262
topics
512763

Hà Nội: Xe điện hút khách, sắp mở rộng vùng “phủ sóng” ra ngoại thành

22/04/2021 10:52

Xe điện 4 bánh với mức giá hợp lý, thân thiện môi trường đã thu hút lượng lớn khách du lịch tại khu vực phố cổ. Cùng với việc chuẩn hóa hoạt động xe điện, tới đây Hà Nội sẽ mở rộng vùng hoạt động của phương tiện này ra nhiều khu du lịch ở ngoại thành như: Chùa Hương, làng cổ Đường Lâm, Ba Vì…

Song song việc mở rộng mạng lưới, Sở GTVT Hà Nội cũng nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp để xóa lỗ hổng trong quản lý hoạt động của xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện – Ảnh minh họa

Chen chân đi xe điện

Ngày 16/4, có mặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), PV Báo Giao thông ghi nhận các chuyến xe điện 4 bánh hoạt động khá nhộn nhịp. Di chuyển trên các tuyến phố cổ, quan sát của PV, liên tục có các xe điện hoạt động, trên xe khách khá đông, mỗi xe từ 5 – 7 người.

Tại điểm bán vé bến xe điện Bờ Hồ trên phố Đinh Tiên Hoàng, dù không phải là ngày cuối tuần song liên tục có hàng chục đoàn khách tới mua vé. Giá vé theo tour 35 phút/7 người là 240.000 đồng. Nếu đi 60 phút/7 người, khách sẽ phải trả 360.000 đồng. Ngoài ra, khách cũng có thể mua vé lẻ với giá 70.000 đồng/hành khách/lượt; trẻ em dưới 3 tuổi được miễn phí.

hà nội: xe điện hút khách, sắp mở rộng vùng “phủ sóng”
Với mức giá hợp lý, xe điện từ lâu đã thu hút khách du lịch khi tới Hà Nội

Chị Vũ Thị Phương, nhân viên bán vé cho biết, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp lượng khách du lịch quốc tế giảm mạnh song nhu cầu vãn cảnh của khách nội địa tăng cao.

Bà Đào Thị Phương, trú quận Hai Bà Trưng, một hành khách thường xuyên từ ngày xe điện đi vào hoạt động chia sẻ: “Đi bằng xe điện tạo cho tôi cảm giác thân thiện với môi trường và vô cùng thoáng mát. Lái xe đi chậm để hành khách có thể chiêm ngưỡng được hết cảnh quan của khu phố cổ nên tôi thấy đây là phương tiện cần có và được nhân rộng tại các khu du lịch”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thu Hương (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, năm nào gia đình chị cũng năm bảy lượt đến khu du lịch Thiên Sơn – Suối Ngà để nghỉ dưỡng do chỉ cách nhà khoảng 10km.

Tuy nhiên, điểm thiếu của khu du lịch này là vắng bóng những chiếc xe điện 4 bánh, khiến hành khách phải đi bộ rất nhiều, khá mệt mỏi. “Tôi rất mong muốn trong thời gian tới tại điểm du lịch này sẽ có xe điện phục vụ nhu cầu của hành khách”, chị Hương bày tỏ.

Mở rộng vùng hoạt độngcủa xe điện ra 8 khu vực

Mở rộng vùng hoạt độngcủa xe điện ra 8 khu vực

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, xe điện được triển khai tại Hà Nội từ năm 2010. Hiện đơn vị đang xây dựng Đề án “Quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông”.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và các quy hoạch liên quan, Sở GTVT Hà Nội cùng đơn vị tư vấn đã khảo sát, lập danh sách thêm 8 khu vực có thể triển khai loại hình phương tiện xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện bao gồm: Vườn quốc gia Ba Vì; Làng cổ Đường Lâm; Chùa Hương; Làng nghề gốm sứ Bát Tràng; Khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân – Thường Tín; Thiên Sơn – Suối Ngà; Công viên Yên Sở và Khu du lịch Thác Bạc – Suối Sao.

Theo ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, Sở đã đưa ra một số quy chuẩn để quản lý về hạ tầng. Trong đó, tuyến đường xe điện hoạt động phải có mặt đường rộng tối thiểu 3,5m, độ dốc dọc dưới 10%.

Các đơn vị tham gia hoạt động vận tải khách bằng xe điện 4 bánh phải đăng ký kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Các tuyến mở mới cần xây dựng đề án thí điểm gửi Sở thẩm định và phải được sự đồng ý của UBND quận, huyện, thị xã nơi tuyến xe điện đi qua.

Người điều khiển phương tiện phải có GPLX theo quy định, phải có hợp đồng lao động và được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về vận tải hành khách, an toàn giao thông.

Đơn vị đăng ký kinh doanh cũng phải đăng ký màu sơn, logo của đơn vị và niêm yết giá cước, số điện thoại, có đầy đủ các phương án bảo đảm an toàn cho hành khách. Phương tiện vận chuyển phải gắn thiết bị giám sát hành trình, bảo đảm tình trạng kỹ thuật tốt.

ThS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT bày tỏ sự ủng hộ với các giải pháp này và cho rằng, xe điện từ 12 chỗ trở xuống tương đương với xe buýt nhỏ. Do vậy, quy định về bằng lái và đăng kiểm phương tiện sẽ phải tương đương với những phương tiện ô tô.

Từ góc độ đơn vị đã tham gia thí điểm, ông Vũ Hà Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đồng Xuân cho rằng, những giải pháp vừa nêu sẽ giúp hoạt động vận tải đi vào nền nếp. Trong 10 năm thí điểm, Công ty Đồng Xuân đã vận chuyển hơn 5 triệu lượt khách, trong đó, hơn 70% là khách quốc tế. Do đó, ông Thanh cho rằng, việc triển khai mở rộng tại 8 địa điểm được đề xuất là phù hợp.

Từ tháng 6/2010, Hà Nội đã cho phép xe điện 4 bánh hoạt động trong lòng phố cổ phục vụ du lịch. Đến nay, toàn thành phố đã có 88 phương tiện thuộc 5 doanh nghiệp khai thác vận hành. Qua thời gian thí điểm, xe điện được đánh giá có hiệu quả cao, mức giá hợp lý, đem đến cảm giác gần gũi, thân quen và bình yên trong lòng du khách khi chiêm ngưỡng phố cổ Hà Nội.

Lê Tươi

Tags :
Đọc nhiều