8
category
426128

Gửi những con người khắt khe với Tổ quốc!

03/09/2020 12:43

“- Nếu thu phí sẽ dẫn đến hệ lụy trốn cách ly
– Bên Úc, Mỹ, Hàn… người ta có thu phí cách ly của người dân không mà Việt Nam lại đi thu?
– Bọn quan lại ăn hết tiền của dân.
– Vé đã mắc gấp 3 lần bình thường giờ lại bắt trả phí cách ly thì khác gì ăn cướp? Toàn trục lợi bản thân”.

Đó là một vài phản ứng của người Việt, trong có đó một số bạn du học sinh từ Úc, khi có thông tin rằng bắt đầu từ hôm nay, Việt Nam sẽ thu phí cách ly với hành khách nhập cảnh đến Việt Nam. Đối tượng áp dụng là hành khách nhập cảnh bao gồm cả người mang quốc tịch Việt Nam và người nước ngoài. Với riêng người mang quốc tịch Việt Nam, vẫn sẽ được chữa bệnh miễn phí nếu mắc Covid-19.

Những bình luận trách móc ích kỷ trên mạng xã hội.

Rốt cuộc, những người này muốn gì? Khi làm gì, họ cũng có cớ để chê bai và đả kích. Hồi trước thì muốn mở thu phí để được trở về, bao nhiêu cũng chịu, đến bây giờ, thu phí rồi thì lại chê đắt, rồi chê trục lợi từ đồng bào? Rồi cứ đem nước ngoài ra so sánh.

Chi phí đó đắt không? Có đến mức phải trốn cách ly không? Hãy khoan nói đến việc cách ly tại các khách sạn hạng sang hay các khu nghỉ dưỡng, thường chỉ có những du học sinh, người Việt có điều kiện hoặc người nước ngoài lựa chọn. Nếu chỉ tính riêng tại các khu cách ly tập trung, mức phí vẫn thực sự dễ chịu và phù hợp với đa phần người Việt từ nước ngoài. Trong đó, chi phí tạm tính sẽ vào khoảng 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng cho một ngày đêm. Vậy nếu tính hết chu kỳ cách ly 14 ngày, khoản tiền đó rơi vào khoảng từ 2,1 triệu đồng đến 2,8 triệu đồng và dĩ nhiên có thể hơn.

Thậm chí, nhiều đơn vị đã lường trước kịch bản nhân dân gặp khó khăn và không có tiền để trả phí cách ly. Những đơn vị này còn liên hệ với một số mạnh thường quân nhờ quyên góp và tài trợ, bên cạnh đó, sử dụng lực lượng lao động là bộ đội, tình nguyện viên,… để giảm chi phí tối đa nhất có thể. Nhưng thiết nghĩ, với các trường hợp trở về từ các quốc gia phát triển, từ khoản phí ấy, theo mình nghĩ, không hề nhiều nhặn gì.

Các chiến sỹ bộ đội đưa cơm cho người dân đang cách ly.

Biết là mùa dịch, ai cũng khó khăn. Hàng ngày, bạn cho đứa trẻ hàng xóm viên kẹo. Bạn làm điều đó rất vui vẻ, hoan hỉ và hoàn toàn tự nguyện. Nhưng một ngày kia, bạn quên đi chuyện mua kẹo cho đứa trẻ đó. Nó sẽ nhìn bạn với một ánh mắt không thiện cảm, coi bạn là một kẻ xấu xa. Thậm chí, đứa trẻ ấy có thể trở mặt với bạn và nó sẽ không cười với bạn thêm một lần nào nữa.

Nói văn hoa, triết lý viên kẹo có nghĩa là những việc mà bạn tình nguyện làm sẽ trở thành những việc mà bạn bắt buộc phải làm. Người ta nghĩ rằng đó là trách nhiệm của bạn, là nhiệm vụ của bạn, bạn không làm được, có nghĩa là bạn sai.

Tại Úc, Đài Loan hay Hàn Quốc, họ vẫn thu phí cách ly từ người nhập cảnh. Thậm chí họ thu từ rất lâu rồi còn Việt Nam thì mới đầu thu từ đầu tháng 9. Mà họ còn là những quốc gia giàu có đó nhé. Hay nói đơn giản về một trường hợp tương tự Việt Nam chẳng hạn, đó là câu chuyện về anh bạn hàng xóm Philippines, chính quyền quốc gia này tuyên bố “hết tiền” và “cạn ngân sách”, vì thế không thể hỗ trợ được nhân dân Philippines nữa. Đó là một câu chuyện cho thấy rằng, những gì mà chúng ta làm được trong thời gian qua, đáng nể đó chứ.

Các anh nuôi chuẩn bị bữa sáng cho người cách ly.

Ngày 30/08, tờ Sydney Morning Herald kể lại câu chuyện về những người Úc bị mắc kẹt tại Singapore, không có những chuyến bay đưa về, thậm chí, nếu trở về, những người mắc kẹt sẽ là “món nợ quốc gia”. Tờ này bình luận rằng: “Hàng chục ngàn người Úc đã bị bỏ rơi mặc dù họ đều đã đóng thuế đều đặn hàng chục năm qua”.

Không phải chuyến bay nào cũng là những chuyến bay “tình thương” và “giải cứu”. Hiện nay, chúng ta dùng từ “hồi hương”, và đúng là hồi hương rồi còn gì? Nhiều người bảo rằng: Tại sao vé đắt thế? Nói đơn giản một chút thôi, một tấm vé máy bay vào dịp lễ Tết đã đắt gấp mấy lần giá vé những ngày thấp điểm rồi. Ai đời lại lấy giá vé vào giai đoạn thấp điểm hàng năm để so sánh với đợt đại dịch năm nay được? Chi phí trong mùa dịch bị đội lên rất nhiều lần. Các hãng hàng không Việt cũng còn phải sống, cũng còn phải chi trả cho biết bao nhiêu loại phí. Có lẽ, đôi khi chúng ta cần học mấy quốc gia tư bản, đi thì đi, không đi thì thôi, thuận mua vừa bán.

Phi công, tiếp viên, phục vụ sân bay, nhân viên kỹ thuật,… cũng cần phải sống chứ? Hãng hàng không vẫn cần phải duy trì. Làm gì có ai cho không nhiên liệu đâu? Làm gì có sân bay nào cho đỗ miễn phí? Hay chỉ ích kỷ nghĩ cho bản thân mình, muốn mình có nhiều quyền lợi nhất có thể, nhưng khi nói về nghĩa vụ, thì lại “bơ”.

Chứ nói trục lợi, thì trục lợi được bao nhiêu? Các hãng hàng không đang lỗ chổng vó, thâm hụt cả chục ngàn tỷ đồng trong đợt dịch vừa rồi. Có thêm vài trăm triệu, vài tỷ, thì cũng chỉ như đem lọ muối pha vào bể bơi.

Giấc ngủ của người hy sinh thầm lặng ở khu cách ly.

Tính từ lúc bùng phát đại dịch đến hiện tại, đã có không dưới 200 ngàn lượt người cách ly, kéo theo đó là một nguồn tiền khổng lồ dành cho công tác phòng chống dịch, cách ly và chữa bệnh. Đồ chùa thì xài mãi cũng hao, miễn phí bao nhiêu cũng hết. Đây là lúc mà nhân dân chia sẻ gánh nặng với Tổ Quốc, nhân dân bỏ tiền cách ly vì dù sao chữa bệnh cũng được miễn phí rồi.

Thêm nữa, từ tháng 9 này, các chuyến bay thương mại quốc tế cũng sẽ được nối liền, việc áp dụng quy định thu phí cách ly, xây dựng kịch bản cách ly tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang là hợp lý nhằm phục vụ cho các hành khách quốc tế và người Việt đi và về trên các chuyến bay thương mại.

Có những người luôn muốn hưởng thụ tối đa quyền lợi nhưng lại lờ đi trách nhiệm của bản thân. Mỗi người cần phải biết rằng, quyền lợi luôn luôn đi kèm với nghĩa vụ. Muốn Tổ Quốc vì mình, thì trước tiên, mỗi người phải vì Tổ Quốc đã.

Chứ cứ đòi hỏi, thì đòi bao nhiêu cho đủ? Đáp ứng bao nhiêu cho vừa?

Tifosi

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Đọc nhiều