419
category
407562

Giải pháp nào cho việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội

Đỗ Mạnh 06/07/2020 17:45

Theo thống kê của sở xây dựng hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ, được xây dựng từ những năm 60 đến năm 80 của thế kỷ trước. Hạ tầng của các khu vực này phần lớn đã xuống cấp, yếu kém, không bảo đảm chất lượng cuộc sống người dân. Thậm chí, có sáu tòa nhà hư hỏng cấp độ D nằm trên địa bàn quận Đống Đa, Ba Đình, có thể sập đổ bất cứ lúc nào, buộc thành phố phải di dời để bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân.

Đánh giá về tình hình các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng,  thời điểm hiện nay những khu chung cư cũ trên toàn thành phố đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Hiện tại nếu muốn để các khu chung cư cũ này tiếp tục sứ mệnh là nơi tổ ấm cho các gia đình đang sinh sống tại đây thì chắc chắn UBND thành phố Hà Nội phải có một kế hoạch cụ thể, chi tiết để sửa chữa hoặc đập đi xây mới để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hộ dân đang sinh sống tại đây.

Với số lượng các chung cư cũ trên địa bàn thành phố là rất lớn (1579 chung cư) mà phần lớn đều trong tình trạng sập sệ, cũ nát và đã đến đến thời kì phải nâng cấp sửa chữa. Do trước đây công tác quản lý chung cư rất lỏng lẻo, các nhà chung cư không có ban quản lý dự án, các căn hộ thiết kế từ thập kỉ 60 lại có diện tích rất nhỏ từ 24-55 m2, trong khi đó số hộ dân trong mỗi căn hộ qua thời gian ngày một tăng lên. Thế là các hộ cứ tự ý  sửa chữa, cơi nới, làm thêm chuồng cọp, hầu hết căn hộ nào cũng có chuống cọp làm cho những chung cư biến dạng,  từ chỗ ban đầu vuông vắn sạch sẽ nay đã biến thành những chung cư kì quái xấu xí. Mặt khác do điện nước cung cấp thời đó chưa tốt nên nhà nhà xây bể chứa nước, máy bơm, dây điện biến những chung cư như một hệ thống mạng nhện bao quanh chung cư trông rất kì quái. Thêm vào đó do công tác sửa chữa vô tổ chức làm cho những chung cư trở nên dột nát xuống cấp nhem nhuốc trông rất mất mỹ quan.

Hiện nay nếu không nâng cấp, sửa chữa thì người dân sống tại đây không yên tâm vì sợ tai họa ập xuống bất kì khi nào. Mặt khác một thành phố hiện đại không thể chấp nhận những chung cư dột nát xấu xí xen giữa những ngôi nhà cao ngất lung linh ánh điện và luôn nhộn nhịp du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan du lịch. Nhưng nếu sửa chữa thì ngân sách lấy đâu ra một lượng kinh phí khổng lồ như vậy. Các nhà đầu tư cũng chẳng mặn mà gì khi các khu nhà chung cư đều được xây theo quy hoạch phù hợp với mật dộ dân cư. Trong khi chiều cao bị khống chế thì các nhà đầu tư có nhận được việc làm thì thu không bù nổi chi chứ chưa tính đến chuyện có lợi nhuận. Mặt khác, nâng cấp sửa chữa thì sau đó dân phải được sống ở những căn hộ rộng hơn, đẹp hơn thì dân mới chấp nhận dù phải bù thêm tiền. Rõ ràng là việc cải tạo chung cư hiện nay đã rất khó, nhưng về pháp lý cho việc sửa chữa còn khó hơn .

Thời gian gần đây, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thành phố Hà Nội đã có rất nhiều sự nỗ lực để cải tạo các khu chung cư cũ. Tính đến nay đã có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng, 4 khu chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm đang tổ chức di dời người dân, nhưng chưa có phương án xây dựng lại. Tuy nhiên, quá trình cải tạo còn nhiều vướng mắc, chủ yếu liên quan đến các vấn đề về quy hoạch tái phát triển, thỏa thuận đền bù, cơ chế tái định cư, lợi ích của chủ đầu tư và người dân đang sinh sống tại các khu chung cư cũ. Hiện, trong số 28 chung cư cũ mà thành phố kêu gọi doanh nghiệp tham gia cải tạo và xây dựng mới đã có 16 nhà đầu tư đăng ký tham gia. Tuy nhiên, lợi ích của doanh nghiệp và một số quy định chính sách đang “vênh” nhau khiến nhiều nhà đầu tư vẫn đắn đo.

Vì vậy để đẩy nhanh tiến độ cải tạo nâng cấp các khu chung cư cũ thì Bộ Xây dựng cần phải sớm có những khảo sát nghiên cứu và có những kiến nghị sát thực nhằm tạo điều kiện cho thành phố và các nhà đầu tư an tâm bỏ vốn chung tay với thành phố. Việc khống chế tầng cao các khu chung cư cũ theo quy hoạch trước đây chính là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mặn mà. Bởi các nhà đầu tư chỉ hăng hái khi lợi ích của họ được bảo đảm một cách hài hòa. Vì vậy đây không còn là vấn đề riêng của các nhà đầu tư mà là vấn của thành phố, Bộ Xây dựng và Chính phủ  cần có sự chung tay và tìm cách tháo gỡ.

Sống trong một thủ đô văn minh ngàn năm văn hiến, chúng ta không thể khoanh tay ngồi yên nhìn những chung cư ngày một xuống cấp, nhếch nhác. Đặc biệt trong điều kiện ngành du lịch mấy năm gần đây đang phát triển một cách vượt bậc. Ngành công nghiệp không khói thực sự đã mang lại cho thủ đô và cả nước một lượng ngoại tệ khổng lồ và thủ đô Hà Nội là một trong những nơi thu hút khách du lịch lớn nhất. Vì vậy để tháo gỡ khăn trong công tác sửa chữa chung cư cũ giữa Bộ xây dựng, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu khảo sát để đưa ra giải pháp phù hợp nhất, nhằm tạo được sự hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và quyền lợi của người dân nhưng vẫn bảo đảm giữ được quy hoạch của thành phố.

Người dân Việt Nam luôn tự hào về thủ đô thân yêu của mình, và luôn mong muốn đóng góp một phần sức lực, tiền bạc cho việc làm cho thủ đô ngày càng trở nên tươi đẹp. Vì vậy chả có gì khó khiến chúng ta không làm được, nếu  chúng ta có chủ trương đúng, chính sách đúng và được nhân dân đồng tình ủng hộ, các Bộ, Ngành chức năng, UBND hành phố quyết tâm và  chung tay xây dựng thủ đô ngày càng hiện đại văn minh, sạch đẹp.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều