420
category
399532

Giải mã sự gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông

09/06/2020 06:18

Chuyên gia cho rằng các tàu Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật ngày càng gây hấn, có nguy cơ gây ra xung đột mới với các nước trong khu vực biển Đông như Malaysia và Indonesia. 

Greg Polling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, nói vai trò của các quốc gia kể trên trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi các tàu Trung Quốc đang mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực, chủ yếu bắt nguồn từ việc xây dựng các đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở biển Đông.

“(Các đảo) cung cấp bàn đạp cho các tàu Trung Quốc, biến Malaysia và Indonesia thành các quốc gia ở tiền tuyến”, ông Polling, được CNN dẫn lời, nói. “Ngày nào cũng có hơn 10 tàu hải cảnh (Trung Quốc) lượn lờ quanh quần đảo Trường Sa và khoảng một trăm tàu đánh cá, sẵn sàng lên đường”.

Một tiêm kích F-16 tại căn cứ không quân ở Pekanbaru, Riau của Indonesia chuẩn bị cất cánh để triển khai gần quần đảo Natuna. 

Các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở biển Đông không có cơ sở, căn cứ theo luật pháp quốc tế, và bị tòa án quốc tế năm 2016 phát quyết là không hợp lệ.

Mặc dù vậy, từ năm 2015, chính phủ Trung Quốc bắt đầu tăng cường tham vọng lãnh thổ bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô và bãi cạn ở biển Đông, sau đó quân sự hóa chúng bằng các đường băng, bến cảng và các trạm radar.

“Những đảo này được trang bị thiết bị giám sát và radar, họ nhìn thấy mọi thứ diễn ra ở biển Đông”, ông Polling nói. “Trước đây, Trung Quốc không biết bạn đang khoan thăm dò ở đâu. Bây giờ chắc chắn họ biết”.

Các chuyên gia nói Bắc Kinh đã xây dựng một đội tàu bảo vệ bờ biển và tàu cá, có thể được triển khai ở biển Đông để quấy rối tàu của các nước khác hoặc đi lại trong các khu vực nhạy cảm về chính trị.

Cuộc đối đầu với Malaysia không phải là hành động gây hấn đầu tiên của Trung Quốc trong khu vực trong năm 2020.

Đầu tiên là cuộc đối đầu ở quần đảo Natuna thuộc cực nam của biển Đông, hiện do  Indonesia quản lý nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền bằng “đường chín đoạn” mơ hồ. Tàu thuyền của cả hai nước đã tham gia vào cuộc đối đầu, khởi phát khi các tàu cá Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Indonesia đã triển khai máy bay chiến đấu F-16 và tàu hải quân và đích thân Tổng thống Joko Widodo bay tới khu vực này, trong một động thái phô diễn diễn sức mạnh khác thường.

Thay đổi chính sách ngoại giao

Bắc Kinh có một lịch sử lâu dài quấy rối tàu của các quốc gia khác ở biển Đông, chủ yếu là Việt Nam và Philippines và đôi khi là Malaysia và Indonesia.

Trước đây, các nhà ngoại giao Trung Quốc chơi trò “vừa đấm vừa xoa” đối với các bên bị quấy rầy, nhưng các chuyên gia nói rằng đại dịch coronavirus và sự trỗi dậy của cái gọi là ngoại giao “chiến binh sói” từ Bắc Kinh đã loại bỏ các “áp- tô- mát”(giúp ngắt mạch điện khi quá tải) trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực.

“Điều thay đổi là họ đã thực sự tháo găng tay ra khỏi nắm đấm ngoại giao. Các tuyên bố gần đây (của Trung Quốc) rất thô lỗ và không có ý xây dựng”, ông Polling nói.

Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng các hành động gây hấn của Bắc Kinh trong khu vực một phần do đại dịch coronavirus đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc và làm tổn hại danh tiếng quốc tế của nước này.

Lo ngại về việc sức mạnh có vẻ đang tuột dốc, giới cầm quyền Trung Quốc, theo các chuyên gia, đang đặt nhiều kỳ vọng vào các luận điệu và chương trình nghị sự mang tính dân tộc chủ nghĩa để giải quyết vấn đề của họ.

Bắc Kinh rất muốn thúc đẩy một câu chuyện rằng Mỹ đang mất dần vai trò cường quốc toàn cầu để củng cố sự kiểm soát của họ đối với khu vực, Ian Storey, thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nói.

Cho đến nay, Malaysia và Indonesia đã cố gắng không để chuyện biển Đông ảnh hưởng đến mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng với việc Bắc Kinh gia tăng gây hấn, thời của “ngoại giao âm thầm” có thể đã hết.

“Trung Quốc muốn chứng tỏ cho các nước Đông Nam Á đòi chủ quyền ở biển Đông thấy rằng sức mạnh quân sự của Mỹ đang suy giảm và cam kết của họ đối với khu vực đang suy yếu. “(Họ muốn chỉ ra rằng) những vấn đề kinh tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của họ trên biển Đông”.

Học giả Ian Storey

Anh Minh/ TPO

Đọc nhiều