Gò Vấp, một tuần trong tâm dịch!
Có ở Gò Vấp trong những ngày qua mới biết cái sự đi lại, sinh hoạt bình thường khi không giãn cách xã hội quý giá biết nhường nào, nhất là các liệu pháp giải tỏa tâm lý.
Thứ bảy, 5.6. Một tuần đi qua áp dụng theo Chỉ thị 16, gần 700.000 người dân ngụ ở 186 khu phố thuộc Q.Gò Vấp (TP.HCM) vẫn cố gắng an nhiên trong sự hồi hộp, dần quen với quỹ đạo… cách ly. Tôi cũng nằm trong số ấy, để cùng mọi người vượt qua đại dịch!
Tĩnh lặng và… xôn xao!
Buổi sáng, lúc 6 giờ 30. Cậu bán bánh mì như thường lệ lại chạy chiếc xe máy cà tàng liệng vào trong hẻm, rao lanh lảnh: “Bánh mì bơ sữa năm ngàn một ổ đê…ê…ê”. Biết rằng, đêm qua khu phố mình vẫn yên bình, như câu nhại khá thú vị mấy ngày qua “y tế phường chưa đến để giăng dây”!
Đúng vậy, tâm thế ấy hầu như đang “ngự trị” trong tâm trí mỗi người dân Gò Vấp trước mỗi buổi tối đi ngủ. Nhất là mấy ngày sau khi chính quyền “bốc” một số lượng lớn dân chúng các phường đi lấy mẫu xét nghiệm vào ban đêm, ai cũng hồi hộp, không biết rồi khu phố mình có kết quả ra sao.
Nhưng, trải nghiệm chộn rộn của vài ngày đầu khi cách ly toàn quận rồi cũng qua đi. Những í ới xôn xao hỏi han nhau về công việc, đi lại, làm ăn kinh doanh, lương thực nhu yếu phẩm… đã vào khuôn nếp. Mọi người hầu như lui về “sống chậm”. Mỗi nhà, mỗi người một cách tìm ra phương thức tiêu thụ thời gian trong vòng nửa tháng. Những người ở các phường giáp ranh vẫn thường quen với việc đi bộ mỗi sáng ra công viên Làng Hoa nằm trên địa bàn P.8, bây giờ phải thay đổi cách tập luyện, vận động tại nhà trong mùa dịch. Lũ trẻ trong xóm mỗi chiều chỉ dạo ra giữa hẻm tung chân đá banh vài lượt, hay vạch phấn đánh cầu lông thi điểm theo sự hướng dẫn của cha mẹ. Rồi sau đó, các con hẻm trở lại tĩnh lặng!
Nhưng khi “lui về” như thế, một thế giới xôn xao trên mạng mở ra. Vì nhiều thời gian rảnh, nên tin tức cập nhật trên các trang báo điện tử và mạng xã hội hầu như ai cũng thuộc làu, vanh vách. Từng phút từng giây, những tin nhắn hỏi han nơi này nơi nọ cứ liên tục nhấp nháy màn hình điện thoại và truyền cho nhau.
Hai ngày đầu (31.5 và 1.6), 10 chốt chặn ra vào quận ùn ứ, lực lượng thực thi công vụ mướt mồ hôi loay hoay xoay xở và biểu hiện rõ sự lúng túng. Hai ngày tiếp theo (2 và 3.6) tình hình ở các chốt chặn đã ổn hơn, nhưng tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ập vào các kênh cài đặt khiến ai nấy đều lo lắng bảo nhau: Sài Gòn phát hiện nhiều ca nhiễm quá. Hai ngày cuối tuần (4 và 5.6), cột thông báo số lượng người nhiễm tại TP.HCM giảm dần, gieo cho mỗi người bao hy vọng!
UBND Q.Gò Vấp cũng đã kịp thời lập trang web thông tin về dịch bệnh và khuyến khích người dân khai báo y tế tại nhà. Nhất cử nhất động trên địa bàn 16 phường thuộc quận được chuyển tải đến mọi công dân. 1.436 tổ dân phố cho đến từng khu phố cũng thiết lập và kết nối các ứng dụng để mọi người đều được biết thông tin về những điểm phong tỏa, những nơi không được di chuyển và nơi không nên đến gần. Tất cả đã nhanh chóng, nhịp nhàng hơn và dấu ấn sẻ chia đó khiến mỗi ngày trong vùng cách ly bớt dài hơn!
Liệu pháp giải tỏa tâm lý
Có ở Gò Vấp trong những ngày qua mới biết cái sự đi lại, sinh hoạt bình thường khi không giãn cách xã hội quý giá biết nhường nào, nhất là các liệu pháp giải tỏa tâm lý. Vì thế, những thông tin tích cực nơi này nơi nọ và lời nhắn hỏi của người quen như trở thành luồng gió mát lành. Vì vậy, câu chuyện ở một con hẻm P.Tân Hưng Thuận (Q.12) với chủ đề “Trồng táo xanh, đẩy nhanh Covid”, giao cho các hộ dân 12 chậu táo lùn Mỹ trong thời gian phong tỏa cách ly, kể cả cung cấp phân bón để chăm sóc trong 20 ngày, mỗi ngày đều cập nhật hình ảnh lên Zalo, rồi sẽ tổ chức chấm giải trao thưởng, đã trở thành một câu chuyện thú vị cho mọi người chuyền tay nhau. Hoặc biết bao câu chuyện rất đẹp khác lan truyền trên mạng đã giúp cho nhiều người giải tỏa ức chế tâm lý.
Đêm 4.6, vào lúc dần về khuya, tôi nhận được một tin nhắn qua Zalo của một cựu chiến binh hiện đang làm công tác mặt trận ngay tại khu phố mình cư ngụ. Những bức ảnh kèm tin nhắn ấy khiến cho giấc ngủ êm hơn mọi bận. Đó là bà con bị phong tỏa ngụ ở một con hẻm ở số 1180 đường Quang Trung, thuộc một khu phố kế cận, được nhiều nhà hảo tâm và UBND phường chăm sóc bằng đủ thứ nhu yếu phẩm. Một chiếc bàn để ở ngay đầu hẻm, bên cạnh chốt chặn với đủ thứ bà con cần cho bữa ăn hằng ngày. Ai thiếu thứ gì thì ra lấy, để có thêm chút dinh dưỡng phòng dịch. Xem và biết rằng, bà con nơi đó đã có thể an nhiên sống cho hết thời gian cách ly.
Cứ thế, mỗi ngày lượng thông tin tích cực khắp mọi ngóc ngách trong thành phố song hành với những con số từ dịch Covid-19 ở Sài Gòn có dấu hiệu giảm dần cho thấy sự chung sức chung lòng đã có hiệu quả. Bản tin tổng kết số ca nhiễm chỉ rõ dấu hiệu ấy của một nhà báo đồng nghiệp đang ở TP.Thủ Đức hiển thị trên trang cá nhân vào lúc 6 giờ sáng ngày 5.6 được chia sẻ khá nhiều, kèm với những comment như “Sài Gòn ơi cố lên!”, “Hy vọng cho ngày mới”, “Mọi người hãy gắng lên chút nữa”…, đã tiếp thêm sức cho hành trình chống dịch cam go, phức tạp của mọi người. Từ bước đầu gây nhận thức, nay đã lan truyền và chuyển sang thái độ nhận thức thấu đáo trong mỗi công dân TP.HCM.
Vĩ thanh!
Tôi, cũng như bao người dân ở quận này, biết rằng sẽ đối diện với bao điều bất tiện kể từ trưa 30.5, khi lãnh đạo thành phố quyết định cách ly Q.Gò Vấp theo Chỉ thị 16. Thế nhưng, hầu như ai cũng nhận định rằng đó là một quyết định sáng suốt. Cho dù, với diện tích tự nhiên của quận lên đến 19,73 km2, khoảng cách nhiều nơi thuộc Q.Gò Vấp đến ổ dịch phát hiện hôm 28.5 ở con hẻm đường Nguyễn Văn Công tại P.3 khá xa, nhưng việc tuân thủ một quyết định như vậy của chính quyền là rất cần thiết. Đó là chưa kể, sự lây lan phát tán dịch bệnh và số người nhiễm Covid-19 trong phạm vi Q.Gò Vấp trong một tuần qua so với toàn thành phố luôn ở mức cao hơn hẳn. Mặt khác, với số lượng dân là 676 ngàn người, cao thứ ba so với các quận, huyện trong thành phố, và mật độ dân số dày đặc (34.300 người/km2), với 54 con đường lớn nội quận và xuyên qua các quận khác, cho nên việc mỗi người tự ý thức trước dịch bệnh là một điều vô cùng quan trọng để cùng thành phố đẩy lùi Covid-19.
Với những gì diễn ra trong một tuần đầu tiên, tôi vẫn cho rằng nỗ lực tự thân của mỗi người dân hy vọng sẽ góp phần vào hiệu quả chặn dịch của thành phố. Tinh thần ấy của người Sài Gòn nói chung và người dân Q.Gò Vấp nói riêng, như bao lần gặp phải khó khăn, tin rằng sẽ tỏa sáng hơn, nhất là vào lúc này. Đó là nội lực, cũng là niềm tin để chúng ta cùng nhau đi hết chặng đường cách ly, phong tỏa trong những ngày tới…
Trần Thanh Bình