Lộng ngôn như Madame Nhu mà bày đặt vặn vẹo “gốc cây gì”

Hàn Nguyên 28/01/2021 17:40

Ngày trước, có đôi lần tôi đọc những câu chuyện về bà Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu, nên người ta hay gọi là Madame Nhu. Sở dĩ có cái tên đậm chất “tây” như thế bởi Madame Nhu du học Pháp từ nhỏ, rành ngoại ngữ đến mức ông John Mecklin từng kể bà Nhu có cái biệt tài nói chuyện “như súng liên thanh nổ bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh”. Và cũng theo các giai thoại thì Madame Nhu “nói tiếng Pháp sõi hơn nói tiếng mẹ đẻ”.

Chân dung “Madame Nhu” Trần Lệ Xuân.

Quả thật Madam Nhu sinh thời “trứ danh” nhất không bằng mấy hoạt động vốn cũng chẳng đẹp đẽ gì, mà là nhờ những phát ngôn mà người Việt Nam chỉ còn biết… á khẩu. Như cách mà bà Cố (tức bà Cố vấn Xuân) đã mô tả hành động tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức phản đối đàn áp Phật giáo là… “barbecue” (thịt nướng).

“Họ [giới chức Phật giáo] đã đem nướng một ông sư của mình…” (“They have barbecued one of their monks…”)

“Nếu các lão sư muốn có thêm thịt nướng, tôi sẽ cho họ xăng và que diêm” (“if the Buddhists wish to have another barbecue, I will be glad to supply the gasoline and a match”), bà Cố trả lời phỏng vấn như thế.

Sau cuộc đảo chính mất chồng, Madame Nhu sống lưu vong ở nơi mà bà ta có cảm giác như ở nhà hơn là quê cha đất tổ. Ngày đất nước giải phóng, có mấy vị “quốc hận” cũng như bà Cố ôm con bỏ chạy, và lột luôn cái quốc tịch Việt Nam. Ngót ngét cũng đã hơn 75 năm, nên cũng không cần dè dặt mà bảo mấy nhà “phục quốc” và “quốc hận” gì đấy ngày nay hầu hết chẳng ai mang quốc tịch Việt Nam cả, và cũng chẳng phải quá mà bảo họ chẳng khác Madame Nhu là bao, vì có ở đất Việt ngày nào đâu mà đòi giỏi tiếng. Ấy vậy mà vẫn đòi bắt bẻ câu chữ của người Việt cơ đấy…

Ngày trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “lấy dân làm gốc”, nay mấy vị sõi tiếng Tây hơn tiếng mẹ đẻ như Madame Nhu lại đòi vặn vẹo “gốc cây gì?” À thế các vị muốn cái “gốc cây” dân tộc Việt là gốc cây chết khô lắm hay sao? Lại còn trưng cả ảnh gốc cây bị đốn làm “ảnh minh họa”, lòng “yêu nước” nồng nàn lắm thay…

Nhưng thôi, tôi xin trả lời luôn là ai mà chẳng muốn đất nước, dân tộc mình giàu mạnh, nên người Việt chúng tôi hiển nhiên tâm niệm mình là gốc cây đa, cây đề, đại thụ trường tồn. Nhưng cũng xin hỏi ngược lại là “gốc” của chính các vị là gốc cây gì? Mà thật ra là có không cái đã, vì tất nhiên đất nước bị các vị ngày ngày ra rả chửi rủa chẳng thể nào hân hoàn mà chào đón cái vị được. Thế gốc cây các vị đang nằm đâu?

Phải chăng các vị đang chọn cái gốc của mình ở mấy hiệp hội, tổ chức đang tung hê, rót tiền cho các vị nuôi mộng “phục quốc” viển vông? Loại gốc cây ấy, tôi e sẽ mau tàn như cây mai, cây đào trưng Tết. Ngày hết Tết, hoa rụng, mất giá trị lợi dụng rồi thì các vị nên sợ là mình cũng bị nhổ bỏ như trăm gốc mai đào cả thôi.

Có bài ca dao rằng:

Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn,

Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.

Người ta nguồn gốc từ đâu,

Có tổ tiên trước rồi sau có mình.

Ai chưa trả lời được gốc của mình ở đâu, thì cũng nên xem lại bản thân, trước khi lộng ngôn như Madame Nhu ngày trước.

HÀN NGUYÊN

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Đọc nhiều