8
category
330264

Gian nan câu chuyện đi tìm người tài – “Nguyên khí quốc gia”

28/10/2019 16:58

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, sự hưng thịnh của một đất nước luôn gắn liền với quá trình trọng dụng đãi ngộ, và sử dụng người tài cho sự phát triển bởi mọi việc thành hay bại đều do cán bộ mà nên.

Sáng 24/10, Quốc hội nghe giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức và thảo luận tại hội trường.
Cụ thể, dự thảo luật cho rằng, người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được. Nhà nước có chính sách trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Làm sao để người trẻ dẫn thân, để người tài giúp sức cho đất nước vẫn là câu chuyện nan giải hiện nay
Làm sao để người trẻ dẫn thân, để người tài giúp sức cho đất nước vẫn là câu chuyện nan giải hiện nay

Đặc biệt, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho bổ sung khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ, cơ quan có thẩm quyền quy định về khung chính sách, quyết định áp dụng chế độ, trọng dụng đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.

Dù khái niệm thế nào là nhân tài còn nhiều tranh luận, Cách đây vài tháng PGS-TS Lê Minh Thông (trợ lý của Chủ tịch Quốc hội) cho rằng ‘vì sao không hút được nhân tài mới’ là câu chuyện quan trọng đáng bàn.

TS Thông cho rằng: ‘Để thu hút nhân tài phải làm sạch bộ máy của mình. Vào khu vực công phải thấy được sự nỗ lực, cống hiến người ta mới vào, còn vào rồi thấy 30% công chức cắp ô thì nhìn đã chán’. Với tinh thần đó, ông Thông kiến nghị phải khẩn trương rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất, từ đó lấy lại lòng tin của xã hội.

“Một khi nhân tài quay lưng lại với quốc gia, với sự nghiệp thì nguy cơ sụp đổ là chuyện có thật. Nếu chúng ta không trọng được nhân tài, không giữ được nhân tài và không tạo môi trường cho nhân tài tồn tại, phát triển thì thất bại. Phải học lại bài học ‘nhân tài là nguyên khí quốc gia'”, ông Thông nhấn mạnh.

Ông cũng khuyên, đừng trừu tượng hóa nhân tài lên, vẽ nhân tài là người có đầy đủ áo, mũ, ô và mọi thứ thì rất khó. Hãy quan niệm nhân tài ở từng cấp độ khác để trân trọng và bồi dưỡng từng người. Đồng thời, cần trân trọng phát hiện, bồi dưỡng ở những cấp bậc đó và cần phải trọng dụng nhân tài để “Sĩ phu không ngoảnh mặt”.

PGS.TS. Lê Minh Thông nhấn mạnh, đầu tư cho nhân tài là “đầu tư rủi ro”, nhân tài có thể rơi rụng, có thể chưa phát huy được năng lực, sở trường ở từng thời điểm nhất định; đầu tư cho nhân tài là tốn kém nhưng ngược lại, nếu họ phát huy được năng lực sẽ mang lại hiệu quả cao ngoài mong đợi. Do đó, nhân tài phải được cống hiến và mong muốn được cống hiến trong khu vực công chứ “không phải thu hút để sai vặt”.

Cùng với đó, nhân tài rất cần môi trường để thể hiện năng lực, do đó, cần phải “dụng nhân như dụng mộc”, phải dùng cho đúng cái tài năng của họ vào đúng việc, đúng sở trường; không ai tài năng toàn diện, trừ các “anh hùng tái thế”.

PGS.TS. Lê Minh Thông cũng lưu ý, thông thường những người có tài thường có “tật”, do đó, cần phải có sự tôn trọng nhất định, phải tạo cho họ có được môi trường để cống hiến, để sáng tạo. Nhân tài không thể đem lại kết quả ngay tức thì như mong đợi, các cơ quan, đơn vị cần phải biết kiên nhẫn để chờ nhân tài “đơm hoa kết trái”, cho kết quả xứng đáng với “giá trị đầu tư”.

Và để thu hút được nhân tài, PGS.TS. Lê Minh Thông cho rằng, cần phải cải cách mạnh mẽ đội ngũ công chức, viên chức trong khu vực công, phải có giải pháp sàng lọc, loại bỏ những người không có năng lực, ý thức kém, phải làm cho bộ máy tinh gọn, như vậy mới có chỗ để thu hút người có tài năng. Đã là công chức, viên chức thì cơ bản phải là tinh hoa.

Ngoài ra, từ năm 2014, TP.HCM đã có chính sách thí điểm thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ với mức lương tối đa 150 triệu đồng/tháng.

Đến năm 2018, TP đã thu hút 17 chuyên gia, trong đó có 8 chuyên gia người Việt ở nước ngoài, 2 chuyên gia người Việt và 7 chuyên gia người nước ngoài, đến nay còn 12 trường hợp tiếp tục công tác.

Theo chính sách thu hút nhân tài 2018-2022 của TP, chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt được ký hợp đồng theo nhiệm vụ, công trình cụ thể, được hưởng trợ cấp ban đầu tối đa lên đến 100 triệu đồng.

Hàng tháng, chuyên gia, nhà khoa học được trả lương theo bảng lương chuyên gia (trong đó lương chuyên gia cao cấp hiện nay có các mức 13,112 triệu, 14,006 triệu và 14,9 triệu đồng/tháng tùy theo bậc). Người tài năng đặc biệt được hưởng mức trợ cấp từ 30-50 triệu đồng mỗi tháng.

Ngoài ra, còn có mức thù lao khuyến khích sau khi hoàn thành nhiệm vụ có công trình, sản phẩm khoa học hoặc thành tích đặc biệt là 1% trên giá trị hoặc kinh phí ngân sách chi cho công trình đó; hoặc tối đa 1 tỷ đồng/người nếu vị trí thu hút không yêu cầu có công trình, sản phẩm đầu ra.

Nhưng để thu hút người tài vào bộ máy nhà nước, tiền không phải là tất cả. Nhà nước cũng chi nhiều tiền, thực hiện nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thậm chí đưa cán bộ đi nước ngoài học tập hết đợt này đến đợt khác, nhưng bộ máy vẫn khan hiếm người tài.

Thực tế vừa qua TP.HCM từng bổ nhiệm một người như vậy, mang theo bao kỳ vọng, nhưng sau một thời gian người đó xin nghỉ, dù trước đó ông đã sẵn sàng từ bỏ công việc tốt ở doanh nghiệp nước ngoài với lương cao hơn nhiều lần vị trí mới trong bộ máy nhà nước.

Những điều kiện thiết yếu để các nhân tài xuất hiện trong bối cảnh hiện nay gồm ba yếu tố: có một nền giáo dục quốc dân lành mạnh và thực học; phát huy dân chủ để phát triển tài năng; áp dụng phương pháp tuyển chọn nhân sự khoa học và thực hiện cơ chế sử dụng nhân tài hợp lý.

Tiến sĩ Thân Nhân Trung, khi được Vua Lê Thánh Tông giao soạn bài văn bia cho bia Tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”. Những lời ấy đã được đục khắc vào bia đá, để lại cho muôn đời con cháu noi theo mà thực hiện.

Ngay khi mới giành được chính quyền năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “kiến thiết cần phải có nhân tài”. Và Người cũng nhắc đến đi đôi với việc phát hiện nhân tài thì một vấn đề rất quan trọng là người lãnh đạo, quản lý phải biết sử dụng, trọng dụng nhân tài một cách hợp lý, nếu không sẽ làm thui chột nhân tài.

3

Lời kêu gọi tìm người có tài, có tâm và có đức ra xây dựng đất nước từ khi chính quyền vừa mới thành lập

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã chỉ rõ: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định: “Tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”; “Người tài ở bìa rừng góc bể cũng phải được trọng dụng”.

Như thế, có thể thấy vận mệnh của đất nước, của chế độ tùy thuộc vào cái cách mà chúng ta lựa chọn đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó có cấp chiến lược, những người đảm trách công việc nặng nề là chèo lái con thuyền quốc gia. Điều đó đòi hỏi sự trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao cả vì sự nghiệp chung của những cán bộ lớp trước trong việc giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn những người xứng đáng.

Càng là người của tổ chức, của Đảng, lại càng phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn trước sự nghiêm minh của pháp luật, sự giám sát của nhân dân.

Với cơ chế tìm chọn hiền tài đúng đắn, tiến bộ, phù hợp thực tiễn hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ loại bỏ được những kẻ kém đức, kém tài, cơ hội, chui sâu leo cao, đồng thời tìm chọn được những cán bộ có đủ đức tài làm rường cột quốc gia, đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân.

Dù ở hoàn cảnh nào thì đức hy sinh, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc luôn là những giá trị bất biến của hiền tài.

Mối liên hệ hữu cơ giữa “nguyên khí quốc gia” – những người hiền tài – với vận mệnh quốc gia, dân tộc là điều đã được chứng minh qua lịch sử mấy ngàn năm của đất nước. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, khi nhờ có hai gia tướng tài năng đức độ Dã Tượng và Yết Kiêu mà thoát khỏi vòng vây quân thù đã thốt lên rằng: “Chim hồng hộc sở dĩ bay cao được là nhờ ở sáu trụ xương cánh cứng rắn”.

Ngày nay, những cán bộ liêm chính, đức tài vẹn toàn được lựa chọn đảm nhiệm các trọng trách, sẽ là những trụ xương cánh cứng rắn để Đảng cầm quyền và bộ máy chính quyền vững mạnh, phục vụ nhân dân một cách hiệu quả, đưa đất nước tiến lên vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển.
Đinh Lưc

Đọc nhiều