8
category
294780

Giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, tiếp cận bản bị cô lập

05/08/2019 07:25

Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã liên tục xảy ra mưa to kéo dài, gây ngập úng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở nhiều địa phương, nhất là trên địa bàn các huyện miền núi.

Tính đến 9h ngày 4-8, trên địa bàn các huyện Quan Sơn, Quan Hoá và Mường Lát đã xảy ra 48 điểm sạt lở, 2 điểm bị ngập úng gây ách tắc giao thông, nhiều xã bị cô lập do nước lũ. Riêng huyện Mường Lát đến thời điểm này đã bị cô lập hoàn toàn.

Lực lượng Công an di chuyển phương tiện tổ chức tìm kiếm người mất tích.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Giám đốc Công an tỉnh đã có điện chỉ đạo các đơn vị đặc biệt là Công an các huyện miền núi và địa bàn xung yếu tập trung lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia phối hợp ứng phó và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Tại huyện Quan Sơn, ngay sau khi xảy ra trận lũ ống khiến nhiều bản bị cô lập, Giám đốc Công an tỉnh đã điều động lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nhanh chóng có mặt tại hiện trường phối hợp lực lượng Công an huyện, quân đội, biên phòng, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức tìm kiếm, cứu nạn và giúp dân sơ tán, di dời tài sản từ khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.

Đồng thời, tổ chức lực lượng, bố trí các tổ, chốt tuần tra, hướng dẫn giao thông tại các điểm xung yếu để cảnh báo và hỗ trợ người dân tránh xa khu vực nguy hiểm.

Có mặt tại các bản vùng sâu, vùng xa của huyện Quan Sơn từ 3-8, Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá cùng đồng đội như con thoi giữa muôn trùng nước lũ vào tận các bản xa nhất, khó khăn nhất như bản Bo, bản Sa Ná…. Lãnh đạo hay chiến sỹ đều như nhau, ướt, mệt, không có thời gian nghỉ ngơi, chỉ chú trọng làm sao để giúp được người dân nhiều nhất, nhanh nhất có thể.

2 chiếc mô tô nước – phương tiện duy nhất có thể vượt sông Luồng để vào các bản chạy hết công suất suốt 2 ngày qua. Hết vận chuyển lương thực, nước uống, thuốc men đến đưa lực lượng cứu hộ vào bản và đưa người dân từ bản ra ngoài. Những cơn nước dữ đỏ ngầu cứ ào ào đổ từ thượng nguồn xuống như muốn cuốn phăng tất cả.

Nhưng CBCS lái mô tô vẫn vững tay, không dám nửa giây lơi lỏng. Khi có tin cảnh báo lũ về, bà con đã chủ động di chuyển đến nhà văn hóa thôn (là điểm cao nhất trong bản) để tránh trú. Tuy nhiên, do nước lũ quá lớn đã tràn cả vào nhà văn hóa khiến nhiều người bị nước lũ cuốn đi.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tổ chức tìm kiếm người mất tích.

Tại một số bản có nguy cơ sạt lở cao, lực lượng Công an đã trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức sơ tán. Đồng thời lực lượng Công an cũng có phương án đảm bảo ANTT và bảo vệ tài sản cho nhân dân vùng lũ lụt.

Thượng tá Hoàng Chí Đăng, Trưởng Công an huyện Quan Sơn cho biết, ngày 2-8, Công an huyện đã ứng trực 100% quân số để sẵn sàng chống bão, lũ. Công an huyện được giao phụ trách chủ công 16/17 bản của xã Na Mèo (1 bản do lực lượng Quân đội đảm nhiệm) nên đã cử cán bộ trực tiếp ở trong bản cùng với nhân dân. Do hiện nay (chiều tối 4-8), nhiều bản vẫn chia cắt, thông tin liên lạc bị gián đoạn, CBCS vẫn bám trụ tại địa bàn để giúp đỡ nhân dân. Nhờ đó, CBCS Công an Thanh Hoá đã cùng các lực lượng cứu được nhiều người trong cơn lũ dữ.

Hiện trên địa bàn huyện Quan Sơn, nước lũ vẫn dâng cao và chảy siết nên công tác sơ tán và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Phân luồng, phân tuyến, đảm bảo an toàn cho người dân qua khu vực nước lũ.

Lực lượng Công an, y tế hiện vẫn đang tìm cách để tiếp cận bản Sa Ná, xã Na Mèo để hỗ trợ, giúp đỡ người dân bị mắc kẹt tại đây.

Với rất nhiều cố gắng, nỗ lực, lực lượng cứu hộ gồm Công an, biên phòng, y tế, dân phòng… đã tiếp cận được bản Sá Na – nơi vẫn bị nước lũ cô lập.

Qua thông tin sơ bộ, hiện bản Sa Ná có 5 người bị thương đang được các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn chữa trị, chăm sóc. Trong đó em Nguyễn Minh Lâm (Sn 2004) bị đa chấn thương đã được lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh dùng ca nô vượt 3km sông Luồng đưa ra ngoài.

Sau khi tiếp cận được bản Sa Ná, các lực lượng cứu hộ đã tổ chức cứu trợ và tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho nhân dân.

Dùng ca nô đưa người gặp nạn vượt sóng sang điều trị tại bệnh viện

Một người dân ở bản Sa Ná cho biết: Khi có tin cảnh báo lũ về, bà con đã chủ động di chuyển đến nhà văn hóa thôn (là điểm cao nhất trong bản) để tránh trú. Tuy nhiên, do nước lũ quá lớn đã tràn cả vào nhà văn hóa khiến nhiều người bị nước lũ cuốn đi.

Ông Lương Văn Chon (Sn 1968, ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) là người vừa được giải cứu đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn kể lại: Từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ thấy trận lũ nào lớn như vậy. Khi bị lũ cuốn trôi, tôi cố gắng vùng vẫy, khua tay bấu víu các thân cây ở giữa dòng. Lúc này tôi xác định chỉ có chết vì nước lũ to quá. Vừa đói, vừa rét, rất may sau đó tôi được các lực lượng chức năng giải cứu kịp thời.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đưa em Nguyễn Minh Lâm ra ngoài điều trị

Cũng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn, anh Hoàng Xuân Luyến (Sn 1974, ở bản Sa Ná) không kìm nén được nỗi đau đớn cho biết: Thời điểm xảy ra sự việc, tôi đưa vợ và 2 đứa con sang nhà anh trai tá túc. Đến lúc quay về nhà lấy bếp ga thì bất ngờ bị nước cuốn trôi cả nhà lẫn người. Trong cơn nguy kịch tôi cố gắng bám vào khúc luồng và bám chặt cành tre rồi bò lên bờ. Đến khoảng 10h có người tìm thấy và đưa tôi vào trạm xá. Anh cũng cho biết thêm: Vợ mình là Nguyễn Thị Tiến (Sn 1988) và 2 con nhỏ là Hoàng Hải Yến (18 tháng tuổi) và bé trai mới được 3 tháng tuổi hiện vẫn chưa liên lạc được.

Ông Phạm Văn Tiệu – Chủ tịch UBND xã Na Mèo, huyện Quan Sơn cho biết, hiện có khoảng 1.000 người thuộc nhiều lực lượng đang tổ chức tìm kiếm người mất tích và khẩn trương tiếp cận bản Sa Ná. Tuy nhiên, để vào được bản Sa Ná là hết sức khó khăn vì bản này nằm cách QL217 khoảng 7km.

Lực lượng Công an dung ca nô đưa nhân viên y tế, lực lượng cứu hộ vượt sông vào bản

Hiện tại do nước dâng cao nên muốn vào được bản Sa Ná phải sử dụng tàu cao tốc để vượt sông Luồng, sau đó tiếp tục đi bộ khoảng 5km đường rừng mới có thể đến bản. Chính vì thế, tối 3-8, một nhóm cứu hộ, cứu nạn khoảng 10 người đã vượt rừng vào đến Sa Ná nhưng chỉ đi được người không mà không thể mang theo được thiết bị cứu trợ hay lương thực, thuốc men gì khác.

Trước tình hình mưa lũ đang còn diễn biến phức tạp, các thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quan Sơn đã thường trực tại các địa bàn xã, khu vực xung yếu để chỉ đạo công tác phòng, chống và giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể xảy ra do lũ ống, lũ quét; tiếp tục huy động lực lượng phương tiện, thiết bị bố trí cắm tại các bản, trực chỉ huy, trực gác và xử lý sự cố, đồng thời cảnh báo, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống cấp bách xảy ra; tổ chức lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn những người mất tích còn lại.

Vận chuyển lương thực vào tiếp tế cho dân bản

Tại huyện Mường Lát có 38 điểm sạt lở gây ùn tắc giao thông, 1 trường học bị tốc mái, 7 nhà sân sập hoàn toàn, 29 nhà dân bị tốc mái. 3 xã  Nhi Sơn, Trung Lý, Mường Lý bị cô lập hoàn toàn với huyện Mường Lát. Huyện Mường Lát bị cô lập hoàn toàn với các địa phương lân cận.

Công an huyện Mường Lát đã huy động gần 100 lượt CBCS đến các địa bàn xung yếu để vừa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động vừa giúp nhân dân di tản đến nơi an toàn, vừa triển khai các phương án đảm bảo ANTT và tham gia tìm kiếm cứu nạn cứu hộ.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá trực tiếp chỉ đạo phòng chống lũ tại huyện Mường Lát và Quan Sơn, yêu cầu các lực lượng vũ trang thành lập các tổ công tác, bao gồm, Công an, Quân đội, Biên phòng, Y tế và người địa phương vượt sông Luồng mang theo lương thực, thuốc chữa bệnh tiếp tế cho các bản bị chia cắt, cô lập.

Đến chiều tối 4-8, huyện Mường Lát vẫn chưa thông xe, đặc biệt là QL 15C đoạn qua bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn do khối lượng đất đá, bùn đất từ phần ta luy dương trôi xuống rất lớn. Mặc dù mưa đã giảm, máy móc, phương tiện hoạt động hết công suất nhưng công tác giải tỏa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng cứu hộ tiếp tục băng rừng vào bản.

Ngoài ra, hiện vẫn còn một số điểm sạt lở nặng trên tuyến quốc lộ 15C đoạn qua các xã Pù Nhi (nặng nhất là km số 94 đoạn qua bản Hạ Sơn), Trung Lý (khu vực bản Táo, bản Khằm 1) vẫn chưa thể hoàn tất công tác giải tỏa để thông xe. Tuyến đường về thị trấn huyện Mường Lát vẫn bị chia cắt.

Cùng với Công an huyện Mường Lát, Quan Sơn, Công an các huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hoá như Quan Hoá, Bá Thước, Lang Chánh…Công an huyện cũng ứng trực 100% quân số, cùng chính quyền cơ sở tổ chức lực lượng, phương tiện như: thuyền, bè mảng để hỗ trợ người dân đi qua những khu vực lũ, lụt, phân luồng, phân tuyến đảm bảo ANTT, trật tự ATGT; cấm người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân…

(Theo Công An Nhân Dân)

Đọc nhiều