425
category
347937

GS Hồ Ngọc Đại lên tiếng khi sách Công nghệ Giáo dục bị loại

Hồng Anh 03/01/2020 14:05

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại nói rằng ông không oán trách khi bộ sách Công nghệ Giáo dục bị loại vì các thành viên trong hội đồng thẩm định đã làm theo trách nhiệm của mình.

Sáng 3/1, Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại với GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và PGS.TS Nguyễn Kế Hào (Trung tâm Công nghệ Giáo dục) về nội dung liên quan thẩm định tài liệu Tiếng Việt bị loại khỏi vòng thẩm định.

Phát biểu tại cuộc họp, TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT – cho biết trong đợt thẩm định đầu tiên, có 49 bản thảo sách giáo khoa đăng ký. Trong đó, 38 bản thảo được hội đồng đánh giá đạt, 11 bản thảo không đạt ở cả vòng 1 và 2.

Những cuốn sách không đạt, theo thông tư 33, tác giả có quyền chỉnh sửa theo tham vấn của hội đồng, đề nghị được thẩm định lại. Hiện, một số tác giả có nguyện vọng chỉnh sửa sách và có những người muốn bảo lưu.

GS Ho Ngoc Dai: Khong oan trach khi sach Cong nghe Giao duc bi loai hinh anh 1 gs_ho_ngoc_dai.JPG
GS Hồ Ngọc Đại nói ông không oán trách thành viên của hội đồng khi sách của mình bị loại, vì họ làm theo trách nhiệm.

Các thành viên của hội đồng làm theo trách nhiệm PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào nói ông và nhiều phụ huỵnh, học sinh cho rằng bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại tốt, tạo điều kiện để phát huy khả năng của mỗi học sinh. Việc dạy và học theo sách này đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bộ sách Công nghệ Giáo dục bị loại khiến dư luận quan tâm, nhiều người bức xúc.

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào đề nghị dựa trên kết luận của các hội đồng thẩm định nhưng làm việc theo tinh thần mới, cởi mở hơn. Các chỉ báo được vận dụng linh hoạt để giữ được bản sách riêng của mỗi bộ.

Mỗi bộ sách cần đảm bảo chuẩn đầu ra của từng lớp, cấp học. Việc đánh giá thực tiễn cần được chú trọng. Đây là thước đo đáng tin cậy, không thể thiếu trong đánh giá sách, hoạt động dạy và học ở cấp tiểu học.

Cũng theo ông Hào, hiện nay, cả nước có 48 tỉnh, thành với 90.000 học sinh đang học sách Công nghệ Giáo dục. Trẻ học đến đâu chắc đến đó, không tái mù chữ. Ông kiến nghị không nên loại những cuốn sách này mà đưa vào giảng dạy ở các trường trong năm học mới.

Trong phần trao đổi của mình, GS.TS Hồ Ngọc Đại cho biết ông đến cuộc đối thoại này chỉ muốn được xác nhận bộ sách Công nghệ giáo dục của mình được sử dụng cho năm học mới. Khi bộ sách bị loại trong đợt thẩm định đầu tiên, ông không oán trách thành viên của hội đồng, vì họ làm theo trách nhiệm của mình.

GS Hồ Ngọc Đại nói bộ sách của ông là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc suốt 40 năm. Phương pháp này đặt câu hỏi: Học sinh cần gì và làm thế nào để có được điều đó. Cuốn sách đã được ông sửa chữa và hoàn thiện suốt thời gian qua, đến giờ đã hoàn thiện.

“Khi cùng sân chơi, người viết sách cần tuân thủ luật” Nêu quan điểm về việc thẩm định sách, PGS Trần Kiều – Chủ tịch Hội đồng môn Toán – cho rằng không phải mọi kết luận của hội đồng đều được tất cả chủ biên tán thành. Tuy nhiên, đó là những ý kiến xác đáng. Hội đồng biết viết sách lớp 1 khó nhất nên thẩm định rất linh hoạt.

Theo PGS Trần Kiều, khó có thể lấy số lượng người sử dụng để nói cuốn sách tiếp tục tồn tại. Nhiều bộ sách khác cũng có hơn một triệu học sinh sử dụng nhưng cũng mất hiệu lực khi thay đổi chương trình. Người viết sách, khi cùng chung sân chơi, cần tuân thủ luật.

PGS Trần Kiều cho rằng sách Toán 1 của GS Hồ Ngọc Đại làm đảo lộn toàn bộ cấu trúc, khung chương trình giáo dục phổ thông mới, khi mang kiến thức từ lớp 6 và 8 xuống cấp tiểu học. Ông khuyên GS Hồ Ngọc Địa nên viết lại theo sự gợi ý của chủ tịch hội đồng.

GS Ho Ngoc Dai: Khong oan trach khi sach Cong nghe Giao duc bi loai hinh anh 2 thu_truong.jpg
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng chương trình là gốc, sách giáo khoa có thể điều chỉnh theo hàng năm.

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết bộ đã rà soát toàn bộ quá trình triển khai, lựa chọn nhân sự khi triển khai sách giáo khoa theo chương trình mới.

Bộ GD&ĐT lựa chọn những nhân sự nghiêm túc, trách nhiệm, minh bạch, để đóng góp bộ sách tốt nhất cho học sinh, xã hội, tạo điều kiện thực hiện chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa.

Về đề nghị các cuốn sách phải được thực nghiệm mà PGS.TS Nguyễn Kế Hào nêu ra, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ GD&ĐT đã làm theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong quy định thẩm định sách giáo khoa, hồ sơ gửi lên đã phải có thực nghiệm. Việc thẩm định nhằm mục đích công bố cho xã hội những cuốn sách phù hợp để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trước kiến nghị của PGS Nguyễn Kế Hào về việc đánh giá bộ sách Công nghệ Giáo dục theo một cách thức khác, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết chương trình là gốc, chỉ có một chương trình thống nhất trên toàn quốc. Sách giáo khoa có thể điều chỉnh hàng năm.

“Để tạo ra sự công bằng giữa các bộ sách, cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí thống nhất trên toàn quốc. Vì vậy, đề xuất của PGS Nguyễn Kế Hào rất khó thực hiện­­. Chương trình đổi mới sách giáo khoa thay đổi từ mục tiêu thì nội dung phải thay đổi”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thông tin. ­­

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng ghi nhận, tổng hợp ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào để báo cáo Chính phủ.

Ngày 12/9/2019, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa thông báo 3 bản thảo sách giáo khoa lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại gồm Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, Toán Công nghệ Giáo dục và Đạo đức Công nghệ Giáo dục, bị trượt ở vòng đầu tiên.

Ngày 23/9/2019, PGS Nguyễn Kế Hào đại diện cán bộ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, gửi kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc sách bị loại khỏi vòng thẩm định.

Ngày 15/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nghiên cứu kỹ ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào và các chuyên gia, dư luận về chương trình thực nghiệm.

Đọc nhiều