Gồng mình với những thứ tăng cao “chưa từng có” giữa khủng hoảng

LS Lê 18/10/2022 14:06

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga – Ukraine, nhiều quốc gia trong đó có Hàn Quốc đang phải gồng mình dưới sức nặng của giá điện tăng cao kỷ lục chưa từng thấy. 

Hiện nay, công ty điện lực Hàn Quốc đã nâng giá điện cơ sở thêm một lần nữa trong tháng 10 sau khi thua lỗ nặng nề trong nửa đầu năm 2022. Giá điện mỗi kilowatt giờ tăng 17,3% với khách hàng doanh nghiệp và 6,8% với khách hàng cá nhân. Đây là đợt nâng giá điện thứ 2 tại Hàn Quốc trong năm nay, điều này đồng nghĩa giá điện trung bình hiện nay cao hơn 17,9% so với cuối năm ngoái và ghi nhận mức tăng cao nhất từ năm 1980.

Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp nhà nước Hàn Quốc buộc phải nâng giá điện chính là giá các tài nguyên thiên nhiên tăng cao. Cùng lúc đó, đồng Won giảm giá sâu so với đồng USD và hiện đang ở ngưỡng thấp nhất trong 13 năm, chi phí nhập khẩu năng lượng tăng mạnh. Việc tăng giá điện trong năm nay sẽ khiến cho doanh nghiệp lớn như Samsung và Electronics phải mất thêm hàng trăm triệu USD cho sản xuất. Nếu tính tổng lượng điện mà Samsung tiêu thụ trên toàn thế giới, con số này tương đương với mức tiêu thụ của khoảng 8 triệu gia đình.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại nhà máy điện hạt nhân tại quận ven biển Uljin, cách thủ đô Seoul 330 km về phía đông nam. Ảnh: Yonhap

Theo Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc, đơn giá điều chỉnh phí nhiên liệu áp dụng với tiền điện quý III/2022 (tháng 7-9) được nâng thêm 5 won/kWh. Với điều chỉnh này, một hộ gia đình 4 thành viên sử dụng 307 KW/tháng sẽ phải đóng thêm khảng 1.535 won (1,18 USD) tiền điện mỗi tháng.

Tuy nhiên, để giảm nhẹ gánh nặng tiền điện cho tầng lớp yếu thế, trong vòng từ tháng 7-9, thời điểm nắng nóng cao điểm mùa hè, KEPCO sẽ nâng hạn mức giảm giá lên 40% cho khoảng 3,5 triệu hộ gia đình, bao gồm người tàn tật, người có công, hộ nghèo và cận nghèo. Theo đó, các hộ này sẽ có thể được giảm tối đa 9.600 won (7,4 USD) tiền điện/tháng.

Sang quý IV, từ ngày 1/10, các hộ gia đình ở Hàn Quốc sẽ phải trả nhiều tiền hơn để sử dụng điện. Trước đó, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc đã thông báo rằng giá điện sẽ tăng 2,5 won / kilowatt giờ trong quý 4. Trước đó, chính phủ Hàn Quốc đã thông báo tăng thêm 4,9 won trong tháng 10, nên tổng cộng giá điện sẽ tăng 7,4 won.

Từ đầu 2022 đến nay, Hàn Quốc đã tăng giá điện 2 lần liên tiếp

Cũng giống như Nhật, Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu, chính vì vậy Hàn Quốc cố gắng giữ giá điện ở mức thấp để có thể kích thích các ngành công nghiệp phát triển. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) giá điện tại Hàn Quốc năm 2021 tương đương khoảng 60% giá điện tại Nhật, thấp hơn giá điện tại Đức, Anh và Pháp.

Cùng với giá điện, giá gas cũng tăng tăng thêm 1,11 won/MJ (megajun) từ ngày 1/7. Theo đó, giá gas sinh hoạt sẽ tăng 7%, giá gas kinh doanh có mức tăng từ 7,2 đến 7,7%. Bình quân 1 gia đình tại Thủ đô Seoul sẽ phải đóng thêm khoảng 2.220 won (1,71 USD)/tháng.

Từ lúc xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất gặp khó khăn trong việc bình ổn giá năng lượng. Đối chiếu với các nước trong khu vực, Thái Lan, Indonesia và Philippines đã tăng giá điện cao gấp 2-2,5 lần thời điểm cuối năm ngoái. Thậm chí cả những quốc gia sở hữu nguồn điện hạt nhân ổn định, như Đức, Anh và Pháp, cũng không thể tránh khỏi “bão giá điện”.

Tuy vậy, Việt Nam là nước duy nhất trong khối ASEAN cam kết không tăng giá điện trong năm 2022. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia có mức giá điện bình quân thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực. Thậm chí, giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 51% so với Philippines – quốc gia có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kW).

LS Lê

Đọc nhiều