Giữa lùm xùm Shark Liên rời ghế, U70 bà Mai Thanh đấu thắng Trung Quốc

24/11/2019 07:43

Trịnh Văn Quyết, Mai Kiều Kiên, Trần Hùng Huy, Dương Ngọc Minh là những tên doanh nhân được quan tâm tuần qua.

Thắng kiện nhà thầu Trung Quốc hơn 2.000 tỷ

TAND TP Hà Nội vừa có quyết định về việc hủy hoàn toàn phán quyết trọng tài ngày 10/4/2019 của Hội đồng Trọng tài buộc Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) phải bồi thường số tiền hơn 2.163 tỉ đồng cho tổ hợp nhà thầu gồm Viện thiết kế Hydro China Huadong và Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18 Trung Quốc.

Dự án đã được tiến hành khởi công từ năm 2009 nhưng do chậm tiến độ, đã đội vốn từ giá trị đầu tư ban đầu là 5.744 tỉ đồng, đến năm 2015 điều chỉnh lên đến 7.408 tỉ đồng. Nhưng sau đó, phía đối tác Trung Quốc dừng công việc do cho rằng chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, còn Công ty Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh ngược lại cho rằng nhà thầu vi phạm nghiêm trọng hợp đồng do chậm trễ thi công.

Sau đó, nhà thầu Trung Quốc kiện VSH lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và tháng 4/2019 được VIAC tuyên thắng kiện, buộc VSH phải thanh toán và bồi thường 2.163 tỉ đồng.

Khi đó, bà Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) đơn vị mua cổ phần Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, cho biết: “Phía Trung Quốc có khả năng thắng kiện khá cao nhưng REE cũng quyết tâm không chịu thua vì đã tìm ra được các chứng cứ mới để lập luận nhà thầu này đã có những vi phạm pháp luật khi đầu tư tại Việt Nam”.

Trịnh Văn Quyết chơi lớn

Giới thiệu các thương hiệu mới trong hệ sinh thái của tập đoàn, ông Trịnh Văn Quyết Chủ tịch Tập đoàn FLC cho hay: “Giả sử tôi bỏ ra 1.500 tỷ đồng mua lại cổ phiếu FLC thì cổ phiếu FLC sẽ gấp 10 lần bây giờ. Giống như nhiều doanh nghiệp nhà nước, bây giờ cổ phần hoá, ví dụ vốn 5.000 tỷ nhưng tỷ lệ ra ngoài chỉ 5% hoặc 2%, thì cổ phiếu đều đạt được 3 chữ số”.

“Tương tự với FLCHomes, nếu tỷ lệ sở hữu bên ngoài chỉ 10% thì giá cổ phiếu này có thể đạt 3 chữ số, tức là hơn 100.000 chứ không phải 35.000 đồng như giá chào sàn. Hiện tập đoàn cũng như các cá nhân đang cam kết sở hữu 90% FHH, chỉ 10% cho cán bộ nhân viên thôi”, ông Quyết giải thích thêm.

Tỷ phú Việt trong cuộc đua hàng không

“Khi nào bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì ít nhất 150.000 đồng mỗi cổ phiếu chúng tôi mới bán. Tôi tin giá cổ phiếu FHH của FLCHomes và BAV của Bamboo Airways có thể đạt 3 chữ số trong năm 2020”, ông Quyết nói.

Nữ tỷ phú chèo lái Vinamilk

Sau một thập kỷ phát triển với tốc độ vũ bão, lãi hàng ngàn phần trăm trong vòng 10 năm qua cổ phiếu Vinamilk (VNM) của CTCP Sữa Việt Nam chịu áp lực giảm trong thời gian gần đây. So với đỉnh cao 170 ngàn đồng/cp (giá điều chỉnh) cách đây khoảng 2 năm, cổ phiếu VNM đã giảm khá nhiều. Hiện đang ở vùng 120-125 ngàn đồng/cp.

Áp lực giảm giá diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp của bà Mai Kiều Liên vẫn có nhiều hoạt động tích cực và kết quả kinh doanh cũng như nhiều danh hiệu tốt. Doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam đang đẩy mạnh mở rộng quy mô với thương vụ đình đám thâu tóm công ty mẹ của thương hiệu sữa Mộc Châu và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bà Mai Kiều Liên từng chia sẻ phong cách lãnh đạo của bản thân gồm ba trụ cột: quyết đoán, dân chủ và tuân thủ. Quy tắc này đã giúp bà đưa Vinamilk trở thành công ty sữa số một của Việt Nam xét theo doanh thu lẫn lợi nhuận và hướng đến top 30 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới. Niêm yết vào năm 2006, cổ phiếu Vinamilk luôn nằm trong nhóm cổ phiếu “ngôi sao” của sàn chứng khoán với giá trị vốn hóa hiện ở mức hơn 11 tỷ USD.

Giữa lùm xùm Shark Liên rời ghế, U70 bà Mai Thanh đấu thắng Trung Quốc
Bất ngờ về con trai của các tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam

ACB thời ông Trần Hùng Huy

ACB dưới thời ông Trần Hùng Huy đã có những đợt sóng ngầm, từ sự xuất hiện trở lại của nhóm Bầu Kiên đầu 2018, những vụ mua bán “tái cơ cấu” đầu 2019 và giao dịch bí ẩn ngàn tỷ gần đây.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán HNX, CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (Hồng Hoàng) vừa công bố kết quả đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với lô trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 5 năm, trị giá tổng cộng hơn 1,4 ngàn tỷ đồng và được đảm bảo bằng lô cổ phiếu ACB.

Trước đó, chỉ một ngày sau khi phát hành trái phiếu, thị trường chứng khoán ghi nhận một loạt lệnh giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn cổ phiếu ACB khớp lệnh tại mức giá 23.800 đồng/cp. Cụ thể có 4 lệnh giao dịch, tổng cộng gần 60,8 triệu cổ phiếu, trong đó có 3 lệnh có tổng khối lượng 35,2 triệu cổ phiếu, đúng bằng số lượng cổ phiếu quỹ mà ACB bán ra.

Cổ phiếu ACB gần đây tăng khá mạnh và đang ở đỉnh trong hơn 1 năm qua. Trong vòng 3 tháng qua, cổ phiếu này đã tăng hơn 16%. Nếu tính so với mức giá giao dịch gần 60,8 triệu đơn vị, thì cổ phiếu ACB đã tăng thêm hơn 5%, tương đương giá trị khoản tiền tăng thêm hơn 70 tỷ đồng.

Thuỷ sản Hùng Vương “ngập ngụa” với lỗ

Sau đợt giảm sâu khi thông tin đợt POR 14 được công bố với kết quả đi ngược hoàn toàn kỳ vọng của ban lãnh đạo, cổ phiếu HVG của Thuỷ sản Hùng Vương 1 tháng trở lại đây liên tục tăng nóng, thanh khoản cũng tăng đột biến.

Ghi nhận, từ giá dưới 3.000 đồng/cp trung tuần tháng 10, hiện cổ phiếu HVG tiếp tục tăng trần, giao dịch tại mức 7.820 đồng/cp (phiên 22/11) với khối lượng giao dịch lên đến hàng triệu đơn vị. Hiện thị giá mã HVG đã tăng khoảng hơn 160% chỉ sau khoảng 1 tháng giao dịch.

Giữa lùm xùm Shark Liên rời ghế, U70 bà Mai Thanh đấu thắng Trung Quốc
Chủ tịch Dương Ngọc Minh

Giá cá nguyên liệu đã giảm mạnh từ 34.000 đồng/kg xuống còn 18.000 đồng/kg, tương ứng mức giảm đến 47%, kéo theo giá xuất khẩu cũng giảm sâu, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm, thậm chí ghi âm. Kết quả, Công ty ghi nhận lỗ 129 tỷ đồng trong quý 3, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế 13,7 tỷ đồng.

Điểm sáng duy nhất năm 2019, theo tuyên bố mạnh mẽ của Chủ tịch Dương Ngọc Minh, Công ty sẽ được mức thuế tối ưu trong đợt POR14. Tuy nhiên, kết quả đi ngược hoàn toàn với dự báo của lãnh đạo dự báo mà Công ty thông tin nắm chắc 80% phần thắng.

Shark Liên bất ngờ rời ghế CEO

Trong tháng 10 và 11/2019, bà Đỗ Thị Kim Liên đã liên tiếp rút khỏi vị trí Tổng giám đốc của CTCP Nước Aqua One và CTCP Nước mặt Sông Đuống. Thay đổi đăng ký kinh doanh mới nhất của Nước Sông Đuống cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong ban lãnh đạo của công ty sau khi doanh nghiệp Thái Lan WHAUP đã mua lại 34% cổ phần.

Dù rời vị trí Tổng giám đốc nhưng Shark Liên vẫn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty. Thay thế vị trí Tổng giám đốc của bà Liên tại cả 2 công ty là ông Tạ Đức Hoàng (sinh năm 1980).

Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào ngày 8/6/2016 với các cổ đông sáng lập ban đầu gồm Vietinbank Capital (58%), VIAC (No1) Limited Partnership (27%) cùng 2 cổ đông là doanh nghiệp nhà nước là Công ty Nước sạch Hà Nội Hawaco (10%) và Công ty Newtatco (5%).

Vợ ốm, chưa dứt vụ ly hôn, Đặng Lê Nguyên Vũ nói lời chân tình

Lùm xùm ly hôn nhà đại gia

Sau khi xác minh tình trạng sức khỏe của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, chiều 18/11, TAND cấp cao tại TP.HCM đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa bà Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Chia sẻ với báo chí sau khi HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, ông Vũ cho biết sự việc càng kéo dài thì gia đình “càng đau buồn” và Tập đoàn càng bị ảnh hưởng nặng, thậm chí có những giai đoạn tê liệt.

“Hoãn nhiều lần quá rồi, như vậy về mặt nghiêm minh của pháp luật phải coi lại. Qua đâu phải người tạo ra những chuyện này. Qua hết lòng vì mọi thứ, đâu có phải vì tiền, vì quyền mà quên đi nhân tính của mình”, ông Vũ nói.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Minh Tâm (người bảo vệ cho ông Vũ) cũng nhận định rằng việc phiên tòa bị kéo dài qua mấy lần hoãn sẽ “ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bị đơn và tính nghiêm minh của pháp luật”.

Còn mẹ ruột ông Vũ là bà Lê Thị Ước thì trả lời ngắn gọn: “Rất là mệt mỏi. Rất là mệt mỏi!”

Bảo Anh (Tổng hợp)

(Theo Vietnamnet)

Đọc nhiều