‘Giờ mà anh giữ xe là chết em luôn đó…’

02/07/2019 09:25

“Anh mà giữ xe là em chết luôn đó vì không có xe đi làm” – một tài xế say xỉn năn nỉ. Anh cảnh sát giao thông trả lời: “Anh nói sai, giờ mà tôi giao xe anh chạy về mới có khả năng chết thật đó, anh say quá rồi…”.

Anh giữ xe là em chết luôn đó... - Ảnh 1.
Người đàn ông (bìa phải) sau khi đến “giải cứu” anh P.M.C. không được đã thay đổi thái độ, lớn tiếng với tổ công tác..

Đó là một trong những cảnh đôi co cự cãi, thậm chí gọi điện cầu cứu khắp nơi của các tài xế uống rượu bia với lực lượng chức năng. Từ phản ánh của bạn đọc, sau nhiều đêm theo tổ công tác Đội cảnh sát giao thông (CSGT) Bình Triệu và Rạch Chiếc (Phòng CSGT đường bộ – đường sắt TP.HCM) kiểm tra nồng độ cồn, chúng tôi chứng kiến rất nhiều cảnh “lầy lội” của “ma men”.

Lỗi do… máy đo nồng độ cồn

Gần 23h một ngày cuối tháng 6, tại đoạn ngã tư Tô Ngọc Vân – quốc lộ 1 (P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM), chỉ trong khoảng 10 phút, tổ công tác chuyên đề Đội CSGT Bình Triệu đã phát hiện đến bốn trường hợp có nồng độ cồn vượt mức cho phép.

Người đầu tiên là anh T.V.Đ. (35 tuổi, ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Anh cho biết mình là thợ hồ, vừa đi ăn thôi nôi con của bạn nên chỉ uống mấy lon bia. Anh Đ. lúc đầu cố tình không thổi vào ống thở đúng hướng dẫn của lực lượng chức năng. Chiến sĩ CSGT phải hướng dẫn và nhắc đến lần thứ ba, anh này mới chịu thổi đúng cách.

Trái với lời thú nhận “chỉ uống có mấy lon”, kết quả từ máy đo cho thấy nồng độ cồn trong khí thở của anh Đ. vượt ngưỡng cao nhất: 0,64 miligram/lít khí thở! Khi được thông báo kết quả, anh Đ. ngật ngưỡng thanh minh: “Ủa, sao kỳ vậy anh? Em uống đâu có nhiều. Cái máy này bị sao đó anh!”.

Khi tổ công tác cho biết sẽ giữ xe trong vòng 7 ngày và yêu cầu ký tên vào biên bản, anh Đ. năn nỉ rằng vợ mới sinh, chỉ có chiếc xe mới mua trả góp để chạy đi làm nuôi vợ con. Chiến sĩ CSGT nhắc lại rằng nồng độ cồn của anh đã vượt ngưỡng cao nhất và tiếp tục giải thích nếu để anh chạy xe trong tình trạng như vậy sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân anh và những người xung quanh.

Nhưng Đ. khẳng định: “Em vẫn chạy xe được, em vẫn tỉnh táo mà”. Trước sự kiên quyết của tổ công tác, cuối cùng anh Đ. cũng chịu ký tên vào biên bản.

Tương tự, tổ công tác cũng phát hiện anh T.H.T. (31 tuổi), đầu bếp một nhà hàng, có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Anh này có nồng độ cồn 0,62 miligram/lít khí thở, vượt ở mức cao. Vừa dừng xe, T. không nói chuyện với CSGT làm nhiệm vụ mà… móc điện thoại ra gọi, phớt lờ nhiều lần đề nghị của tổ tuần tra. Sau khi người quen bắt máy, T. đề nghị CSGT nghe điện thoại nhưng bị từ chối.

Nồng độ cồn 0,12 miligram mà vi phạm gì?

Đêm hôm sau, khoảng 20h30, chúng tôi theo chân lực lượng CSGT làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội. Tài xế tên P.M.C. (28 tuổi, quê Thanh Hóa), lái xe Mazda 6, khi bị lực lượng CSGT kiểm tra phát hiện nồng độ cồn thì liên tục gọi điện thoại, phớt lờ yêu cầu của tổ công tác.

Tổ công tác phải mời đại diện chính quyền địa phương đến chứng kiến hành vi không chịu ký vào biên bản vi phạm hành chính.

Cứ thế, hơn một giờ trôi qua nhưng tài xế C. vẫn tiếp tục “nhây”, gọi điện cầu cứu ai đó. Sau cùng, có ba người đàn ông đi taxi đến. Một người ngoài 40 tuổi, xưng là chủ doanh nghiệp, nhận mình là chủ nhân chiếc Mazda 6. Anh này đề nghị tổ công tác… bỏ qua.

Khi không xin được, anh ta thay đổi thái độ, lớn tiếng: “Bây giờ tôi muốn tuân thủ pháp luật, tôi sẽ nộp phạt cho ngân sách nhà nước. Tôi nói chuyện rất chi đàng hoàng. Bây giờ anh không đồng ý đúng không?”.

Xong anh ta quay qua lôi tài xế C. đi về phía chiếc taxi đang đậu sẵn, vừa đi vừa quát tháo tổ công tác, rồi bỏ lại chiếc xe Mazda 6. Buộc lòng tổ công tác phải cẩu xe về đồn.

Anh giữ xe là em chết luôn đó... - Ảnh 3.
Tổ công tác phải hướng dẫn đến lần thứ ba, anh Đ. mới thổi vào ống thở đúng cách – Ảnh: cắt từ video clip

Cùng ngày, một tài xế điều khiển ôtô Honda CR-V khi bị phát hiện nồng độ cồn 0,12 miligram/lít khí thở còn giở luật ra cãi với CSGT: “Tôi học luật là nồng độ trên 0,25 miligram mới bị xử phạt. Báo cáo đồng chí là tôi rất tỉnh táo. Tôi uống từ trưa. Tôi đã ngủ một giấc, chiều nay tôi không uống”.

“Con sẽ cho chú coi đầy đủ nghị định 46 năm 2016 mới nhất bây giờ. Quy định 0,25 miligram trên 1 lít khí thở mới tiến hành xử lý mà chú nói là với môtô 2 bánh. Còn với ôtô khi điều khiển thì trong người không được có nồng độ cồn” – một chiến sĩ CSGT vừa đưa cuốn sách có in nghị định 46 vừa giải thích.

Đến lúc này, người lái xe mới chịu dịu giọng nhưng vẫn cố vớt vát: “Luật mới thì tôi không hiểu. Tôi uống xong, ngủ từ trưa tới giờ. Chiều nay tôi không có uống”…

Chia sẻ về những khó khăn, trung tá Phan Minh Phước, phó đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc, cho biết việc xử lý người vi phạm say xỉn rất vất vả. Nhiều lúc hàng tiếng đồng hồ mới xong một trường hợp. Thường thấy nhất là người điều khiển phương tiện say xỉn cứ ngậm ống không chịu thổi. Có trường hợp thì… bỏ phương tiện, không hợp tác với lực lượng chức năng.

“Thậm chí có người không giao chìa khóa xe. Chúng tôi phải điều xe cẩu cứu hộ chuyên dùng đến cẩu về nơi tạm giữ. Có trường hợp điện thoại cho người quen thân can thiệp, lực lượng không giải quyết thì đối tượng chửi thề, xúc phạm. Có trường hợp vừa bị kiểm tra nồng độ cồn là lao vào tấn công lực lượng công an ngay, bất chấp tất cả” – trung tá Phước chia sẻ.

Ông Phước nói thêm: “Chúng tôi rất mong người dân ghi nhớ đã uống rượu bia thì không lái xe và cần sự hợp tác của mọi người khi làm việc với lực lượng CSGT”.

CSGT: Anh biết nhà anh ở Trảng Bom, anh đi nhậu ở đây, anh điều khiển phương tiện, nồng độ cồn của anh vượt ngưỡng cao nhất, anh cảm thấy nguy hiểm không?.

Anh Đ.: Tại cái máy đo nồng độ cồn chứ tui uống hổng có nhiều. Hoàn cảnh gia đình em khổ mà vợ mới sinh nữa…

CSGT: Hoàn cảnh của anh em cũng đã nghe, nhưng để anh điều khiển phương tiện đi trên đường trong khi nồng độ cồn của anh vượt ngưỡng như vầy còn nguy hiểm hơn so với việc em giữ xe anh 7 ngày. Anh ký vô biên bản giùm em.

Anh Đ: Giờ mà không có xe là em chết luôn đó!

CSGT: Anh nói vậy là sai. Em mà để anh chạy xe trong khi nồng độ cồn như thế này anh mới chết. Còn anh để xe lại đi taxi về, ngày mai anh vẫn còn sống.

(Theo Tuổi Trẻ)

Đọc nhiều