“Hạ cánh mềm” quả bong bóng trái phiếu doanh nghiệp
Mặc dù không can thiệp giải cứu những doanh nghiệp khó khăn, nhưng những sửa đổi tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ giải tỏa áp lực trả nợ trái phiếu. Qua đó ngăn các doanh nghiệp phải bán mình, hoặc lâm vào tình cảnh vỡ nợ.
Cụ thể, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/3/2023. Một số thay đổi được quan tâm nhất bao gồm: Nhà phát hành có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm nếu có sự đồng ý của trái chủ.
Trên thực tế, cả hai giải pháp trên đã và đang được các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực thi, đàm phán với trái chủ. Tuy nhiên, việc đưa vào nghị định sẽ giúp cho hoạt động được đặt dưới sự giám sát, theo dõi của pháp luật và Chính phủ. Chẳng hạn như việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác có thể dẫn đến sự xung đột trong cách định giá tài sản giữa nhà phát hành và nhà đầu tư. Tuy nhiên nghị định nêu rõ, việc thanh toán bằng tài sản phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận. Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Những giải pháp khi đưa vào Nghị định cũng sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ, bên cạnh đó còn là tạo cơ sở để ban hành thêm những cơ chế nhằm quản lý chặt chẽ hơn. Theo đó, việc cho phép nhà phát hành kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm dưới sự đồng ý của trái chủ, mặc dù giãn nợ được cho doanh nghiệp, nhưng lại đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư. Vì nếu trong 2 năm đó, doanh nghiệp phát hành chây ỳ không thanh lý tài sản, quyết giữ giá (đối với doanh nghiệp bất động sản), dẫn đến không trả nợ đúng hẹn, từ đó sẽ tạo ra sự bức xúc đối với các nhà đầu tư trái phiếu. Do đó nghị định cần là cơ sở để ban hành thêm cơ chế nhằm nâng cao quyền lợi nhà đầu tư trong thời hạn 2 năm chờ đợi đó.
Về phía các doanh nghiệp cũng cần nghiêm túc thực hiện các cam kết trên cơ sở lợi ích chung. Làm được điều này, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản sẽ dập tắt nguy cơ bán mình cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, đây là hướng đi giải quyết cho việc tiếp cận vốn tín dụng, theo đó một số doanh nghiệp bất động sản đã “than khó” khi không tiếp cận được vốn vay ngân hàng vì điều kiện quy định khắt khe. Thế nên, nghị định 08 đã tạo không gian cho các doanh nghiệp có cơ hội đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, nếu làm tốt đó sẽ là cơ sở để doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí điều kiện, nhận được dòng vốn tín dụng ngân hàng.
Có thể hấy việc ban hành Nghị định 08 thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với tình hình sức khỏe doanh nghiệp trong nước và quyền lợi của các nhà đầu tư. Cũng như với toàn bộ nền kinh tế khi nghị định đã tạo được không gian để các doanh nghiệp hạ cánh mềm quả bong bóng trái phiếu.
Huy Hoàng