt Nam tháng 3/1988, dù Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện (có thời hiệu 25 năm), mới được “10 năm tuổi”.

Trong bối cảnh Việt Nam gồng mình chống lực lượng hải quân rất mạnh của Trung Quốc ở Trường Sa, nhưng Moskva không hề có hành động nào, kể cả về ngoại giao và quân sự, tỏ rõ quan điểm lên án Bắc Kinh xâm lược và ủng hộ Việt Nam trên tuyến đầu chống Trung Quốc.

Điều 6 của Bản Hiệp ước nêu rõ: “Trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công hoặc bị đe doạ tấn công, thì hai bên ký hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau, nhằm loại trừ mối đe doạ đó và áp dụng các biện pháp thích đáng có hiệu lực, để bảo đảm hoà bình và an ninh của hai nước”.

Thế nhưng khi đó, Liên Xô chỉ bày tỏ thái độ ủng hộ Việt Nam trong việc “kêu gọi tìm giải pháp cho xung đột”, và Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô Rogachev đã thẳng thừng bác yêu cầu của Việt Nam muốn Liên Xô cùng ra tuyên bố chung lên án hành động của Trung Quốc ở Trường Sa.

Ông Igor Rogachev là thứ trưởng Bộ ngoại giao Liên Xô thời kỳ 1986/1991. Trước đó, Rogachev từng công tác tại ĐSQ Liên Xô tại Trung Quốc (1956/1961, 1969/1972). Trước thời điểm xảy ra vụ Gạc Ma, ông được Gorbachev phân công làm trưởng đoàn đàm phán biên giới với Trung Quốc.

Đã không lên án thì tất yếu là suốt thời gian xảy ra chiến sự, Hải quân Liên Xô đã “án binh bất động”, không có một hành động nào, dù chỉ là “biểu dương lực lượng” để “trấn an đồng minh” hay “uy hiếp Trung Quốc”, trái ngược hoàn toàn với những động thái của Liên Xô trong cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979.

Tháng 2/1979, khi Việt Nam bị Trung Quốc tấn công biên giới, trên tinh thần Hiệp ước, Moskva đã khẩn trương cử đoàn cố vấn quân sự cấp cao sang Hà Nội và ngay lập tức lên tiếng răn đe Bắc Kinh sẽ bị tấn công nếu nước này không chịu rút quân.

Sau khi nhận được các thông tin đầu tiên về ý định tấn công Việt Nam của Trung Quốc, Hải quân Liên Xô đã điều động toàn bộ lực lượng Hạm đội Thái Bình Dương tới bảo vệ bờ biển Việt Nam, số lượng tàu lúc cao điểm lên tới 30 chiếc, vũ khí trang bị đầy đủ và sẵn sàng khai hỏa.

Thậm chí, các tàu ngầm diesel-điện của Hạm đội Thái Bình Dương-Nga đã lập một phòng tuyến ngăn chặn biên đội tàu sân bay Mỹ và gần 300 tàu của các hạm đội hải quân Trung Quốc. Một nhóm khác trấn thủ biển Hoa Đông để sẵn sàng tiếp ứng và uy hiếp từ hướng đó.

Song song với đó, Liên Xô cũng rút lực lượng ở các nước cộng hòa phía châu Âu về nước, triển khai một cuộc tập trận siêu lớn ở phía nam, huy động tới 600.000 quân và hàng ngàn máy bay, đồng thời chuẩn bị sẵn các kịch bản tấn công khu vực biên giới phía bắc Trung Quốc.

Vậy nhưng 9 năm sau, khi Việt Nam bị Trung Quốc tấn công cướp đảo, Liên Xô lại hầu như không có động tĩnh gì. Đâu là lý do đích thực? Một số chuyên gia quân sự và các nhà khoa học lịch sử uy tín đương đại của Nga đã tập trung tìm lời đáp cho câu hỏi này.

Ý kiến của các chuyên gia được đưa ra tại cuộc Hội thảo Bàn tròn trực tuyến mang tên “Vai trò của Liên Xô trong các cuộc xung đột tại Việt Nam cuối thập niên 70, 80 thế kỷ XX”, do báo Gazeta.ru tổ chức ngày 11/3/2014, nhân kỷ niệm 26 năm Trung Quốc tấn công xâm chiếm các đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Chuyên gia Nga: Liên Xô đã bỏ mặc Việt Nam năm 1988

Trong bản tham luận ngày 11/3/2014 (đã đăng trên tạp chí “Những trang lịch sử”), Giáo sư-Tiến sĩ Vladimir Kolotov, nhà Việt Nam học của Trường Đại học tổng hợp quốc gia Saint Petersburg đã dẫn ý kiến của ông V.I. Dashichev (khi đó là Chủ tịch Ủy ban cố vấn khoa học của Bộ ngoại giao Liên Xô).

Trong một bài phân tích viết ngày 1/1/1987 gửi Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao A.Gromyko, ông Dashichev đã nhận định, việc ủng hộ Việt Nam sẽ khiến Liên Xô “không chỉ khó khăn trong quan hệ với phương Tây, mà còn chồng chất trở ngại trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”.

TS.V.Kolotov nhận định, những kiến nghị này diễn ra chỉ 1 năm trước khi Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa cho thấy, các vấn đề của Việt Nam không còn là lĩnh vực ưu tiên trong đường lối đối ngoại của Liên Xô, trong thời kỳ lãnh đạo của M.Gorbachev (nắm quyền từ 1985).

Tiến sĩ Vladimir Mazyrin, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông (Viện hàn lâm khoa học Nga) – người đã từng làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội vào năm 1988 đánh giá, khi đó Liên Xô đã lâm vào tình thế khó xử: Vừa muốn giữ quan hệ với Việt Nam; vừa muốn cải thiện quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, nên đã tránh các vấn đề dễ sinh va chạm.

Chuyên gia Grigory Lokshin, PTS lịch sử đến từ Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN nói rõ thêm về quan điểm của lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ.

Khi phản bác đề nghị của Việt Nam ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô Rogachev (nhiệm kỳ 1986-1991, trước đó từng công tác tại ĐSQ Liên Xô tại Trung Quốc 2 nhiệm kỳ), được lãnh đạo Liên Xô Gorbachev phân công làm trưởng đoàn đàm phán biên giới với Trung Quốc.

Mà chính vào năm đó (năm 1988), Moskva và Bắc Kinh bắt đầu đàm phán về vấn đề biên giới và bình thường hóa quan hệ. Giới lãnh đạo Liên Xô không chấp nhận rằng, chỉ vì vài hòn đảo nào đó ở quần đảo Trường Sa lại có thể làm trở ngại đến cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

“…Liên Xô cũng có những lợi ích riêng, có tới 7.000 km đường biên giới với Trung Quốc. Vào thời điểm đó, giới lãnh đạo Moskva đã ưu tiên đến quyền lợi riêng và lợi ích an ninh quốc gia của mình” – Phó tiến sĩ lịch sử Grigory Lokshin bàn về quan điểm của giới chức lãnh đạo Liên Xô khi đó.

Tiến sĩ Dmitry Mosyakov, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương của Viện Đông phương học (Viện hàn lâm khoa học Nga) thẳng thắn phát biểu, nếu như trong cuộc chiến năm 1979, Liên Xô có vai trò lớn thì năm 1988, lại ngược lại.

Trước đây, Liên Xô vẫn áp dụng đường lối đối ngoại khá đơn giản, phân biệt khá rõ giữa “kẻ lạ”, “người tốt”, “kẻ xấu”. Nhưng tất cả đã bắt đầu thay đổi khi M.Gorbachev lên nắm quyền từ năm 1985 và bắt đầu công cuộc “đổi mới từ nóc”, tức là bắt đầu cải tổ chính trị, trước khi cải tổ kinh tế.

Sau đó, Liên Xô bắt đầu xem xét các yêu cầu của Trung Quốc để bình thường hóa quan hệ (như vấn đề Campuchia, Afghanistan). Khi đường lối đối ngoại bắt đầu chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác, thì sự phân biệt bạn-thù bắt đầu lẫn lộn, chính sách đối ngoại bắt đầu suy yếu.

Ông nói: “Rõ ràng là tàu Trung Quốc gây hấn, các bạn Việt Nam yêu cầu chúng ta giúp đỡ (tôi nhớ là đã có Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện). Tình hình Trường Sa rất là rất nghiêm trọng khi các tàu chiến Trung Quốc đã đánh chìm tàu vận tải Việt Nam.…”.

Ông nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã mong chờ vào sự ủng hộ của Liên Xô, nhưng giới lãnh đạo Moskva lúc đó rõ ràng là đã có những tính toán khác, họ có những suy nghĩ hoàn toàn khác để không ảnh hưởng đến việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

Moskva làm như không nhận thấy những gì đang xảy ra ở Trường Sa và coi đó là công việc nội bộ của Việt Nam và Trung Quốc. Họ đã đánh mất đi tất cả những gì mà các thế hệ lãnh đạo Liên Xô tiền nhiệm đã từng tạo dựng được ở Việt Nam.

 ĐẤT VIỆT ONLINE

Đọc nhiều