Giải pháp nào cho bài toán hạ tầng giao thông của cảng container quốc tế lớn nhất cả nước?

Minh Thanh 16/09/2022 15:16

Là cảng container quốc tế lớn nhất của khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung, Cát Lái luôn phải đối mặt với tình trạng kẹt xe ùn tắc nghiêm trọng mỗi ngày. Để giải cứu giao thông và khắc phục những điểm nghẽn trong cơ cấu hạ tầng, nhiều dự án trọng điểm thuộc các tuyến đường dẫn vào cảng trong năm nay đã được khẩn trương triển khai.

Cảng Cát Lái được xem là cảng container có quy mô lớn nhất cả nước.

Trước đó, theo báo cáo từ Sở GTVT TP.HCM, mỗi ngày có hơn 16.000 phương tiện di chuyển ra vào cảng. Vào những hôm cao điểm, số lượng phương tiện có thể lên tới 26.000 xe. Điều đó, tạo nên một sức ép cực lớn cho hạ tầng giao thông xung quanh khu vực cảng Cát Lái, đặc biệt là các tuyến đường dẫn vào cảng.

Trên thực tế, theo ghi nhận từ Sở GTVT, các tuyến đường trọng yếu như Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống luôn trong tình trạng kẹt cứng và không bao giờ ngớt xe. Nếu một sự cố giao thông bất ngờ xảy ra trên những tuyến đường này thì tình trạng kẹt xe sẽ càng nghiêm trọng hơn và có thể kéo dài đến hàng giờ liền. Việc phải “hứng chịu” số lượng xe di chuyển quá lớn mỗi ngày cũng vô tình khiến cho những con đường này xuống cấp nhanh và ổ gà xuất hiện khắp mọi nơi, gây nguy hiểm cho người dân TP. Thủ Đức qua lại khu vực.

Tình trạng kẹt xe hàng ngày từ hướng Xa lộ Hà Nội đến cầu vượt Cát Lái kéo dài đến Cảng Cát Lái.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, cùng với tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp biển Việt Nam thì khối lượng container qua cảng Cát Lái sẽ tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2030. Đồng thời khiến cho cơ cấu hạ tầng của khu vực này rơi vào tình trạng “nghẹt thở” và gần như không thể đáp ứng nổi nếu không được nâng cấp và cải thiện đúng mức. Ngoài khó khăn về hạ tầng giao thông thì việc nhân viên cảng dồn ứ hàng hóa, gây khó khăn trong công tác làm thủ tục xuất nhập khẩu cũng khiến cho nhiều phương tiện buộc phải dừng chờ ở bên ngoài. Từ đó, gây ùn tắc lớn cả một con đường dẫn vào cảng.

Trong khi đó, UBND TP. Thủ Đức từng nhận định logistic chính là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của toàn thành phố, đặc biệt là vận tải biển. Tuy nhiên, việc quy hoạch và phát triển mạng lưới giao thông cũng như cơ sở hạ tầng nơi đây vẫn còn rất nhiều hạn chế. Tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên, các tuyến đường bộ quá tải, xuống cấp. Chưa kể, các dự án đường cao tốc Vành đai 3, 4 hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng và bị chậm tiến độ.

Sơ đồ dự án tuyến đường Vành đai 3 dẫn vào cảng Cát Lái

Để giải quyết những điểm nghẽn kể trên, mới đây, lãnh đạo chính quyền TPHCM đã trình Bộ GTVT công văn kiến nghị mở rộng tuyến đường nối cảng Cát Lái – Phú Hữu đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Vành đai 3. Cung đường mới được kỳ vọng sẽ giúp san sẻ bớt lượng phương tiện giao thông di chuyển trên các tuyến đường chính vào cảng Cát Lái như Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh…

Mặt khác lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các cơ quan ban ngành phải liên tục kiểm tra và giữ đúng tiến độ xây dựng đối với những dự án đã được chấp thuận đầu tư trước đó. Chẳng hạn như dự án nút giao An Phú sẽ giúp kết nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với đại lộ Mai ChTP.í Thọ, dự kiến sẽ khởi công vào ngày 31/12 sắp tới. Hay như dự án triển khai tuyến đường Vành đai 2, đoạn phía Đông qua TP. Thủ Đức cũng đang được Sở GTVT gấp rút trình HĐND TP.HCM phê duyệt, cho phép đầu tư xây dựng.

Tính đến thời điểm hiện tại, bằng những nỗ lực của chính quyền, TP.HCM đã đẩy mạnh công tác triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm thuộc các khu vực xung quanh cảng Cát Lái. Các dự án sau khi hoàn thành không chỉ giúp làm giảm tình trạng kẹt xe và tai nạn, mà còn góp phần làm tăng khả năng vận chuyển và khối lượng xuất khẩu hàng hóa của cảng, góp phần giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng của thành phố.

Minh Thanh

Đọc nhiều