Giờ đã biết ai hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng Covid-19 chưa?
Dịch Covid-19 đang ở thời điểm cao trào ở Việt Nam, song song với công tác chống dịch cũng thấy Thủ tướng liên tục chủ trì hàng loạt cuộc họp với các bộ, ban, ngành, địa phương phát đi thông điệp mạnh mẽ phải tạo “việc làm cho người dân, không để người dân đói nghèo sau đại dịch”, mang đến cho người dân 3 chữ “an”, đó là an toàn tính mạng, an sinh xã hội và an tâm chắc chắn đại dịch sẽ qua. Nói đi đôi với làm, ngay sau đó, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 rất cụ thể nhưng bài đăng của Hoa Mai Nguyen đã phủi sạch trắng trợn tất cả những điều đó.
Cụ thể, bài viết của Hoa Mai Nguyen đặt điều Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói “Ở nhà không ra ngoài trừ lúc mua đồ ăn”, rồi rêu rao luận điệu “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói suông”, “không ai hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, “Chính phủ không hỗ trợ thì lấy tiền đâu ra mua đồ ăn” rồi ca tụng các nước dân chủ phương Tây cứu trợ người dân bằng những khoản tiền trăm tỷ.
Đầu tiên, xin được phép nói thẳng tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia chống Covid-19, chiều 25/3, Phó Thủ tướng đã đề nghị người dân thực hiện tốt 5 việc thiết yếu, trong đó có việc “hạn chế tối đa ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết”, chứ không hề bắt người dân “ở nhà không ra ngoài trừ lức mua đồ ăn” như Hoa Mai Nguyen nói. Rõ ràng, Hoa Mai Nguyen đang “ăn gian” câu chữ để dễ dàng cạnh khóe, khiến người dân có cái nhìn không đúng với một người đã rất nhiều đêm chưa có giấc ngủ ngon, thậm chí là không ngủ vì bận bịu công tác chống dịch.
Ai cũng hiểu dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh sản xuất, tài chính của nhiều doanh nghiệp và người dân trên cả nước. Tình trạng doanh nghiệp đóng cửa, các xí nghiệp, cửa hàng vẫn phải trả tiền thuê cơ sở sản xuất, mặt bằng, thiệt hại các vật chất, công nhân đi làm thay ca, thậm chí thất nghiệp không có lương là điều mà ai ai cũng thấy được và tất nhiên lãnh đạo cũng không thể không thấy. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định đây là vấn đề an sinh xã hội vô cùng cấp bách và nhấn mạnh: “Qua mấy tháng vừa rồi, nhiều người khổ lắm, nhất là thất nghiệp, không có việc làm, nhiều gia đình rất khó khăn. Chúng ta thấu hiểu được vấn đề này của người dân, của người công nhân, viên chức,…”.
Không để bà con và doanh nghiệp chờ thêm, chiều ngày 31/3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về những nội dung gồm các kịch bản ứng phó dịch COVID-19, chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng. Dự kiến, người nghèo, người lao động tự do không có hợp đồng, mất việc hoặc không có việc làm được hỗ trợ trực tiếp 1 triệu đồng/người/tháng. Một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội, người có công được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Người có hợp đồng làm việc nhưng phải nghỉ, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương, giảm thu nhập sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng. Nguồn hỗ trợ trước mắt khoảng là 3 tháng (tháng 4, 5, 6) trích từ ngân sách Trung ương và địa phương với tổng số tiền khoảng 28.000-30.000 tỷ đồng (1,2-1,3 tỷ USD).
Đối với doanh nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát gói hỗ trợ việc giảm thuế thu nhập và các loại thuế, phí khác hỗ trợ doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nghiên cứu cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0% để hỗ trợ trả lương cho người lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện. Và hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã có văn bản hướng dẫn trả lương cho người lao động phải dừng việc, nghỉ làm do dịch bệnh Covid-19.
Hơn nữa, liên quan tới các gói hỗ trợ, trước đó Chính phủ đã có gói hỗ trợ 280.000 tỷ. Bao gồm 250.000 tỷ hỗ trợ tín dụng hoãn, giãn nợ cho các doanh nghiệp chịu tác động Covid-19 và 30.000 tỷ đồng gói tài khóa hỗ trợ hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh. Bộ Tài chính đã có đề xuất tăng gói hỗ trợ tài khóa này lên 80.200 tỷ đồng. Đây được xem là những giải pháp quan trọng, kịp thời để hoàn thành mục tiêu hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện 3 chữ “an” mà Thủ tướng đã nói ban đầu. Tất cả những chính sách rõ ràng như vậy mà Hoa Mai Nguyen bảo “lãnh đạo nói suông”, “Chính phủ không làm gì giúp đỡ doanh nghiệp, người dân” sao?
Mà đâu chỉ dừng lại ở đó, những ngày qua, Chính phủ cũng đã yêu cầu giảm giá thịt heo, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực không được tăng giá điện bán lẻ trong năm 2020, Bộ Công thương cũng giảm giá xăng dầu xuống còn 12.000 đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sinh hoạt, sản xuất. Khi mà tất cả việc làm của Chính phủ rất quyết liệt, chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp, vậy mà những kẻ cơ hội chính trị như Hoa Mai Nguyen có mắt cũng như mù, chỉ biết đặt điều xuyên tạc “không ai giúp dân” thì cô ta đang có âm mưu? Thật sự chiêu trò xuyên tạc này đã quá quen thuộc, không cần nói ra nữa cũng biết được âm mưu phía sau.
Cũng xin nói thêm, Hoa Mai Nguyễn đi ca ngợi các nước phương Tây hỗ trợ người dân trăm tỷ nhưng hề nói những khoảng tối ở phía sau. Như đã biết Mỹ tung ra gói hỗ trợ 1200 tỷ USD cho người dân, nghe đâu mỗi người được 1000 USD nhưng thu tiền xét nghiệm Covid-19 4.500 USD/người, nếu ai không may mắc bệnh, chi phí chữa trị lên tới 35.000 USD. Người dân Mỹ la trời, trời không thấu mà những kẻ mang trong mình dòng máu Việt lại đi khen người ngoài rồi chê ỏng chê eo người nhà. Xin nhắc lại, ở thời điểm Chính phủ chưa đưa ra chính sách hỗ trợ người dân cụ thể thì nước ta đã chữa trị miễn phí cho tất cả công dân Việt Nam, cách ly tập trung được chăm sóc không tốn một đồng. Như vậy không phải hỗ trợ thì là gì đây, thưa Hoa Mai Nguyen?
Ở giai đoạn dịch bệnh mới xuất hiện, Việt Nam ưu tiên phòng chống, khống chế dịch, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân thì có gì sai? Mỗi doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng kinh tế một chút mà đảm bảo được tính mạng. Tiền còn kiếm lại được, kinh tế cũng có thể phục hồi được chứ chết rồi thì cần tiền để làm gì, lấy đâu ra nhân lực phát triển kinh tế. Đó là chưa nói đến trường hợp, nếu Việt Nam chăm chăm vào kinh tế, không ưu tiên chống dịch, để người dân mất mạng thì có lẽ đã có khối kẻ lao vào chửi sa sả nước ta “vi phạm nhân quyền”, “vô nhân đạo” các kiểu. Đằng nào những kẻ phản động như Hoa Mai Nguyen chẳng nói được.
Vì vậy, việc Chính phủ vừa đề ra chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp và người dân tuy không sớm như Mỹ hay một số nước khác nhưng phải nói là đúng thời điểm, phù hợp tình hình diễn biến dịch bệnh sau khi đã cách ly, điều trị và thực hiện các giải pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Giờ đây, mỗi người dân cần làm nhất là đang ở đâu hãy ở yên chỗ đấy, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, mỗi gia đình hãy trở thành một pháo đài cũng chung lưng đấu cật với Chính phủ đẩy lùi và chiến thắng giặc Covid-19.
Đặng Trường