Giải pháp cho hàng nghìn căn hộ tái định cư “bỏ hoang”
Tình trạng hàng chục ngàn căn hộ tái định cư bị “bỏ hoang” tại nhiều đô thị lớn trên cả nước đã làm dấy lên một hồi chuông báo động về cách thức bố trí, quản lý và sử dụng loại hình nhà ở này.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2021, trên địa bàn thành phố vẫn còn dư gần 18.000 căn hộ tái định cư. Tại TP.HCM, chỉ tính riêng khu vực Thành phố Thủ Đức thì cũng đã có hơn 3.700 căn hộ tái định cư đang chờ để được đi vào hoạt động.
Thực tế, những căn hộ này vốn được xây dựng để làm nơi ở cho các hộ dân thuộc diện bị Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và đủ điều kiện để tái định cư. Mỗi một hộ dân sẽ được hưởng một suất tái định cư với mức giá cực kỳ ưu đãi thấp hơn khoảng 20-30% so với các bất động sản cùng loại. Trong trường hợp người có suất tái định cư từ chối nhận thì những căn hộ này sẽ được chuyển sang cho người khác.
Tuy nhiên người dân đã không còn quá “mặn mà” với những căn hộ tái định cư do Nhà nước xây dựng. Nguyên nhân được cho là do những căn hộ này đa số đều nằm tản mác ở các khu vực ngoại thành, gây khó khăn trong việc di chuyển của người dân. Chất lượng nhà ở thấp, thời gian xây dựng lâu, không có nhiều tiện ích,… Chính vì thế mà số lượng hộ dân mua nhà ở tái định cư ngày càng ít, khiến cho nhiều căn hộ tái định cư bị bỏ hoang. Từ đó gây lãng phí ngân sách và tốn tiền bảo dưỡng, bảo trì định kỳ.
Trong khi từ một khảo sát về nhu cầu nhà ở do Liên đoàn lao động TP.HCM thực hiện cuối năm 2020 chỉ ra rằng 90% công nhân ngoại tỉnh đang sống trong các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư, tương đương 1,3 triệu người với khoảng 551.000 phòng trọ. Có nghĩa là nhu cầu nhà ở thì còn rất nhiều, người có thu nhập thấp đợi hàng ngày hàng giờ trong khi thực tế có những công trình để không rất lãng phí.
Đứng trước thực trạng này, Nhà nước cần phải xem xét và thực hiện chuyển đổi loại hình nhà ở tái định cư sang các nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội. Trước đó vào sáng ngày 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, nhà ở xã hội được đánh giá là giải pháp lý tưởng để giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có chỗ ở an toàn để “an cư lạc nghiệp”.
Trước sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo, trình Chính phủ đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội dành cho các đối tượng từ nay đến năm 2030. Điều đó cho thấy việc phát triển và xây dựng nhà ở xã hội hiện là một trong những quyết sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Mặt khác, theo quy định, các dự án bất động sản có quy mô sử dụng đất dưới 10ha được lựa chọn một trong hai hình thức: hoặc là dành ra 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội, hoặc là nộp tiền tương đương giá trị 20% quỹ đất. Tuy nhiên thực tế cho thấy do bị khống chế về giá bán (giá nhà ở xã hội thường khá thấp) nên loại hình nhà ở này dường như không được lòng các chủ đầu tư. Nhiều nhà đầu tư thường chọn nộp tiền thay vì trích quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cũng chính vì thế mà số lượng nhà ở xã hội được xây dựng tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp.
Thay vì chờ đợi chủ đầu tư xây dựng thì thiết nghĩ Nhà nước nên xem xét chuyển đổi nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội. Giải pháp này không chỉ giúp giải quyết được tình trạng nhà ở tái định cư đang bị bỏ hoang tràn lan như hiện nay mà còn giúp cho người dân gia tăng cơ hội sở hữu nhà ở với mức giá thấp.
Chưa kể, việc chuyển đổi cũng sẽ giúp Nhà nước thu lại được một phần ngân sách đã bỏ ra để xây dựng các căn hộ tái định cư cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là những người lao động có thu nhập thấp.
Song đối với nhà tái định cư chuyển sang nhà ở xã hội, cũng cần ưu tiên đối tượng có nhu cầu về nhà ở nhưng thu nhập còn thấp và cần có quy định rõ ràng để số lượng nhà ở này đến tay người tiêu dùng bảo đảm minh bạch, công bằng.
Minh Thanh