Grab tăng giá cước: khách hàng quay lưng, tài xế chật vật
Gần 1 tháng kể từ thời điểm Grab thực hiện tăng phí dịch vụ, thu nhập của nhiều tài xế và tài chính của khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Nhiều khách hàng dần quay lưng
Đầu tháng 12, Grab đã tăng 5-6% giá dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc. Động thái này được đưa ra ngay sau khi Nghị định 126 thay đổi cách kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ có hiệu lực. Gần 1 tháng sau, nhiều khách hàng đã cảm nhận rõ rệt về tác động của quyết định này lên tài chính của họ.
Phương Anh (Đống Đa, Hà Nội) một khách hàng thường xuyên của Grab cho biết trước kia, Grab thường xuyên tặng người dùng nhiều voucher giảm giá, ưu đãi nhưng gần đây hầu như không còn nhận được nữa.
“Từ hôm đọc tin Grab tăng phí tôi cũng thử so sánh trước khi đặt xe. Giờ cao điểm bây giờ mà đặt Grab thì giá cực kỳ cao, chênh lệch rất nhiều với những hãng khác.
Bản thân là sinh viên nên tôi sẽ ưu tiên chọn ứng dụng nào có lợi cho túi tiền. Vì thế Grab không còn là sự lựa chọn hàng đầu của tôi hiện tại.” Phương Anh chia sẻ.
Chị Khánh Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cùng quan điểm: “Tôi thường đặt Grab đi làm hàng ngày từ Cầu Giấy đến Mỹ Đình. Trước kia phí Grab Bike hết chưa đến 20.000 đồng, giờ thì đã lên đến gần 30.000 đồng.
Trong khi đó Grab Food thì chẳng còn mã giảm giá, toàn phải trả hết tiền ship. Tôi cũng đã cài đặt app khác nhiều khuyến mãi và giá mềm hơn, việc nào có lợi hơn cho tôi thì tôi sẽ làm”.
“Làm đơn, làm kép” để đảm bảo thu nhập
Đứng chờ khách từ sáng đến đầu giờ chiều mới được 100.000 đồng, anh Quang chỉ biết ngồi chơi điện thoại để giết thời gian. Trước dịch COVID-19, anh chỉ làm Grab để thêm kinh tế còn công việc chính là văn phòng. Nhưng bây giờ Grab lại là nghề chính do anh không thể trụ được với chiếc ghế văn phòng cũ.
“Trước dịch COVID-19 và quyết định tăng cước, một ngày tôi chạy 10 12 tiếng được 800.000 đồng là chuyện bình thường. Còn bây giờ, cũng ngần ấy thời gian mà chỉ được có 500.000 đồng.”
Thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mọi chi tiêu trong gia đình anh đều phải tiết kiệm. Trước đây, anh Quang chọn Grab do đây là ứng dụng nổi tiếng, có lượng khách hàng lớn. Tuy nhiên, hiện tại mức chiết khấu lên tài xế cao, cộng với việc số lượng tài xế tăng mà khách hàng càng giảm khiến anh đang suy nghĩ chuyển qua chạy ứng dụng khác.
Giống như anh Quang, anh Thành đã chạy Grab gần 3 năm cũng đang ế ẩm khách đặt. Khi thấy các anh em quen biết trong nghề đều chuyển sang ứng dụng khác dần, anh cũng đang suy nghĩ trăn trở.
“Thu nhập tôi bị giảm đến 30% so với trước đây. Anh em cũng rất mong Grab có động thái mới để giảm bớt cước phí cũng như đãi ngộ với tài xế chứ tiếp tục như này rất khó cho chúng tôi. Thu nhập giảm, thêm vào đó cũng không có bảo hiểm nên rất rủi ro khi có tai nạn nghề nghiệp xảy ra.”
Khác với anh Quang và anh Thành, anh Hoàng Lưu (quê Thanh Hoá) quyết định “làm đơn, làm kép” chạy cả 3 nền tảng của Grab là Bike, Food và Express để đảm bảo thu nhập.
Trung bình hiện nay, một ngày của anh chỉ được 10 12 cuốc Grab Food, khách hàng gọi đồ ăn cũng ít hơn hẳn so với trước. Mặc dù thời gian làm việc tự do, thoải mái nhưng với thực trạng hiện tại cũng khiến anh lo lắng ít nhiều.
“Mình chạy cả 3 nền tảng nên lúc nào không có cuốc này thì cũng nảy đơn cuốc khác vì thế nên cũng củng cố thu nhập. Tuy nhiên giờ đây, sau trừ hết phụ phí thì một ngày cũng chỉ có 300.000 400.000 đồng mà thôi.”
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Âm lịch 2021, vấn đề kinh tế trong gia đình càng đè nặng lên vai các tài xế xe ôm công nghệ.
“Chúng tôi mong muốn nhà phát triển Grab sẽ có những thay đổi tích cực, thêm lợi ích cho người lao động. Còn nếu tình trạng cước chiết khấu tiếp tục tăng cao, việc nhiều bác tài chuyển việc để lo cho cuộc sống của mình sẽ là lẽ dễ hiểu”, anh Hoàng Lưu nói.
LD