Vị trí địa chính trị đặc biệt của Vũng Áng không cho phép bất cẩn “mời” Trung Quốc vào

Hải Yến 07/11/2019 15:41

Trên bản đồ thế giới, cảng Vũng Áng rất gần với đảo Hải Nam – nơi có một căn cứ tàu ngầm quân sự của Trung Quốc chỉ cách Đà Nẵng, Việt Nam, 150 hải lý. Theo Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, căn cứ này có sức chứa 20 tàu ngầm phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và từ năm 2010, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã mang khá nhiều tàu ngầm nguyên tử chiến lược ra đây. Căn cứ tàu ngầm này được nhắc đến như là một mối lo an ninh cho các nước ASEAN cũng như Ấn Độ.

Tiềm năng phát triển kinh tế năng động tại Vũng Áng
Cảng Vũng Áng rất gần với đảo Hải Nam – nơi có một căn cứ tàu ngầm quân sự của Trung Quốc

Tiềm năng phát triển kinh tế năng động tại Vũng Áng

Thông tin từ báo chí cho biết, cảng Vũng Áng có vị trí kinh tế chiến lược quan trọng, được biết đến tên trên bản đồ hàng hải thế giới bởi có độ sâu tự nhiên tốt nhất Việt Nam, được che chắn bởi dãy núi và đê chắn sóng vươn dài ra biển. Quan trọng hơn, Cảng Vũng Áng có một vị trí rất thuận lợi trong mạng lưới giao thông đường bộ với nước bạn Lào, Thái-lan qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Cha Lo bằng tuyến QL8A và QL12. Cảng Vũng Áng rất gần các tuyến đường hàng hải chính từ Bắc Á đi Nam Á hay từ Thái Bình Dương qua Ấn Ðộ Dương.

Trong tương lai, theo lời của Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết thì, Chính phủ Lào đang cho nghiên cứu khả thi về dự án đường sắt nối Lào – Việt Nam, có chiều dài khoảng 400 km, chạy từ huyện Thakhek (Lào) đến cảng Vũng Áng với tổng mức đầu tư gần 2 tỉ USD. Tuyến đường sắt này sẽ là cửa ngõ quan trọng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp hợp tác, đầu tư tuyến vận tải hàng hóa từ Lào, Thái Lan đi các nước và chiều ngược lại thông qua cảng biển Vũng Áng.

Với những vị thế, điều kiện tự nhiên như trên, hiện nay cảng biển cửa khẩu Vũng Áng đã và đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia Nhật, Hàn, Đài Loan… Tập đoàn Trung Quốc muốn nhảy vào đầu tư phát triển kinh tế cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, Vũng Áng không chỉ đơn thuần là cảng cửa khẩu

Nhìn vào vị trí trên bản đồ dễ dàng thấy được, từ Vũng Áng ngó qua Hải Nam không bao xa. Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành đã có những cảnh báo việc Việt Nam cho Trung Quốc thuê vùng cửa khẩu Vũng Áng: “Nếu ngày nào đó, Trung Quốc đưa một hạm đội từ Hải Nam sang Vũng Áng thì cả Vịnh Bắc Bộ sẽ không giao thông được nước ngoài, bị biến thành một cái hồ riêng của Trung Quốc. Hạm đội trên biển của Trung Quốc đã rất mạnh rồi, nếu bây giờ họ có một điểm tựa trên đất liền nữa thì đó sẽ là nguy cơ rất lớn”.

Đó là chưa kể, nếu Trung Quốc thành công khi “nhét” tập đoàn kinh tế vào Vũng Áng, “làm chủ” vị trí này, đồng nghĩa với việc có thêm lợi thế trong việc “mượn” căn cứ của Việt Nam làm “lá chắn”, để phục vụ đắc lực trong việc đối phó với các nước điều tàu chiến đến khu vực tự do hàng hải trên biển Đông – nơi mà Trung Quốc lếu láo muốn biến thành ao nhà. Nếu như không phải là Trung Quốc thuê được cảng cửa khẩu Vũng Áng, mà là các quốc gia đang muốn “dạy” cho Trung Quốc bài học như Mỹ, Nhật, Ấn Độ thì chuyện gì xảy ra? Với cự ly cảng cửa khẩu Vũng Áng rất gần với Hải Nam, ai cũng thừa biết, đây là vị trí hiểm có thể đe dọa trực tiếp tới Cảng tàu ngầm của Trung Quốc bất cứ lúc nào!

VUNG_ANG

Cảng Vũng Áng là cửa ngõ nhìn ra biển Đông. Nếu tập đoàn của Trung Quốc “thò chân” vào được Vũng Áng và “cắm sào” trong thời gian tới, hậu quả khôn lường thế nào hẳn ai cũng nhìn ra. Chỉ cần viện cái cớ “vào hàng”, các tàu quân sự núp bóng trá hình của Trung Quốc dễ dàng neo đậu vào “khúc ruột non” trên đất liền của Việt Nam. Ai quan tâm đến diễn biến trên biển Đông, trước tình hình các tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính – thuộc chủ quyền của Việt Nam và chiến sĩ ta đã nỗ lực đuổi ra khỏi vùng biển, đã biết quá rõ?!

Đó là lý do vì sao, khi biết Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, ông Dương Tất Thắng hân hoan đón chào Tập đoàn Trung Quốc và phát ngôn: “Phía Hà Tĩnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Cảng Hạ Môn (Trung Quốc) khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, logistics tại Vũng Áng”. Nhiều người dân bày tỏ ý kiến, phản ứng, với những yếu tố an ninh, quốc phòng tại Vũng Áng, đề nghị lãnh đạo Hà Tĩnh nên cân nhắc thật kỹ và có sự tham mưu của Bộ quốc phòng, Bộ Công an cũng như xin ý kiến chỉ đạo của cấp cao hơn nữa trước khi quyết định. Trung Quốc có tham vọng lãnh thổ, muốn biến biển Đông thành ao nhà đã thể hiện quá rõ, không che giấu. Cái đó ai cũng thấy và phải tỉnh, trước việc “chào đón” Tập đoàn Trung Quốc đến đây “đầu tư kinh tế”.

Hải Yến

Tags :
Đọc nhiều