Những cao tốc thành hình trong bài toán ổn định và phát triển kinh tế của Chính phủ
Các nhà đầu tư FDI đang dồn sự chú ý tới Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đa dạng hóa nguồn cung và dịch chuyển địa điểm đầu tư. Để thực hiện điều đó, một chiến lược mới mang tên hạ tầng giao thông đã được thực thi!
Sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính Phủ
Hạ tầng giao thông chính là nền tảng xương sống của các hoạt động GTVT, giúp luân chuyển hàng hóa, dịch vụ giữa các vùng, miền, thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh và tạo động lực cho các hoạt động kinh tế.
Ngay sau khi kiện toàn vào tháng 4/2021, Chính phủ đã đề ra Chương trình hành động với một trong những trọng tâm là “tạo đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ hiện đại”, theo đúng Nghị quyết Đại hội XIII. Bộ GTVT là một trong những bộ đầu tiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc sau khi ông nhậm chức để nắm bức tranh chung của ngành và giải quyết khó khăn, vướng mắc cũng như định hướng nhiệm vụ.
Hai năm qua, Thủ tướng, các Phó thủ tướng đã có nhiều chuyến công tác tới khắp công trường từ Bắc vào Nam… với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng lớn. Trong đó, chuyến công tác xuyên Tết – xuyên Việt dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần kéo dài 3 ngày, trên lộ trình dài gần 1.600km cho thấy quyết tâm, sự sát sao của người đứng đầu Chính phủ để hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm trong nhiệm kỳ này.
Những điểm sáng trong phát triển hạ tầng giao thông
Sau 2 năm thực hiện việc thực hiện đột phá kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Trong đó Quảng Ninh được xem là điển hình, khi có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có sân bay, đường cao tốc và hệ thống cảng biển hiện đại. Việc đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn. Từ đó, đảm bảo liên thông đồng bộ, mở ra không gian, quỹ đất phát triển mới. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến đầu tư. Điều này cũng được khẳng định khi mới đây, Quảng Ninh tiếp tục được vinh danh là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022. Đặc biệt, theo dữ liệu về năng lực cạnh tranh PCI, Quảng Ninh đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam.
Từ điểm tựa và bài học Quảng Ninh, nhiều địa phương trong cả nước đã mạnh dạn xin Trung ương cho phép đứng ra đảm nhận và thực hiện tương đối tốt vai trò là cơ quan có thẩm quyền tại các dự án đường cao tốc quy mô lớn, như Lạng Sơn (Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn), Tiền Giang (Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận), Cao Bằng (Dự án BOT cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh)… Trong đó, nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo trong hợp tác PPP.
Trong bối cảnh nền kinh tế cuối năm 2022 có tốc độ tăng trưởng chậm lại và dự báo năm 2023 sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đầu tư công được xác định là một yếu tố quyết định để duy trì tăng trưởng. Nhận thức được tầm quan trọng ấy, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát chặt chẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công, kết quả Bộ GTVT luôn nằm trong số các bộ, ngành đạt tỉ lệ giải ngân cao so với bình quân cả nước. Tính đến ngày 31/3/2023, Bộ GTVT đã giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng, đạt hơn 18% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (đạt khoảng 14%). So sánh với trung bình cả nước, tỉ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm của Bộ GTVT cao hơn gần 4% (tỉ lệ giải ngân trung bình cả nước là 10,35%). Nhờ đó, nhiều công trình giao thông có quy mô lớn, tính chất quan trọng được đầu tư và đưa vào khai thác đã giúp kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng GDP, giảm chi phí, thời gian vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước.
Đặc biệt sự kiện khánh thành 2 đoạn cao tốc quan trọng trên tuyến Bắc – Nam: Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây góp phần vào việc hiện thực hóa giấc mơ về một tuyến cao tốc nối 2 đầu đất nước. Sự kiện càng có ý nghĩa khi được tổ chức vào dịp Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đây còn được coi là chiến thắng của tinh thần “thần tốc, táo bạo”, vượt qua bao gian nan vất vả, “vượt nắng, thắng mưa” để đưa các công trình về đích an toàn, hiệu quả.
Hạ tầng giao thông: “chìa khóa” thu vốn FDI
Các Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế – xã hội 6 vùng trọng điểm, tất cả đều nhấn mạnh phát triển hạ tầng giao thông. Bộ Chính trị cũng định hướng phát triển đường sắt tốc độ cao; cùng với những công trình trọng điểm khác đã và đang được triển khai. Theo các chuyên gia kinh tế, đây sẽ là tiền đề để Việt Nam thu hút dòng vốn FDI, góp phần đưa kinh tế Việt nam cất cánh.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón sự dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt đến từ các “ông lớn” toàn cầu có công nghệ cao. Với lợi thế “cứng” sẵn có như nguồn lao động, đất đai… thì xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại chính là chìa khoá tạo sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư lớn, ở những lĩnh vực công nghệ cao.
Diệu Hương