Gói an sinh chưa từng có tiền lệ: Liều thuốc trợ lực kịp thời cho hàng chục triệu người dân

Văn Dân 10/04/2020 16:19

Với phương châm “cứu người như cứu hỏa”, “phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”, ngày 1/4 tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, gói hỗ trợ chưa có tiền lệ cho hàng triệu người trong đại dịch chính thức được ‘trình làng’. Chỉ 7 ngày sau, một phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được tổ chức nhanh gọn trong sáng ngày 8/4 để chốt thông qua. Chưa đầy 24h sau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chính thức ký Nghị quyết về Gói an sinh 62.000 tỉ đồng.

Nhiều người đánh giá đây là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Bởi giải pháp vốn không có trong mọi kế hoạch này không chỉ là “một miếng khi đói bằng một gói khi no” là liều thuốc trợ lực kịp thời cho hàng chục triệu người lao động đang phải hứng chịu hệ lụy của dịch. Mà còn là thông điệp, sự khẳng định rõ cam kết một “Chính phủ hành động”, nhân văn, không để ai bị bỏ lại vì đại dịch.

Những ngày đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi chốn, mọi nơi, mọi cá nhân, ngành nghề. Không chỉ là những người buôn thúng bán bưng, những gánh hàng rong, những người bán vé số dạo, mà còn hàng triệu những mảnh đời lao động khác đang trở nên bấp bênh, thậm chí nguy khốn vô cùng khi bỗng chốc rơi vào cảnh thất nghiệp, giảm lương. Covid-19 càng “bành trướng”, càng hoành hành thì những con số đau đớn cũng ngày càng gia tăng. Hàng triệu con người chìm trong những kỳ nghỉ tết tưởng chừng như dài bất tận, trong lòng chỉ ngập những nỗi âu lo, thấp thỏm rằng “mình, gia đình mình sẽ sống ra sao, cầm cự thế nào trong cơn bĩ cực này?”. Cuộc sống vốn dĩ đã bấp bênh, càng trở nên bấp bênh hơn. Nhưng âu lo chừng đấy chưa hết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, cái đói, cái nghèo, thất nghiệp dễ dẫn đến túng quẫn làm liều, tội phạm gia tăng trật tự xã hội bị đe dọa.

Chung tay hiện thực hóa Lời kêu gọi của Thủ tướng cùng đạo lý nhân văn muôn đời nay của dân tộc “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, những ngày qua trên khắp mọi miền đất nước đã thắp sáng những ngọn lửa ấm áp tình người. Những sự chia sẻ ấy thật đáng quý, đáng trân trọng, thật ý nghĩa trong thời điểm nguy nan này. Nhưng đó, mới chỉ là những hòn đá nhỏ ném xuống biển hồ, cần hơn cả lúc này là gói hỗ trợ lớn và trực tiếp của Chính phủ để “rót” cho cả triệu người nghèo, doanh nghiệp khó trên cả nước!

Và, như ‘nắng hạn gặp mưa rào’, những âu lo thấp thỏm ấy bây giờ có lẽ sẽ vơi bớt đi ít nhiều khi Gói an sinh 62.000 tỉ đồng chính thức được thông qua. “Chén cơm cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu”. Số tiền hỗ trợ có thể không quá lớn, thậm chí chưa là gì nếu nhìn sang các nước khác. Nhưng trong bối cảnh bốn bề khó khăn, ngân sách eo hẹp như hiện nay, gói hỗ trợ này đã là nỗ lực chưa từng có tiền lệ, mang tính cấp bách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành cho người dân, doanh nghiệp trong cơn hoạn nạn. Trên hết, như ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá thì, ‘đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ trong lịch sử, thể hiện tính nhân văn, tương thân tương ái, thiết thực của nhà nước Việt Nam với nhân dân”.

Lo cho dân, nghĩ cho dân, chăm lo hết sức cho đời sống nhân dân – tư tưởng nhân văn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đang hiện hữu trọn vẹn trong mọi quyết sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Mà thực ra không phải đến tận bây giờ, trong rất nhiều cuộc họp thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần đau đáu đến thực tế dịch bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống của những người yếu thế trong xã hội. Một tư lệnh ngành chia sẻ, ngành ông tuần qua phải họp xuyên suốt “bục mặt, mờ mắt”, và Chính phủ cùng một số thành viên vừa họp lo “dập dịch”, vừa lo bàn sửa cho nhanh ra được dự thảo Nghị quyết an sinh. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì “người dân không thể chờ đợi thêm được nữa”. Thế nên khi công cuộc chống cuộc chống dịch còn bộn bề gian nan. Nhịp sống xã hội thời giãn cách xã hội có thể chậm lại, nhưng những quyết sách vì sự an sinh của cộng đồng càng được tăng tốc, càng quyết liệt hơn. Sự nghĩ cho dân, lo cho dân ấy – người dân chắc chắn thấu hiểu.

Bởi như đánh giá về tính nhân văn và kịp thời của chính sách này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã chia sẻ: “Dân gian ta có câu “Hoạn nạn mới biết lòng nhau, nhà nghèo mới hay con thảo”. Và những việc làm của Chính phủ, những chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác điều hành đối phó với “giặc dịch” cho đến nay vừa minh chứng cho một tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” của con người Việt Nam, vừa cho thấy một Chính phủ, Nhà nước vì dân, do dân luôn hiện hữu”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có khoảng 20 triệu đối tượng thuộc các nhóm được thụ hưởng gồm: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính, được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1.4.2020.

Văn Dân

Đọc nhiều