125752
topics
432661

Giáo viên cắm bản vượt ải tử thần, ươm tương lai

23/09/2020 13:12

Cung đường vào xã Đứa Mòn hạ gục ý chí của không biết bao người khám phá. Nhưng với các thầy cô cắm bản ở đây, cung đường ấy là thử thách phải bước qua để tình yêu nghề nảy mầm.

Một buổi tập trung tại điểm trường bản Tỉa, Trường Mầm non Hoa Cúc Đứa Mòn.

Không rơi vực… không phải giáo viên!

Xã Đứa Mòn là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Để con em đồng bào dân tộc thiểu số ở đây học được con chữ, các thế hệ giáo viên cắm bản họ đã đánh đổi rất nhiều… nào là sức khỏe, là gia đình, là tuổi thanh xuân, đôi khi còn là cả tính mạng…

Ở xã Đứa Mòn, hễ cứ hỏi đến những vụ giáo viên trường mầm non bị tai nạn, ngã xe, rơi vực thì ai ai cũng biết như thể đã có sự mặc định. Họ sẽ vanh vách kể ra một loạt những danh sách như: Cô Lan rơi ở vực này, cô Phượng ngã ở vực kia, thầy Thật khốn khổ khiêng xe ở đoạn này, đoạn kia…

Hơn 3 tháng trôi qua, song đến ngày hôm nay thì cô giáo Lò Thị Phượng, giáo viên Trường Mầm non Đứa Mòn vẫn chưa thể quên được phút “tử thần ngủ quên”. Hôm đó cũng đang dịp nghỉ hè, nhưng do dịch bệnh nên giáo viên ở đây đã tình nguyện ở lại để bồi dưỡng hè cho học sinh để các em khỏi hổng kiến thức.

“Đợt đó là tháng 6/2020. Kết thúc buổi học sáng em về điểm bản trung tâm. Vì những giáo viên cách trường chừng 5km thì đều về để ăn cơm, nghỉ ngơi để chiều lại vào bản dạy học. Con đường từ điểm bản Tạng Sỏn về trung tâm thì nhỏ, hẹp, lại trơn trượt, khó đi. Khi cố tránh một hòn đá to ở giữa đường thế là cả người và xe của em đều lăn xuống một cái vực sâu chừng 15m gì đó. Em thì bị xe cuốn theo rồi đè lên người. Cả người và xe nằm dưới cái vực sâu, phía dưới là khe suối. Lúc đó em cứ nghĩ là mình đã chết rồi!”, cô Phượng kể lại.

Cô Phượng mất gần 20 phút tự vật lộn, xoay xở để thoát thân khỏi chiếc xe máy đang đè nặng dưới nền dòng suối cạn. Đó cũng là lúc cô nghĩ đến chồng, con, người thân và đám trẻ nhỏ còn thơ ngây trên lớp đang chờ. Cứ thấy ai đi qua là cô lấy cành cây phe phẩy, lấy tay khua khua ra hiệu cầu cứu, chứ chẳng còn sức để gọi nữa.

“Thoát ra khỏi cái xe máy, em bò vào chỗ khô ráo, dễ quan sát người đi đường phía trên đỉnh đầu rồi em gọi điện về cho chồng em. Trong lúc đợi người thân lên hỗ trợ thì em cố gắng lắng nghe xem ở trên có người dân đi lại hay không để nhờ trợ giúp. Hết đoàn này đi, đoàn kia đi, em cứ cố ra hiệu song chẳng ai nhìn thấy. Khoảng 30 phút sau thì có người phát hiện ra em đang ở dưới đáy vực, thì họ tìm thêm người đến cứu…”, cô Phượng kể lại.

Thoát nạn, chữa chạy xong cho cả người và xe thì cô Phượng mất một tháng lương. Nhưng cô luôn thấy mình may mắn còn lành lặn trở về với đám trẻ trên bản, người thân thì tiếp tục động viên để có thêm động lực “bám bản, bám trường”.

Các giáo viên cắm bản phải hỗ trợ nhau qua những đoạn đường khó, trơn trượt. Ảnh: Quàng Văn Thật

 

Quyết “bám bản, bám trường”…

Người “tiền nhiệm” cắm bản Tạng Sỏn của cô Phượng là cô giáo Lò Thị Lan. Cô Lan cũng từng được “tử thần gọi tên” hồi cuối năm 2017.

“Hôm đó em cũng từ trường về. Trời đang mưa lắt nhắt. Đường vốn khó đi thì lại càng khó đi hơn vì trơn trượt. Cũng chỉ trong chốc lát, người và xe đều bất ngờ văng xuống vực sâu. Cả người và xe cứ thế lăn lộn xuống cho đến tận đáy vực sâu chừng gần 10m. Trong đầu em quả thật là không kịp nghĩ đến điều gì khi tình huống đó xảy ra…”, cô Lan kể lại.

“Hôm đó cũng là thời điểm mùa đông, may mắn là em đang mặc rất nhiều áo dày và ấm. Thế nên khi ngã xuống, mặc dù có rất nhiều cây cối, cây gai, cành cây và cả đá nữa nhưng chỉ bị rách quần áo thôi. Người thì bị bầm tím chứ không có vấn đề gì nặng ảnh hưởng đến sức khỏe”, cô Lan kể tiếp.

Năm nay, cô Lan được luân chuyển sang điểm trường bớt khó khăn hơn, đó là điểm Trả Lầy. Nói bớt khó khăn là để so sánh với những điểm đặc biệt khó khăn thôi, chứ thực ra hiểm nguy vẫn còn đầy rẫy. Cách đây vài hôm, đó là thời điểm giữa tháng 9/2020, cô Lan thêm một lần trải qua giây phút sinh tử.

“Lần mà xe máy mắc vào cây là hôm trước thôi. Trời mưa, đường thì trơn trượt. Em đang đi thì bỗng chốc xe trượt bánh rồi đưa cả người và xe xuống vực sâu. May mắn thế nào, chiếc xe lại mắc vào một gốc cây ở lưng chừng vực, còn người em thì cứ thế mà lăn như bi xuống tận đáy. Lần này cũng may mắn thoát nạn”, cô Lò Thị Lan nhớ lại.

Nguy hiểm, gian nan là vậy, song bản thân cô Lan cũng chưa khi nào nghĩ đến chuyện sẽ bỏ trường, bỏ nghề. “Em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Lý do thì em không biết. Chỉ biết rằng bọn em cố gắng được bao nhiêu thì tương lai của các con sẽ tươi sáng thêm bấy nhiêu, nên em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ bỏ dạy cả!”, cô Lan mỉm cười.

Tai nạn như “cơm bữa”…

Hầu hết các con đường đến bản đều lầy lội khó đi.

 

Trước ngày khai giảng, thầy giáo Quàng Văn Thật, giáo viên Trường Mầm non Hoa Cúc Đứa Mòn quay trở lại điểm bản Tỉa nơi đang công tác. Trời thì mưa mỗi lúc một nặng hạt. Mấy người dân bản đã trót ra đến trung tâm xã, họ ngao ngán lên xe quay trở về bản vì họ sắp phải đối diện với cung đường đầy gian truân. Thầy Thật cùng mấy cô giáo cắm bản vẫn cứ nổ máy xe, họ lầm lũi tiến về phía rừng sâu. Biết rằng ở phía xa xa kia có cả “đàn con” đang ngóng cô, đợi thầy.

Chặng đường từ trung tâm xã Đứa Mòn về bản Tỉa chỉ chừng chục cây số đường rừng thôi, song có đi được cũng phải mất nửa ngày. Sau vài khúc cua nhẹ, hai bánh của chiếc xe hiệu Wave đã đặc quánh bùn đất, muốn đi không được mà dừng lại cũng chẳng xong. Họ lại vui vẻ gửi xe ở lại nhà dân để cuốc bộ như mọi lần trước.

“Ở đây có 28 điểm bản, điểm gần thì cách trường chính 15km, điểm xa thì khoảng 30km. Thầy cô cắm bản nào cũng như bọn em cả thôi ạ! Trời nắng đi đã khổ, mưa còn khổ hơn. Nhiều lúc chẳng dắt được xe, đành phải đi bộ. Nhanh thì cũng mất một buổi mới đến lớp. Còn nói về chuyện tai nạn, ngã xe thì… ai mà chẳng phải trải qua. Đó là chuyện như “cơm bữa” mà anh!”, thầy Quàng Văn Thật bộc bạch.

Ngọc Minh/GD&TĐ

Tags :
Đọc nhiều