Giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 có ý nghĩa như thế nào?
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, tất cả người dân đã tiêm vaccine Covid-19 đều được cấp giấy chứng nhận.
Tính tới chiều 22/6, Việt Nam đã thực hiện tiêm 2.422.643 liều vaccine phòng Covid-19. Mục tiêu của nước ta là tiêm cho 150 triệu liều cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.
Nhiều người thắc mắc sau tiêm, họ có được cấp giấy chứng nhận hay không. Giấy chứng nhận sẽ có ý nghĩa như thế nào? Liệu chúng ta có thể sử dụng giấy này cho việc đi lại hay giảm thời gian cách ly khi từ các địa phương có dịch tới nơi khác?
Ai sẽ cấp giấy chứng nhận cho người tiêm vaccine Covid-19?
Trả lời PV, TS Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho hay cơ sở sẽ cấp giấy chứng nhận cho những người đã tiêm vaccine Covid-19 một hoặc 2 mũi.
Vấn đề này Bộ Y tế đã đề cập trong Chỉ thị 05 ngày 30/3 về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine Covid-19.
Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số công việc, bao gồm cấp giấy chứng nhận tiêm chủng cho người dân.
Tiến sĩ Hằng cho biết hiện tại, ý nghĩa của tờ giấy này chỉ là chứng nhận việc một người đã được tiêm vaccine Covid-19.
“Vì vậy, việc họ có thể đi lại, nhập cảnh vào các quốc gia khác hay không còn phụ thuộc vào chính sách của từng nước, không chỉ tờ giấy này. Có quốc gia xem giấy chứng nhận này là đủ. Quốc gia khác lại cần các chính sách khác ngoài tờ giấy này”, Cục phó Cục Y tế Dự phòng cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Bệnh viện E (Hà Nội), nơi đang triển khai tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên, người tiêm được cấp giấy chứng nhận sau 7-10 ngày, trong đó có dấu đỏ của bệnh viện. Đây là thời gian để hoàn thiện hồ sơ, bao gồm chữ ký của các bộ phận liên quan.
Đối với những người thuộc diện ưu tiên do Bộ Y tế đề xuất được tiêm vaccine tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cơ sở y tế sẽ này gửi giấy chứng nhận về Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế. Bộ phận này sẽ gửi giấy chứng nhận về các cơ quan.
Người đã tiêm vaccine chưa được giảm thời gian cách ly
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết hiện Việt Nam nỗ lực tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Đặc biệt, TP.HCM đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.
Do đó, không phải địa điểm nào tiêm xong cũng có thể cấp giấy chứng nhận ngay cho người dân. Giấy chứng nhận tiêm vaccine hiện cũng không có nhiều ý nghĩa như nhiều người kỳ vọng.
Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định trong tương lai, tất cả người đã tiêm vaccine Covid-19 đều có giấy chứng nhận. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 và Bộ Y tế đang cân nhắc một số quyền lợi kèm theo giấy chứng nhận này, chẳng hạn việc đi lại trong nước dễ dàng hơn, giảm thời gian cách ly…
Về hộ chiếu vaccine, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay chúng ta chưa triển khai được trong nước. Song với khách quốc tế, Bộ Y tế đang giao Cục Y tế Dự phòng soạn thảo hướng dẫn về việc thí điểm tại Quảng Ninh. Những người có hộ chiếu vaccine có thể nhập cảnh vào tỉnh này.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cũng cho biết Việt Nam đã có chủ trương cấp giấy chứng nhận tiêm chủng dạng điện tử, có ý nghĩa như “giấy thông hành”. Với giấy chứng nhận này, người sở hữu sẽ có những ưu đãi khi đi nước ngoài hoặc về thời gian cách ly, đi lại trong nước.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho hay điều này chưa thể thực hiện ngay. Trong bối cảnh này, người dân cần tuân thủ nghiêm biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Đặc biệt, người người đã tiêm vaccine cũng cần có tuân thủ nghiêm ngặt, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là. Hiện nay, vaccine được khuyến cáo làm giảm khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh. Như vậy, người đã tiêm vẫn có nguy cơ nhiễm nCoV.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã có 5 đợt phân bổ vaccine Covid-19 với tổng số hơn 3,6 triệu liều. Trong đó, TP.HCM là địa phương được ưu tiên số lượng vaccine nhiều nhất (836.000 liều).
Ngoài nguồn nhập khẩu, Nano Covax là loại vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam đang bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3. Công ty Nanogen – đơn vị nghiên cứu và phát triển vaccine Nano Covax – đã văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin cấp phép khẩn cấp.
Hà Quyên