2
category
399071

Góp phần “giảm nghèo bền vững” từ sự phối hợp hiệu quả liên ngành Công an – Ngân hàng

07/06/2020 08:11

Vừa qua, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên thực hiện chủ trương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho gần 1.200 hộ nghèo, gia đình chính sách tại huyện Mường Nhé.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đã dành thời gian trả lời PV Báo CAND về công tác phối hợp liên ngành Ngân hàng – Công an trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm phát huy truyền thống quý báu “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ LĐTB&XH; Tỉnh ủy Điện Biên trao tặng nhà cho hộ nghèo ở huyện Mường Nhé.

PV: Thưa Phó Thống đốc Thường trực, công tác phối hợp giữa liên ngành Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an luôn được lãnh đạo của 2 cơ quan quan tâm, chú trọng và các đơn vị trực thuộc triển khai tích cực. Phó Thống đốc đánh giá thế nào về công tác phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian qua?

Ông Đào Minh Tú: Thời gian qua, Ngân hàng  Nhà nước đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Để triển khai, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao, ngành Ngân hàng cũng cần có sự hỗ trợ, phối hợp công tác chặt chẽ của các đơn vị, bộ, ngành liên quan, trong đó có ngành Công an. Những năm qua, hai ngành đã luôn phối hợp chặt chẽ, toàn diện, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Thứ nhất là, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia, đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu phá hoại trong nước và ngoài nước làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, đến hình ảnh và giá trị đồng tiền Việt Nam; đảm bảo cho hoạt động tiền tệ, tín dụng an toàn lành mạnh, tạo môi trường kinh doanh ổn định cho các tổ chức tín dụng (TCTD), niềm tin cho người gửi tiền, người vay vốn…

Thứ hai là, sự phối hợp, hỗ trợ của lực lượng Công an trong việc bảo vệ những khu vực quan trọng của ngành ngân hàng, như: Các trụ sở làm việc, kho tiền, nhà máy in tiền quốc gia, các mục tiêu trọng yếu khác và bảo vệ an ninh, an toàn tiền tệ… Sự phối hợp này diễn ra thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả, nhất là trong công tác đấu tranh, phòng chống tiền giả, bảo vệ giá trị đồng tiền.

Thứ ba là, sự phối hợp giữa hai ngành phục vụ các hoạt động điều tra, ngăn chặn, xử lý các sai phạm, những vụ án lớn trong hoạt động ngân hàng. Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả không chỉ thể hiện ở công tác chỉ đạo của lãnh đạo hai ngành mà còn thể hiện trong các công tác phối hợp cụ thể giữa các đơn vị hai bên từ Trung ương đến địa phương.

Qua đó, đã góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng nhà nước cũng như các Ngân hàng thương mại trên toàn quốc khi giải quyết bài toán xử lý nợ xấu, thu hồi nợ, xử lý những tài sản có liên quan đến các vụ án, giúp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật…

Đặc biệt, thời gian qua, hai ngành đã rất chủ động, tích cực phối hợp trong công tác đấu tranh, đẩy lùi và hạn chế tình trạng tín dụng đen, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đó là một trong những kết quả rất tích cực từ sự phối hợp hiệu quả của liên ngành Công an – Ngân hàng.

Thứ tư là, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác thẩm định, giám định một cách nhanh chóng, chính xác và khách quan nhiều vụ án, mang lại kết quả tích cực trong việc ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm. Đây là hoạt động mang tính chất nghiệp vụ rất cụ thể của hai ngành nhưng tạo được sự gắn kết chặt chẽ theo sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương và liên Bộ.

Bên cạnh đó, hai ngành đã ký kết nhiều quy chế phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc với nhiều cấp độ khác nhau trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành để quy định cụ thể trách nhiệm cũng như thẩm quyền của mỗi bên, từ đó tạo sự phối hợp nhịp nhàng đồng bộ và hiệu quả giữa hai cơ quan trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Có thể khẳng định, sự hợp tác giữa Ngân hàng với lực lượng CAND những năm vừa qua là rất tích cực, vừa góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tiền tệ ngân hàng lành mạnh, vừa giúp cho các chủ trương, chính sách pháp luật trong hoạt động tiền tệ – tín dụng được triển khai sâu rộng trong cuộc sống.

PV: Vậy Ngân hàng Nhà nước có đề xuất gì trong công tác phối hợp liên ngành để tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động của hệ thống Ngân hàng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước?

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú.

Ông Đào Minh Tú: Trên cơ sở những quy chế phối hợp chặt chẽ đã có trước đây, cùng với những kết quả, thành tích đã đạt được giữa hai ngành Công an và Ngân hàng, chúng ta cần có sự tổng kết, rà soát lại những quy chế đã có, để từ đó phát huy những mặt đã làm tốt, hiệu quả; đồng thời, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành những quy chế mới để quy định đầy đủ và toàn diện hơn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phối hợp công tác giữa hai cơ quan từ cấp Bộ đến các cấp cơ sở trong tình hình mới.

Ví dụ như công tác phối hợp giữa Cục phát hành kho quỹ của Ngân hàng Nhà nước với các đơn vị nghiệp vụ bảo vệ mục tiêu của Bộ Công an; giữa cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước với các đơn vị nghiệp vụ về phòng chống tham nhũng của Bộ Công an… Tùy chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị để đưa ra những nội dung phối hợp sâu hơn, đầy đủ hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai bên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao và hỗ trợ tốt cho công tác phối hợp mà liên ngành đã quy định cụ thể trong quy chế phối hợp đã đề ra.

Về lâu dài, ngành Ngân hàng cũng mong muốn có thể chia sẻ nhiều hơn những hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành với các CBCS Công an trực tiếp làm nhiệm vụ chuyên trách để phục vụ hiệu quả hơn công tác phối hợp giữa hai cơ quan, nhất là những hoạt động liên quan đến tiền tệ, tín dụng. Bởi khi có kiến thức chuyên sâu về tiền tệ, ngân hàng thì CBCS sẽ làm tốt hơn công tác giám sát, kiểm tra, điều tra xử lý những vụ việc liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ngân hàng với Bộ Công an.

Ngược lại, ngành Ngân hàng cũng rất cần được bổ túc, tập huấn hướng dẫn về một số nghiệp vụ của lực lượng Công an có liên quan đến hoạt động của ngành, như lĩnh vực bảo vệ mục tiêu kho tiền, các điểm giao dịch tiền mặt, các loại hình tội phạm khá phức tạp, hay xảy ra tại nhiều địa phương như trộm, cướp, tấn công các điểm giao dịch ngân hàng, các loại hình tội phạm mới về công nghệ thông tin…

Riêng đối với lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC), thời gian qua, ngành Ngân hàng đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của Bộ Công an. Tuy nhiên, để công tác này được thực hiện tốt hơn nữa, ngành Ngân hàng mong muốn được tập huấn kỹ hơn về kiến thức PCCC, trong đó có việc thực hành qua các buổi diễn tập về PCCC, cứu nạn cứu hộ… để giúp đội ngũ cán bộ ngân hàng có nhận thức đầy đủ hơn, qua đó làm tốt hơn nữa công tác PCCC ở đơn vị mình.

PV: Gần 1.200 ngôi nhà nhân ái cho người nghèo đã được xây dựng ở một địa bàn khó khăn nhất cả nước. Đây chính là việc làm ý nghĩa, ghi dấu sự phối hợp liên ngành trong các hoạt động an sinh xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an như thế nào trong việc triển khai xây nhà, sửa chữa nhà cho hộ nghèo tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên?

Ông Đào Minh Tú: Một trong những mặt công tác được ngành Ngân hàng đặc biệt coi trọng đó là công tác an sinh xã hội. Mỗi năm, toàn ngành Ngân hàng đều dành nguồn kinh phí từ các TCTD cũng như nguồn tiền đóng góp của cán bộ, người lao động qua hệ thống công đoàn cho hoạt động an sinh xã hội để tài trợ cho các vùng sâu, vùng xa, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ tích cực cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mang lại lợi ích thiết thực, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Từ năm 2012 đến nay, toàn ngành Ngân hàng đã hỗ trợ trên 9.000 tỷ đồng, tập trung vào xây nhà ở cho người nghèo, trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn… trong đó, đã tài trợ trên 10.000 căn nhà ở cho hộ nghèo tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.

Ngành Ngân hàng đánh giá rất cao sự phối hợp của ngành Công an với các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong thực hiện chủ trương hỗ trợ người nghèo, xóa nhà dột nát ở nhiều địa bàn còn khó khăn, góp phần hỗ trợ người dân, người đồng bào dân tộc thiểu số bám đất, bám bản, yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống. Điển hình là chương trình xây nhà ở cho người nghèo tại huyện Mường Nhé, Điện Biên, đây là điểm cực Tây Tổ quốc – một trong những địa bàn thuộc diện khó khăn bậc nhất của cả nước, từng là “điểm nóng” về ANTT.

Có được thành quả rất tốt ấy là nhờ vào công tác tổ chức, triển khai thực sự hiệu quả của Bộ Công an, thông qua sự chỉ đạo từ Bộ xuống Công an các tỉnh, thành phố. Đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao, trực tiếp xuống tận cơ sở nắm tình hình, nghe báo cáo, từ đó đưa ra những quyết sách, chỉ đạo sát với thực tế của đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Với ngành Ngân hàng thì trực tiếp là đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và tôi, cùng đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cũng tham gia các chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên và có những quyết định đúng, trúng trong công tác hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách ở huyện Mường Nhé.

Từ chủ trương nêu trên, Tỉnh ủy, UBND, chính quyền cơ sở, Công an tỉnh Điện Biên đã triển khai rất nhanh, rất trúng thông qua những nguồn lực đóng góp của ngành Ngân hàng với số tiền khoảng 50 tỷ đồng, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân, kết quả, chúng ta hoàn thành gần 1.200 ngôi nhà mới dành cho người nghèo. Chương trình được thực hiện vừa hiệu quả cả về kinh tế, xã hội, chính trị và hơn hết được đến đúng địa chỉ, đối tượng, chìa khóa trao đúng đến tay người nghèo. Nhờ có những chương trình thực tế, ý nghĩa nêu trên mà người dân nghèo có được ngôi nhà khang trang hơn, đảm bảo cuộc sống “an cư lạc nghiệp”. Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc có trách nhiệm rất cao, rất hiệu quả và quyết liệt của ngành Công an.

PV: Bộ Công an đang phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan để tiếp tục triển khai, nhân rộng việc hỗ trợ xây nhà cho người nghèo ra các địa bàn khó khăn trên cả nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ đồng hành với chương trình nêu trên của Bộ Công an như thế nào?

Ông Đào Minh Tú: Từ những kết quả tích cực, sự chuyển biến rõ nét về an ninh chính trị, về kinh tế-xã hội đạt được từ chương trình tại Mường Nhé vừa qua, được biết, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển khai các chương trình mới tại các địa bàn như Nậm Pồ (Điện Biên), Vân Hồ (Sơn La) và một số huyện khó khăn khác ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong điều kiện nguồn lực có được, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành với những chương trình tiếp theo cùng với Bộ Công an lan tỏa những việc làm ý nghĩa, nhân văn này. Liên ngành Công an – Ngân hàng sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú!

A.Hiếu – Ch.Thắng/CAND

Đọc nhiều