Giải quyết bài toán đi cùng xu thế của Việt Nam

Minh Thanh 11/09/2022 12:09

Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo là mục tiêu và định hướng phát triển hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh việc xây dựng và vận hành thành công nhiều dự án năng lượng tái tạo trên cả nước, Chính phủ Việt Nam còn chủ động nhập khẩu điện từ các dự án năng lượng tái tạo ở nước ngoài. Nhằm hướng đến việc xây dựng một nền năng lượng xanh, sạch và bền vững trong tương lai.

Khác với những nguồn năng lượng không tái tạo như dầu, khí đốt, than đá, các nguồn năng lượng tái tạo chủ yếu là năng lượng sạch, thân thiện với môi trường và không lo bị cạn kiệt. Bên cạnh đó, đây là những nguồn năng lượng tự nhiên, dễ tiếp cận và dễ khai thác cũng như không gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người.

Nghiên cứu làm điện mặt trời trên hồ thuỷ điện Sơn La

Nhận thấy được tiềm năng phát triển to lớn của nguồn năng lượng này, nhiều quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có Việt Nam. Tính đến năm 2022, Việt Nam đã xây dựng thành công nhiều dự án năng lượng tái tạo trên cả nước với tỷ lệ huy động đạt 13,15 tỷ kWh, chiếm 15,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Trong đó các dạng năng lượng tái tạo được huy động chủ yếu đến từ điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối.

Bên cạnh đó, tỷ lệ điện nhập khẩu của Việt Nam khá thấp, chỉ đạt 536 triệu kWh, chiếm 0,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn điện nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng chính là bất lợi lớn khi chi phí để xây dựng các công trình khai thác năng lượng tái tạo là rất lớn. Cùng với đó là bài toán nan giải về biến thiên công suất của một số nguồn năng lượng tái tạo hiện nay.

Để khắc phục vấn đề này, mới đây Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã cùng nhau ký kết một bản ghi nhớ hợp tác giữa hai quốc gia. Văn bản này sẽ là tiền đề để giúp thúc đẩy các hoạt động hợp tác mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN với Công ty Điện lực Lào (EDL) và Tổng công ty Phát điện Lào (EDL-Gen).

Theo các chuyên gia năng lượng của Việt Nam đánh giá, điện từ thủy điện của Lào là nguồn ổn định, không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu nên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Bởi nguồn năng lượng này không chỉ giúp cho nước ta đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch mà còn đóng vai trò như điện “nền” giúp Việt Nam khắc phục tình trạng biến thiên công suất do tác động từ các tác nhân bên ngoài.

Từ đó, có thể thấy Chính phủ rất chú trọng vào việc khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo nguồn điện sinh hoạt cho người dân. Đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch (năng lượng không tái tạo) sang nguồn năng lượng xanh, sạch và bền vững trong tương lai.

Minh Thanh

Đọc nhiều