Giữa hai cực đối đầu, Việt Nam không chọn phe nhưng vẫn ở tâm chấn
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế quan kỷ lục không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đây là hai mảnh ghép của một bức tranh địa chính trị đang được định hình lại, nơi Việt Nam không còn là khán giả bên lề mà đã trở thành điểm xoay có thể ảnh hưởng đến cục diện.

Bị siết chặt giữa hai cực đối đầu Mỹ – Trung
Chuyến thăm của TBT, CTN Tập Cận Bình là nước cờ được tính toán kỹ lưỡng nhằm củng cố “trục Bắc-Nam” trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt. Việc ký kết hơn 40 thỏa thuận hợp tác, đặc biệt là dự án đường sắt trị giá 8,4 tỷ USD và cam kết mở cửa thị trường cho hàng Việt Nam, phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tái định hình không gian ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Đằng sau những con số và ngôn từ hữu nghị là thông điệp rõ ràng: Trung Quốc muốn củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng và hạ tầng chiến lược của Việt Nam, nhất là khi đang phải đối mặt với sự bao vây từ các liên minh do Mỹ dẫn dắt bao gồm:
– AUKUS – liên minh an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc được thành lập năm 2021 – đã nâng tầm quan hệ từ hợp tác thông thường lên chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân, một bước đi mà Bắc Kinh xem là mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích an ninh của họ tại Thái Bình Dương.
– Quad (Bộ Tứ) với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã phát triển từ đối thoại chiến lược thành khối hợp tác quân sự-kinh tế nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
– Trục Mỹ-Nhật-Hàn-Philippines đang hình thành “vòng vây hàng hải” xung quanh Trung Quốc, với các cuộc tập trận chung ngày càng thường xuyên và quy mô lớn tại Biển Đông, cùng việc Mỹ tái kích hoạt các căn cứ quân sự tại Philippines.
Trong bối cảnh đó, chính quyền TT Trump lại tiếp cận Việt Nam với thái độ cứng rắn hơn. Việc Việt Nam bị cáo buộc là “cửa sau” cho hàng hóa Trung Quốc né thuế đã đặt Hà Nội vào tâm điểm của đe dọa thuế quan lên đến 46%. Dù đã có 90 ngày hoãn thuế sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước, nhưng đây không phải là nhượng bộ mà là phép thử. Phát biểu của TT Trump ngay sau cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và lãnh đạo Việt Nam đã thể hiện rõ sự nghi ngại: “Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc hay Việt Nam. Họ đang họp và điều đó thật tuyệt vời. Giống như đang tìm cách làm tổn hại Mỹ.
Không chọn phe, mà chọn thế
Việc đón tiếp TBT, CTN Tập Cận Bình với nghi thức đặc biệt là thông điệp ngoại giao trọng thị nhưng không đồng nghĩa với sự thuận phục. Đó là sự hiếu khách có kiểm soát, thể hiện tinh thần sẵn sàng hợp tác mà không bị cuốn vào quỹ đạo ảnh hưởng của Bắc Kinh. Ngoài vấn đề kinh tế, thật là thiếu sót khi không nhắc đến vấn đề biển Đông. Trong các cuộc hội đàm, Việt Nam đã xử lý khéo léo những điểm nóng bằng thái độ thận trọng trên bề mặt, nhưng kiên định trong lập trường cốt lõi. Những đàm phán vẫn chưa được công bố chính thức nhưng chắc chắn rằng nó đang theo một chiều hướng có lợi cho Việt Nam. Điều đó thể hiện rất rõ ràng qua sự kiện đội tàu hải quân Việt Nam lần đầu tiên cập cảng Bách Sắc (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) vào ngày 13/4 vừa qua. Đây là dấu mốc lịch sử trong quan hệ quốc phòng hai nước, thể hiện sự tin cậy và hợp tác ngày càng sâu rộng giữa lực lượng vũ trang Việt Nam – Trung Quốc.
Song song đó, trước sức ép từ Mỹ, Việt Nam hành động nhanh chóng và quyết đoán. Là quốc gia đầu tiên mở kênh đối thoại trực tiếp với TT Trump sau đe dọa áp thuế, Việt Nam triển khai chiến dịch ngoại giao kinh tế cấp cao mang tính phản ứng chiến lược. Chưa đầy một tuần sau tuyên bố từ Washington, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có mặt tại Mỹ bằng những hành động cụ thể. Làm việc trực tiếp với cả ba trung tâm quyền lực quyết định về thuế quan của Mỹ gồm: USTR, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại – một điều hiếm thấy trong ngoại giao kinh tế quốc tế từ đó mở ra cánh cửa đàm phán FTA mà lâu nay Mỹ vẫn chần chừ khất lần, đóng kín với Việt Nam. Trước mắt với những hợp đồng mua máy bay, đầu tư năng lượng khi làm việc với các tập đoàn lớn như Boeing, Apple, SpaceX từ quá trình làm việc của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và cam kết kiểm soát xuất xứ hàng hóa đang dần khẳng định rằng Việt Nam không phải mắt xích yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mà tâm thế của đối tác chiến lược toàn diện.
Sự “cân bằng động” – vượt xa sự trung lập tĩnh tại – là chìa khóa mà Việt Nam vận dụng đầy chiến lược. Đây không phải là sự đứng im mà là quá trình linh hoạt không ngừng, tạo ra những chuyển động khiến mọi đối tác đều phải điều chỉnh nếu muốn duy trì hợp tác. Sức mạnh của Việt Nam không đến từ việc nghiêng về bên nào, mà từ khả năng khiến mỗi bên đều phải tôn trọng, không thể bỏ qua.
Khác với nhiều quốc gia đang bị kéo vào quỹ đạo của một siêu cường, Việt Nam chủ động kiến tạo cấu trúc quan hệ đa tầng. Mạng lưới Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP) trải rộng từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, EU đến Hàn Quốc, Úc không chỉ là mở rộng quan hệ mà còn là “bản đồ cân bằng lực” giúp phân tán rủi ro phụ thuộc. Theo Giáo sư David Shambaugh (Đại học George Washington), Việt Nam là điển hình cho hình thức “liên kết an toàn hóa” (hedging diplomacy) – chiến lược không chọn phe nhưng luôn giữ thế, mở rộng mạng lưới quan hệ để tăng cường tự chủ. Mỗi đối tác bổ khuyết cho nhau, và sự đan xen lợi ích này làm cho mọi sức ép đều phải tính đến cái giá phải trả.
Giai đoạn hiện tại là phép thử lớn cho bản lĩnh ngoại giao Việt Nam. Giữa thế giới ngày càng phân cực, Việt Nam khẳng định một điều không thể phủ nhận: sức mạnh thực sự không đến từ việc lựa chọn bên nào, mà đến từ khả năng giữ vững chủ quyền quyết sách, không bị thao túng bởi bất kỳ lực lượng nào.
Việt Nam, với bản lĩnh được rèn giũa qua thử thách lịch sử, đang chứng minh rằng “bị lôi kéo không có nghĩa là bị chi phối” và “giữ cân bằng không có nghĩa là đứng yên”.
Đăng Khoa