2
category
333498

GS Đặng Hùng Võ đề nghị tăng thuế để hạn chế người nghèo vào Hà Nội, TP.HCM là vô cảm!

Nguyễn Anh 23/11/2019 11:34

Ngày 22/11 vừa qua, GS Đặng Hùng Võ đã có phát biểu cho rằng để hạn chế người dân di cư vào Hà Nội và TP.HCM nên dùng rào cản kỹ thuật, tức tăng thuế để chỉ có người thu nhập cao mới ‘trụ’ được ở hai thành phố lớn này. Chứ với cách làm hiện tại khiến người dân ở địa phương đổ về hai thành phố này theo kiểu “bám vỉa hè đô thị để sống, mà không phải đóng đồng thuế nào”. Phát biểu này đã gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.

GS Đặng Hùng Võ đề nghị tăng thuế để hạn chế người nghèo vào Hà Nội, TP.HCM

Tại hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP.HCM” do UBND TP.HCM tổ chức vào ngày 22.11. có sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, UBND TP.HCM và nhiều chuyên gia ở lĩnh vực đất đai.

Tại hội thảo, GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, cho hay hiện TP.HCM và Hà Nội đang muốn điều chỉnh dòng người di cư vào hai thành phố này. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định pháp luật hay quyết định hành chính để ngăn làn sóng di cư vào hai thành phố đều không được, bởi tự do cư trú là quyền của mỗi người. Cho nên trong trường hợp này chỉ áp dụng rào cản kỹ thuật.

GS Đặng Hùng Võ phát biểu tại hội thảo

Rào cản kỹ thuật ở đây, theo GS Đặng Hùng Võ, là áp mức thuế cao để những người sống ở TP.HCM và Hà Nội phải có thu nhập cao mới “trụ” được. Chứ với cách làm hiện tại khiến người dân ở địa phương đổ về hai thành phố này theo kiểu “bám vỉa hè đô thị để sống, mà không phải đóng đồng thuế nào”.

“Dùng thuế là bộ lọc, là rào cản kỹ thuật duy nhất để giải quyết vấn đề di cư. Chứ cứ như thế này chả mấy chốc dân số Hà Nội, TP.HCM tăng lên 40 – 50 triệu người mà không cách gì cản được”, GS Đặng Hùng Võ nói.

Phản hồi ý kiến của GS Đặng Hùng Võ, nhiều bạn đọc đã có ý kiến:

Thanh Thảo: Người dân ở các tỉnh họ đói nghèo nên họ mới phải vào thành phố lớn để kiếm ăn. Vậy mà ông lại không muốn cho họ trụ lại thành phố, đó là suy nghĩ độc ác và vô cảm. Sao ông ta không hiến kế để dân tỉnh được ấm no, đất nước được phồn thịnh, người dân được hạnh phúc mà lại đi phát biểu một câu hồ đồ như vậy nhỉ!

Nguyễn Quang: Hãy tạo công ăn việt Làm ở tỉnh lẽ ổn định, thăng tiến, cũng như môi trường sống, y tế thì họ tự khắc sẽ ở quê, tội gì phải sống ở thành phố đầy ô nhiễm, kẹt xe, chen chúc.

Ngô Đức Thuận: Nói thế, những người nghèo sinh ra và lớn lên ở Hà nội và Hồ Chí Minh cũng không trụ được phải đi nơi khác à. Hai nước phát triển nhất châu Á, thành phố Tokyo, Seul dân số chiếm gần một nửa dân số của Nhật và Hàn Quốc đấy.

Nguyễn Hải: Trước giờ tôi rất kính nể GS Đặng Hùng Võ nhưng với cách đề xuất này thì quá “tệ”. Các vị không đặt câu hỏi tại sao ngày càng nhiều người dân miền Tây, miền Trung di cư vào Sài Gòn kiếm sống. Người miền Tây đa số là nông dân trồng lúa, hoa màu, khi được mùa thì mất giá, khi thì mất mùa, cuộc sống bấp bênh. Miền Trung thời tiết khắc nghiệt, kinh tế địa phương không phát triển, công việc làm không có hoặc có nhưng đồng lương thấp. Tại sao các vị không đề xuất cách tạo công ăn việc làm, cách phát triển kinh tế địa phương miền Trung hay đề xuất cách hỗ trợ đầu ra dài hạn và ổn định cho người nông dân miền Tây. Nếu được như vậy thì chẳng ai muốn rời quê xa vợ xa con, bỏ cha mẹ già để tha phương kiếm sống.

Người bán hàng rong ở trên vỉa hè Q.1 (TP.HCM)
Ảnh: Ngọc Dương

ANH SON NGUYEN: Cuộc sống khó khăn người đân phải tìm cách kiếm sống những nơi khác, làm thuê, công nhân… khác, đánh thuế kiểu như ông thì dồn họ vào bước đường cùng và xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân. Những người dân sống bao nhiêu đời ở những thành phố lớn chưa hẳn ai cũng có cuộc sống và kinh tế khá giả, bỗng nhiên họ phải chịu chung áp mức thuế cao? Cuối cùng thì chỉ những người thu nhập cao, giàu có tồn tại ở thành phố, người thu nhập thấp không có chỗ? Ông giỏi giang thế nào người dân chúng tôi không biết nhưng đề nghị theo suy nghĩ này của ông là dồn dân nghèo vào tận cùng với bao mức thuế họ đã phải chịu rồi.

Nguyen Sinh: Ông Võ nói vậy cũng như Bộ GTVT đề nghị tăng giá vé máy bay để ai giàu mới đi được, người nghèo không đủ tiền buộc phải đi tàu, nhờ đó ngành đường sắt mới có doanh thu, mới phát triển. Bó tay !

Hoang Hien: Dù rất quý Bác nhưng cháu không đồng ý với ý kiến này. Hãy tạo chính sách cân bằng giữa các vùng miền, người dân sẽ tự động ở lại quê hương của mình để làm ăn. Không ai muốn tha phương cầu thực cả.

“Tổn thất” cán bộ ở TP.HCM đều liên quan tài chính đất đai

Theo GS Đặng Hùng Võ, vừa qua TP.HCM tổn thất rất nhiều cán bộ nguyên là Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nguyên giám đốc một số sở ngành. Điều đáng nói là những “tổn thất” cán bộ này đều vướng vào chuyện tài chính đất đai.

“Tại sao chúng ta tổn thất những cán bộ to như thế. Cách xây dựng pháp luật của chúng ta làm luật nọ mâu thuẫn với luật kia. Đấy chính là lý do chúng ta tổn thất cán bộ một cách không cần thiết”, GS Đặng Hùng Võ nói.

Theo GS Đặng Hùng Võ, để việc sử dụng nguồn lực đất đai có hiệu quả, Nhà nước phải sớm hoàn thiện hệ thống thu từ đất đai. Chứ còn hiện nay, bảng giá đất nhà nước chỉ bằng 30 – 40% giá thị trường sẽ khiến thất thu thuế, làm thất thoát ngân sách.

“Bảng giá đất phải ngang bằng thị trường để ngăn chặn tình trạng khai giá bán quá thấp gây thiệt hại cho nhà nước’, GS Đặng Hùng Võ nói, và cho biết bảng giá đất nhà nước của tỉnh, thành ít nhất phải bằng 80% so với giá thị trường. Bộ TN-MT và Tổng cục Quản lý đất đai phải thực hiện khung giá ở Trung ương để các địa phương làm theo.

“Không nên tạo hệ thống tài chính đất đai giả vờ, tức là hệ thống tài chính không thật. Ngoài ra, muốn sử dụng nguồn lực đất đai có hiệu quả cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp lại việc sử dụng quỹ đất công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM cho biết do giá đất ở TP.HCM quá cao nên một quyết định hành chính về đất đai có thể mang lại hoặc làm mất đi lợi ích vài ngàn tỉ đồng.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng, cho hay một trong những yếu tố cơ bản nhất của vốn hóa đất đai là tạo nguồn thu đất đô thị, thông qua quá trình đưa đất công vào thị trường theo cơ chế nhà nước giao đất có thu tiền. Nhà nước cho thuê đất và nhà nước thu thuế, phí liên quan đến đất đai đang sử dụng trong khu vực tư nhân.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, tại các nước công nghiệp phát triển, nguồn thu từ đất chiếm 50 – 90% tổng thu ngân sách địa phương, tạo nên nguồn lực rất lớn cho nâng cấp hạ tầng và dịch vụ công cộng tại đô thị.

Tại TP.HCM, năm 2019, dự toán thu từ đất là 14.900 tỉ đồng nhưng ước tính thu chỉ 11.000 tỉ đồng, chỉ đạt gần 74% so với dự toán. So với năm 2016, dự toán thu 16.500 tỉ đồng và thực thu 17.000 tỉ đồng, đạt 103%. So với tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2016 – 2020, tổng thu từ đất ở TP.HCM chỉ chiếm 3 – 5% tổng thu, con số quá khiêm tốn so với tiềm năng thu từ đất ở TP.HCM.

TP.HCM: Một quyết định có thể tạo ra hoặc làm mất đi vài ngàn tỉ - ảnh 1
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Ảnh: Trung Hiếu

Đáng chú ý, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết tài chính đất đai là một yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý đất đai đô thi, nhất là đô thị như TP.HCM. Do giá đất quá cao nên một quyết định hành chính về đất đai có thể mang lại lợi ích hoặc làm mất đi lợi ích tính tới đơn vị vài ngàn tỉ đồng.

“Một hệ thống tài chính đất đai đô thị hiệu quả phải được xây dựng trên nguyên tắc vốn hóa được đất đai, tức là đất đai quy đổi được dễ dàng thành vốn tài chính. Việc quy đổi này tạo ngữ cảnh chi sử dụng nguồn lực đất đai có thể phát triển đô thị theo hướng hiện đại để có một đô thị, đô thị thông minh, đô thị đáng sống…”, ông Nguyễn Toàn Thắng phát biểu.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan /// Ảnh: Trung Hiếu
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay thời gian qua việc quản lý, sử dụng đất ở TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về thực thi pháp luật. Việc quản lý đất đai còn nhiều bất cập nên hiệu quả quản lý chưa cao…

Nguồn lực đất đai ở TP.HCM được đánh giá sử dụng chưa hiệu quả

1 m2 đất ở TP.HCM lên tới 1 tỉ đồng

Báo cáo của Sở TN-MT tại hội thảo cho hay TP.HCM được giao nắm giữ 209,5 ngàn ha đất, trong đó hơn một nửa (114 ngàn ha) là đất nông nghiệp, còn lại (94,6 ngàn ha) là đất phi nông nghiệp.

Trong tổng diện tích đất nói trên, có 162,3 ngàn ha đang được sử dụng, 47,3 ngàn ha đang được giao để quản lý chưa được đưa vào sử dụng, và đất chưa sử dụng chỉ còn 927 ha.

Như vậy có thể thấy hầu hết đất đai của TP.HCM đang được sử dụng hoặc sẵn sàng đưa vào sử dụng. Cũng như Hà Nội, TP.HCM có giá đất cao nhất cả nước. Mỗi m2 đất thuộc bất kể loại đất nào trên thị trường đều có giá từ vài triệu đồng tới khoảng 1 tỉ đồng.

Nguyễn Anh

Tags :
Đọc nhiều