“Gõ cửa” xin gia nhập hiệp định CPTPP, Trung Quốc đang tính toán điều gì?
Giới quan sát đã chỉ ra những tính toán khác nhau đằng sau việc Trung Quốc trong tuần này chính thức đệ đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ngày 16/9, Trung Quốc thông báo đã chính thức đệ đơn gia nhập CPTPP – một hiệp định tự do thương mại vốn do Mỹ lập ra trong một nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, song cuối cùng Mỹ lại rút khỏi thỏa thuận.
Theo Bloomberg, quyết định đệ đơn gia nhập này là kết quả của nhiều tháng thảo luận ở sau hậu trường của giới chức Trung Quốc với một số nước thành viên TPP sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái tuyên bố, Trung Quốc muốn tham gia vào hiệp định.
Với quyết định này, Trung Quốc là nước thứ hai đệ đơn gia nhập hiệp định có 11 thành viên. Đầu năm nay, Anh cũng đã đệ đơn gia nhập và được chấp thuận bắt đầu quá trình đàm phán.
Mục tiêu của Hiệp định CPTPP là việc thành lập Khu vực thương mại tự do bao gồm 11 quốc gia khu vực Thái Bình Dương – Australia, Brunei, Việt Nam, Canada, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Chile và Nhật Bản.
Tại cuộc họp báo ngày 18/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh, Trung Quốc ủng hộ tự do hóa thương mại và tham gia vào hợp tác, hội nhập ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việc Trung Quốc đệ đơn gia nhập một lần nữa cho thấy quyết tâm mở cửa và thúc đẩy hợp tác khu vực“.
Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP chỉ một ngày sau khi Mỹ, Anh và Australia thông báo thỏa thuận an ninh quốc phòng (gọi tắt là AUKUS), một thỏa thuận được cho là nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng, nếu trở thành thành viên của CPTPP, Trung Quốc sẽ có một số đòn bẩy địa chính trị bằng cách tạo ra sức mạnh kinh tế đối trọng với liên minh quân sự. Nói cách khác, theo New York Times, đây là cách để Trung Quốc thu hút các đồng minh truyền thống của Mỹ vào quỹ đạo kinh tế của họ.
Theo New York Times, nếu gia nhập thành công, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất trong số các thành viên CPTPP và đó sẽ là bước đi quan trọng để quốc gia này tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sau Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trước đó, ông Gao Lingyun, chuyên gia thuộc Học Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, bình luận với Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) rằng, quyết định xin gia nhập CPTPP là một bước đi quan trọng đối với sự tham gia của Trung Quốc trong việc thiết lập các thỏa thuận kinh tế, thương mại. Chuyên gia Gao nói, nó có thể giúp Trung Quốc có vị thế tốt hơn trong việc quyết định các quy tắc thương mại trong tương lai.
“Đây là một tính hợp lý của Trung Quốc. Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế thế giới hiện nay, họ đang có một ưu thế lớn“, Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế ở Brussels, nhận định.
Ngoài ra, trang SCMP dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, quyết định của Trung Quốc có thể gây sức ép với Mỹ phải thúc đẩy chiến lược thương mại ở châu Á – Thái Bình Dương bằng cách gia nhập trở lại CPTPP hoặc lập một hiệp định mới ngang tầm.
Hiện chưa rõ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có quyết định quay trở lại hiệp định hay không, nhưng Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 16/9 bình luận: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các quốc gia khác trong khu vực về các mối quan hệ, đối tác kinh tế, và nếu có cơ hội đàm phán, chúng tôi có thể tham gia“.
Theo SCMP, những khó khăn nhất định có thể nảy sinh trên con đường gia nhập CPTPP của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ không vội trở lại Hiệp định – tình cảm chống toàn cầu hóa quá mạnh mẽ trong xã hội Mỹ – họ có thể cố gắng gây áp lực lên các đồng minh của họ, đặc biệt là Nhật Bản và Úc, để các nước này làm chậm lại quá trình Trung Quốc gia nhập CPTPP.
Hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết rằng, Nhật Bản và các nước CPTPP khác sẽ thảo luận về nỗ lực tham gia Hiệp định của Trung Quốc. Ngoại trưởng Nhật Bản nhấn mạnh rằng, các bên tham gia CPTPP sẽ xem xét hồ sơ của Trung Quốc có đáp ứng đầy đủ các quy định nghiêm ngặt cho quan hệ đối tác kinh tế hay không.
Theo SCMP, trong trường hợp tham gia CPTPP, Trung Quốc sẽ phải chấp nhận toàn bộ các điều khoản của Hiệp định. Trong đó có các yêu cầu xây dựng quan hệ lao động hài hòa có tính đến Tuyên bố ILO về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc (1998). Hiệp định CPTPP cũng đưa ra các yêu cầu đối với mua sắm công, đối với các doanh nghiệp nhà nước, đối với việc trợ cấp các công ty và ngành, đối với thương mại điện tử và trao đổi dữ liệu xuyên biên giới.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc trở thành thành viên đầy đủ giá trị của CPTPP, cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu rõ ràng sẽ dịch chuyển về phía Trung Quốc. Hiện nay CPTPP có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm hơn 13% GDP toàn cầu. Nếu thêm RCEP vào đó thì có thể nói rằng, Trung Quốc sẽ là thành viên của các khu thương mại tự do chiếm gần một nửa GDP toàn cầu.
Trang Bloomberg nhấn mạnh, đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc cho thấy tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp ở châu Á, nơi Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn nhất và là đối tác thương mại chính của nhiều quốc gia, song sự cạnh tranh với Mỹ ngày càng gay gắt. Australia, Singapore, New Zealand, Nhật Bản đều là thành viên của CPTPP, là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng cùng với Trung Quốc, các nước này cũng là thành viên của RCEP.
Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan hôm 17/9 cho biết, nước này sẽ phản đối việc Trung Quốc gia nhập CPTPP cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt các đòn tấn công thương mại nhằm vào Australia và tuân thủ các cam kết trong hiệp định một cách thiện chí.
Bảo Trâm (Theo SCMP, New York Times, Bloomberg)