148628
topics
552007
Hà Nội nới lỏng giãn cách, nhiều hoạt động dịch vụ được mở lại từ ngày 21-9
Hồng Anh 20/09/2021 23:12

Sau hai tháng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, UBND TP.Hà Nội vừa ban hành công điện theo chỉ thị số 22, điều chỉnh các biện pháp chống dịch của thành phố theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 6 giờ sáng mai, 21.9.

Dòng phương tiện trên đường Khuất Duy Tiến sáng 20/9. Phạm Chiểu.
Dòng phương tiện trên đường Khuất Duy Tiến, sáng 20/9.

Theo chỉ thị do Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành đêm 20/9. Từ ngày mai, các cơ quan, công sở, công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (trừ cơ quan trung ương; các lực lượng vũ trang; lực lượng chống dịch và cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50 (50% tại trụ sở và 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà).

Áp dụng Chỉ thị 15, thành phố tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng. Trường hợp thực sự cấp thiết do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và chỉ được bố trí tối đa 50% chỗ ngồi trong hội trường, phòng họp; đảm bảo giãn cách tối thiểu 2 m. Đám tang tổ chức trong phạm vị gia đình, không quá 20 người; hạn chế các đoàn viếng, mỗi đoàn không quá 5 người…

Chính quyền yêu cầu không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung từ 20 người trở lên; dừng tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng.

Người dân đi qua tấm pano tuyên truyền phòng dịch Covid - 19 trên phố Tràng Tiền (Hoàn Kiếm), sáng 20/9. Ảnh: Giang Huy.
Người dân đi qua tấm pano tuyên truyền phòng dịch Covid-19 trên phố Tràng Tiền (Hoàn Kiếm), sáng 20/9.

Hà Nội tiếp tục tạm dừng hoạt động giảng dạy trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, đào tạo cũng như một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Các cơ sở được phép hoạt động, gồm: siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh; ngân hàng, kho bạc; các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa; cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội…

Trung tâm thương mại; cơ sở kinh doanh may mặc, mỹ phẩm, dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ kinh doanh, sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; hoạt động kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến, cũng trong diện được phép hoạt động.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Hà Nội tiếp tục tạm dừng vận tải hành khách đường bộ, đường thủy, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, xe “ôm” công nghệ… (trừ trường hợp phục vụ chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia).

Dịch vụ cắt tóc sẽ được cho hoạt động trở lại

Sở Giao thông Vận tải sẽ hướng dẫn việc đảm bảo vận tải hàng hóa; hoạt động giao nhận, vận chuyển hàng hóa, bưu gửi.

Chính quyền đề nghị người dân chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động theo công suất thành phố quy định.

Nới lỏng giãn cách, song Hà Nội vẫn duy trì các chốt kiểm soát dịch bệnh tại cửa ngõ và hoạt động tuần tra, kiểm soát trong thành phố. Người từ các địa phương đang áp dụng chỉ thị 16 đến hoặc về Hà Nội phải được cấp có thẩm quyền xem xét, đồng ý bằng văn bản. Trường hợp người dân đi vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải khai báo y tế; tuân thủ biện pháp giám sát, cách ly y tế.

Theo dữ liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, vào trưa 20/9, Hà Nội đã tiêm được hơn 6,4 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó hơn 5,7 triệu mũi một và gần 700.000 mũi hai. Như vậy, với dân số từ 18 tuổi trở lên là khoảng 5,7 triệu người, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu “phủ” vaccine mũi một.

Biểu đồ số ca mắc mới tại Hà Nội từ hôm 28/8 đến 20/9. Nguồn: CDC Hà Nội.
Biểu đồ số ca mắc mới tại Hà Nội từ hôm 28/8 đến 20/9.

 

Trong một tuần trở lại đây, số ca mắc mới ở Hà Nội hàng ngày đều dưới 20 ca, thấp hơn nhiều so với số ca trung bình ngày trước đó từ 50 đến 70 ca mỗi ngày.

Chính quyền thủ đô áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 24/7. Sau 45 ngày giãn cách xã hội, hôm 6/9 thành phố chia ba vùng chống dịch, trong đó vùng một tiếp tục giãn cách xã hội 10 quận, huyện. Vùng hai, ba (các địa bàn còn lại) áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng.

Từ trưa 16/9, thành phố nới lỏng một số biện pháp phòng dịch khi cho 19 quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng (từ ngày 6/9) được phép mở cửa cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng được hoạt động, song chỉ bán mang về, và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 24/7 đến nay), Hà Nội ghi nhận 3.928 ca nhiễm Covid-19, trong đó số ca ngoài cộng đồng 1.598 và số ca là các trường hợp đã được cách ly 2.327.

Hồng Anh 

Đọc nhiều