Giáo sư Mỹ: Việt Nam đã đứng lên đấu tranh với Trung Quốc bằng chiến lược dũng cảm và thông minh

20/08/2019 11:47

Giáo sư Mourdoukoutas đánh giá Việt Nam có chiến lược thông minh và can đảm để đấu tranh với những hành vi xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc.

Việt Nam thông minh và can đảm

Giáo sư Panos Mourdoukoutas, trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post, New York, bình luận trên tạp chí Forbes ngày 17/8 rằng Việt Nam đã đứng lên đấu tranh với hành vi của Trung Quốc “theo cách can đảm và khôn khéo”.

Tàu tuần tra CSB 8001 của Việt Nam
Tàu tuần tra CSB 8001 của Việt Nam

Sự can đảm – theo ông Mourdoukoutas – thể hiện ở nỗ lực của Việt Nam trong nỗ lực hoàn thiện một hiệp ước (chỉ Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC)-PV), trong đó sẽ xác định rõ những hành vi như Trung Quốc đang tiến hành hiện nay là trái phép, bao gồm việc xây dựng đảo nhân tạo, phong tỏa các vùng nước, hay triển khai các khí tài tấn công như tên lửa. Sự dũng cảm của Việt Nam còn được ghi nhận ở các lực lượng chức năng của Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền theo pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Mourdoukoutas nhận định, Việt Nam có một chiến lược thông minh để ngăn chặn âm mưu bành trướng trên biển của Bắc Kinh, đó là hợp tác với hãng dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga. Sự hiện diện của Nga có thể xem là một nhân tố “thay đổi cuộc chơi”, khiến Trung Quốc không thể hoành hành với yêu sách “Đường chín đoạn” phi lý hay đối đầu với hải quân Nga – lực lượng sẵn sàng bảo vệ lợi ích Nga trong khu vực.

“Cả hai chiến lược [của Việt Nam] đều hiệu quả,” giáo sư Mourdoukoutas đánh giá.

Liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 16/8 nêu rõ, theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13/8/2019 tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Giáo sư Mỹ: Việt Nam đã đứng lên đấu tranh với Trung Quốc bằng chiến lược dũng cảm và thông minh
Một tàu hải cảnh của Trung Quốc (Ảnh: AP)

“Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế,” Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói thêm.

“Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Trung Quốc thể hiện sẵn sàng dùng thủ đoạn cưỡng ép láng giềng

Phân tích trên website của Viện Lowy (Australia) ngày 16/8, tác giả Trinh Le cho rằng hành vi xâm phạm mới nhất của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam một lần nữa phản ánh Bắc Kinh sẵn sàng dùng tới thủ đoạn cưỡng ép các nước khác thay vì tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trung Quốc vẫn luôn thách thức những quy định được diễn giải trong UNCLOS – mà Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước khác là thành viên, đồng thời ngang ngược viện dẫn “Đường chín đoạn” để ngụy biện về cái gọi là chủ quyền lịch sử của nước này đối với toàn bộ biển Đông.

Vào năm 2016, Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã ra phán quyết bác bỏ hoàn toàn tính pháp lý của “Đường chín đoạn”, nhưng những hành động chèn ép trên thực địa của Bắc Kinh vẫn tiếp diễn.

Theo tác giả Trinh Le, trong khi chèn ép về kinh tế bằng cách đe dọa và cản trở mối quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực với đối tác “từ các nước bên ngoài khu vực”, Trung Quốc không ngừng leo thang hiện diện quân sự ở biển Đông, bao gồm hạm đội “dân quân đánh cá” hùng hậu. Với các tiền đồn cải tạo phi pháp, hải quân Trung Quốc hiện có thêm các cứ điểm vươn xa hơn căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, sẵn sàng cung cứng hậu cần để Bắc Kinh duy trì hành vi gây hấn với các nước láng giềng.

Việc xâm phạm vùng biển các nước chỉ là một chiến thuật. Hồi tháng trước, Trung Quốc còn tổ chức tập trận, bao gồm phóng tên lửa đạn đạo, ở biển Đông. Mùa bão hàng năm ở biển Đông đang tới, các tàu khảo sát của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sớm được rút về, nhưng mưu đồ bành trướng của nước này thì vẫn còn hiện diện.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do chiến tranh thương mại với Mỹ, Bắc Kinh có thể cố ý khuấy động chủ nghĩa dân tộc hướng ra bên ngoài để xoa dịu bất mãn của công luận trong nước. Và vấn đề biển Đông, Đài Loan, Hồng Kông đều là những mục tiêu lý tưởng.

Trinh Le phân tích, xung đột ở biển Đông khó có khả năng xảy ra, song chiến thuật vùng xám và “cắt lát salami” (đạt mục đích lớn bằng từng bước tiến nhỏ-PV) đang gây ra những thách thức nghiêm trọng cho các nước trong khu vực, cũng như các bên quan tâm đến tình hình biển Đông như Mỹ.

Với việc làm cho các nước “mất từng chút một”, Trung Quốc cho rằng họ có thể giành được thắng lợi cuối cùng trong kế hoạch bành trướng. Tham vọng của Trung Quốc không mới, nhưng hành động gây hấn, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam mới đây cho thấy, dù bị thế giới lên án mạnh mẽ, song nước này vẫn chưa chịu từ bỏ giấc mộng bá quyền.

Ngọc Minh

Đọc nhiều