Giảm lương – Sóng ngầm suy thoái của kinh tế
Để sinh tồn, nhiều công ty đang cắt giảm lương trong lúc khó khăn, động thái có thể báo hiệu thiệt hại lớn cho thị trường lao động.
Có những con số rất đáng cân nhắc nhưng thường không được sự quan tâm bằng số người mất việc được chính phủ Mỹ công bố hàng tuần. Đó là số người bị giảm lương. Có ít nhất 4 triệu công nhân Mỹ đã bị cắt giảm lương kể từ tháng 2 dù họ vẫn làm việc, cùng hàng triệu người khác bị “đóng băng” lương, theo nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Đại học Chicago.
“Chúng ta có một cuộc khủng hoảng thu nhập thậm chí còn lớn hơn cả cuộc khủng hoảng thất nghiệp”, ông Cameron Claudia Sahm, Giám đốc chính sách kinh tế vĩ mô tại Trung tâm tăng trưởng công bằng Washington, đánh giá.
Sahm, một chuyên gia từng làm việc tại Fed nói rằng việc lao động bị giảm thu nhập là vấn đề lớn, ông gọi đó là cuộc “khủng hoảng thu nhập”. “Rất nhiều công việc bị mất. Nhiều giờ làm bị cắt, giờ làm thêm không còn. Và sau cùng, điều chúng ta thấy là phần lớn người lao động đang bị giảm lương”, ông nói.
Xu hướng cũng cho thấy rằng người lao động cảm thấy họ không có lựa chọn nào tốt hơn là chấp nhận kiếm ít tiền hơn. Người Mỹ tin rằng họ có ít hơn 50% cơ hội tìm được việc làm mới trong 3 tháng nếu thất nghiệp lúc này, theo khảo sát của Fed New York, giảm hơn 16 điểm phần trăm so với một năm trước.
Nó cũng gây rắc rối cho các nhà tuyển dụng, vốn từng tránh cắt giảm lương vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần nhân viên và năng suất của công ty. Nhưng sự sụt giảm tiền lương có khả năng cao gấp đôi so với thời kỳ Đại Suy thoái, theo nghiên cứu của công ty dữ liệu tiền lương ADP. Nhưng vấn đề là họ không còn lựa chọn nào khác nếu muốn tồn tại.
Jamie Vagedes, một kế toán của công ty du lịch Maritz Motivation ở St. Louis, đã giảm 20% tiền lương vào tháng 4/2020. Ông cho rằng mức lương bị giảm có thể còn duy trì 3-6 tháng tới. Công ty này hợp tác với các khách sạn và công ty cho thuê xe. Nhưng ngành du lịch bị Covid-19 tàn phá nên họ đã sa thải một phần tư số nhân viên và không hứa hẹn khôi phục lương cho những người còn lại.
“Đây là điều đáng thất vọng”, Vagedes cho biết ông có thể chậm tiền vay thế chấp ngân hàng nhưng vẫn duy trì khả năng chi trả các hóa đơn và chi phí khác. “Làm tất cả mọi thứ với ít hơn 20% tiền là một thử thách”, ông nói.
Các nhà kinh tế cảnh báo, thời gian ngừng hoạt động càng kéo dài và nền kinh tế chậm lại, nhiều khả năng cắt giảm lương tạm thời sẽ biến thành vĩnh viễn hoặc dẫn đến sa thải thêm. Nếu các công ty viện đến việc giảm lương như một vấn đề sống còn, điều tiếp theo là “tôi cần cắt giảm việc làm vì không còn lựa chọn khác”, theo chuyên gia Mark Zandi.
Không giống như mất việc làm, ảnh hưởng nhiều đến những người lao động có thu nhập thấp, việc cắt giảm lương chủ yếu đánh vào những người trí thức văn phòng, theo nghiên cứu của dữ liệu ADP. Ba phần tư của việc cắt giảm lương nằm trong 40% người làm công ăn lương hàng đầu, các nhà nghiên cứu cho biết. Và giờ tiền lương ít hơn, ngay cả trong ngắn hạn, dẫn đến chi tiêu ít hơn, làm kéo dài thêm suy thoái.
“Tốc độ phục hồi thực sự phụ thuộc vào thái độ người tiêu dùng”, ông Jane Oates, cựu quan chức của Bộ Lao động, hiện là chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận WorkingNation. “Và nếu mọi người không có tiền thì họ sẽ không tiêu tiền”, ông nói thêm.
Và một số công ty lớn nhất đã làm vậy. Julia Coronado, cựu chuyên gia kinh tế của Fed, người sáng lập công ty Macropolicy Perspectives, đã theo dõi các công ty có trụ sở tại Mỹ với mức vốn hóa lớn hơn một tỷ USD và thấy rằng 42% trong số 260 công ty có chia sẻ thông tin đã giảm lương nhận viên giai đoạn tháng 4-7/2020.
Lyft tuyên bố giảm lương ba tháng cho tất cả các nhân viên từ 10 đến 30%, trong khi các đại gia bán lẻ như Best Buy và Gap giảm thu nhập tập trung vào các giám đốc điều hành. Động thái cắt giảm lương phản ánh rằng ban đầu các nhà tuyển dụng cảm thấy suy thoái kinh tế sẽ diễn ra trong thời gian ngắn.
Lúc đầu, khi phong tỏa lần đầu tiên, “bạn sẵn sàng bị cắt giảm lương vì nghĩ đó sẽ là một điều tạm thời”, ông Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại Grant Thornton, nói. “Càng nhấn mạnh vào sự độc nhất của cuộc suy thoái lần này thì mọi người càng xem nó như một sự kiện nhất thời”, ông nói thêm.
Nhưng dữ liệu mới nhất hiện cho thấy suy thoái có khả năng sâu hơn và kéo dài hơn nhiều so với dự đoán ban đầu vì các trường hợp lây nhiễm đạt mức cao kỷ lục và phần lớn đất nước đã tạm dừng hoặc đảo ngược kế hoạch mở lại.
Tăng trưởng tiêu dùng dự kiến chững lại vào tháng 7 và tháng 8, theo phân tích của Goldman Sachs tuần trước. Số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vẫn trên 1 triệu, mức chưa từng thấy trước đây, trong 17 tuần liên tiếp. Sau 6 tuần giảm, số liệu khảo sát về số hộ gia đình Mỹ dự kiến mất thu nhập trong tháng tới đã bắt đầu tăng trở lại, theo Census.
“Ngay bây giờ, điều mà chúng tôi lo ngại là một trong những lần cắt giảm lương tạm thời có thể trở thành vĩnh viễn hoặc biến thành những đợt sa thải lớn”, ông Diane Swonk nói.
Các nhà kinh tế nói, còn quá sớm để biết chắc chắn liệu việc cắt giảm lương có tiếp tục, dù cũng khó có thể hy vọng tiền lương sẽ tăng khi mà phần lớn nền kinh tế vẫn đóng cửa và người tiêu dùng vẫn lo lắng về đại dịch.
Một số mức cắt giảm lớn nhất gần như chắc chắn sẽ là ngắn hạn, như các công ty đã cắt giảm lương giám đốc điều hành xuống 0, bà Julia Coronado nói. Nhưng các mức giảm khác có thể tồn tại.
“Chúng tôi đã chứng kiến tỷ lệ các công ty báo cáo sa thải lâu dài tăng lên”, bà nói, “Vì vậy, nếu tăng lên, thì bạn có thể đoán được một số khoản cắt giảm này sẽ lâu dài hơn”.
(Theo Politico)