128027
category
532099

Giải mã động thái và ý đồ của Úc ở Biển Đông

Bảo Trâm 13/07/2021 10:23

Trang News của Úc vừa có bài viết phân tích những lý do tại sao Úc, một quốc gia có vẻ như không có những quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông nhưng lại thể hiện ý đồ can dự sâu hơn vào vùng biển tranh chấp này, đặc biệt trong những năm gần đây, khi quan hệ ngoại giao giữa Úc và Trung Quốc có vẻ không “xui chèo mát mái”.

Hải quân Australia, Mỹ, Nhật Bản tiến hành tập trận 3 bên năm 2020.

Theo đó, trong khoảng thời gian gần đây, Úc liên tục cử thêm tàu chiến đi qua Biển Đông, tham gia các cuộc tập trận, không ngại đưa ra các tuyên bố cứng rắn.

Trong 6 tháng qua, Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) đã năm lần tiến vào Biển Đông, thách thức các hành động quyết đoán của Bắc Kinh đối với Biển Đông. RAN cũng đang lên kế hoạch tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tương tự trong những tuần tới, theo News.

Các thống kê cho thấy sự hiện diện của tàu Úc ở Biển Đông có tần suất gấp đôi năm ngoái.

Giáo sư Peter Dean, Giám đốc Học viện an ninh và quốc phòng UWA thuộc Đại học Tây Úc

Trích ý kiến của Giáo sư Peter Dean, Giám đốc Học viện an ninh và quốc phòng UWA thuộc Đại học Tây Úc cho biết: “Chúng tôi đang thực sự quay lại Nam Thái Bình Dương và Đông Nam Á”.

Tiến sĩ Bec Strating, Giám đốc điều hành của LaTrobe Asia, nói với News rằng, Úc đang muốn thế giới tham gia nhiều hơn vào Đông Nam Á và nước này đang tích cực dẫn đầu.

Vào tháng 3, khinh hạm HMAS Anzac và tàu tiếp dầu HMAS Sirius tiến vào Biển Đông. Tàu Anzac sau đó tham gia tập trận với tàu khu trục JS Akebono của Nhật Bản.

Vào tháng 4, hai tàu Anzac và Sirius đã cùng hoạt động với tàu tấn công đổ bộ FS Tonnerre và tàu khu trục FS Surcouf của Pháp ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Vào tháng 5, cả Anzac và Sirius tham gia tập trận cùng các tàu khu trục nhỏ HMAS Ballarat và HMAS Parramatta.

Sau đó, trong tháng 7 này, Ballarat tham gia tập trận trong vùng biển tranh chấp với tàu khu trục Curtis Wilbur của Mỹ trong vòng 1 tuần. Nội dung cuộc tập trận bao gồm cả bắn đạn thật.

Trước đó vào ngày 23/7/2020, Australia đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc khẳng định nước này bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, khẳng định các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc là không phù hợp với luật pháp quốc tế, theo News.

Tàu của Australia tham gia diễn tập ở Biển Đông

Nội dung công hàm khẳng định: “Úc phản đối bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đặc biệt là các yêu sách hàng hải không tuân thủ các quy tắc về đường cơ sở, vùng biển và phân loại các thực thể”.

Ngay sau khi Úc gửi công hàm bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có bài viết bình luận việc Úc gửi công hàm là “liều lĩnh thực hiện các hành vi khiêu khích mù quáng nối gót Mỹ”.

Theo bài báo, các lệnh trừng phạt nhằm vào thịt bò và rượu vang Úc sẽ được duy trì và có thể hứng chịu thêm các lệnh trừng phạt áp dụng đối với các nông sản khác.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thì cho rằng, Trung Quốc và Úc nên “làm những điều có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực, thay vì làm gia tăng căng thẳng”.

Hồi tháng 12/2020, Thời báo Hoàn cầu tiếp tục bày tỏ sự tức giận nhằm vào quốc gia châu Đại Dương: “Úc nên kiềm chế sự kiêu ngạo của mình. Đặc biệt, các tàu chiến của Úc không được đến các khu vực ven biển của Trung Quốc để thể hiện “sức mạnh cơ bắp”, nếu không sẽ phải nhận lại trái đắng”.

Tiến sĩ Strating cho biết, Úc cho đến nay vẫn thận trọng trong việc cân bằng phương trình rủi ro và phần thưởng. Nhưng những lời đe dọa lặp đi lặp lại của Trung Quốc có thể khiến lập trường của Úc sẽ càng rõ ràng hơn.

Tiến sĩ Bec Strating, Giám đốc điều hành của LaTrobe Asia (góc trái)

Bà Strating cho rằng: “Trung Quốc đã sử dụng các chiến thuật cưỡng bức kinh tế chống lại Úc nhưng không gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Úc – ít nhất là chưa. Vì vậy, có thể tính toán đã thay đổi. Nhưng tất nhiên, nỗi sợ hãi khác là đặt người dân và tàu thuyền vào tình thế nguy hiểm. Thêm vào đó, có những rủi ro đáng kể liên quan đến việc làm một cái gì đó mới và khiêu khích”.

Tiếp theo, Giáo sư Dean giải thích: “Đang có nhiều tàu chiến hơn, nhiều máy bay hơn ở đó. Và tất nhiên, chúng tôi cũng có nhiều tàu đánh cá và tàu container hơn. Vì vậy, nó sẽ trở thành một môi trường tắc nghẽn hơn. Điều đó tự nó có thể làm tăng rủi ro”.

Giám đốc Học viện an ninh và quốc phòng UWA cũng cho rằng, Úc đã tránh trực tiếp thách thức ranh giới chủ quyền, nhưng nước này cũng không lùi bước.

Chúng tôi đã có mặt ở Biển Đông 100 năm. Kể từ khi RAN được thành lập, nó đã là một phần của khu vực. Chúng tôi chưa bao giờ chưa ở đó. Điểm mới là sự hiếu chiến củaTrung Quốc khi phản đối sự hiện diện của chúng tôi”. Đó là lý do tại sao Giáo sư Dean tin rằng, Úc vẫn phải duy trì hoạt động như “bình thường”.

Tôi nghĩ rằng, các chính phủ liên tiếp của Úc đều duy trì sự cân bằng. Về cơ bản, lập trường của Úc là chúng tôi sẽ không ngừng làm những gì chúng tôi đã và đang làm. Nhưng những gì chúng tôi sẽ không làm là đơn phương kích động bất kỳ sự gia tăng căng thẳng nào”.

Các nước láng giềng của Trung Quốc đang ở trong vị trí đầy thách thức. Giống như Úc, họ có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Họ cũng không thể sánh được Trung Quốc với sức mạnh quân sự riêng lẻ.

Theo Giáo sư Dean: “Họ muốn khẳng định chủ quyền của mình. Họ muốn duy trì quyền tiếp cận của họ và bác bỏ Đường chín đoạn. Nhưng đứng vững trước Trung Quốc là điều rất khó đối với họ”.

Nhưng mỗi quốc gia Đông Nam Á đều có ý tưởng riêng về cách làm và duy trì lợi ích riêng. Theo giáo sư Dean, đây là lý do tại sao chính sách của Úc không tham gia vào các chiến dịch tự do hàng hải (FONOPS) theo kiểu Mỹ.

Việc thực hiện FONOPS bên trong 12 hải lý đó có ngăn được Trung Quốc chiếm các đảo đó không? Không. Nó có thể làm các đối tác của chúng ta khó chịu không? Đúng. Vì vậy, việc làm đó thực sự sẽ đạt được những gì?”, ông Dean nói với News.

Theo News, là một cường quốc tầm trung, Úc cần có bạn bè. Và các hoạt động chung như vậy chứng tỏ cách Úc đang duy trì tình bạn.

Chúng tôi không lùi bước. Chúng tôi không thoái thác các nghĩa vụ quốc tế của mình hoặc những gì chúng tôi tin tưởng”, News trích lời bà Strating.

Theo News, Úc không chỉ “kết hợp” với các lực lượng của các quốc gia khác, mà Úc còn đang tích cực tương tác với khu vực bằng cách mời họ tập trận trên lãnh thổ của mình.

Cuối tháng 7 này, Hàn Quốc sẽ lần đầu tiên cử quân đội và tàu khu trục tham gia tập trận Talisman Sabre với Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Anh và Nhật Bản.

Chương trình nỗ lực Thái Bình Dương (IPE), được Úc tổ chức lần đầu năm 2017, sẽ được tiếp tục trong năm nay. Vào tháng 8, hai tàu chiến của RAN sẽ đến thăm các quốc gia thân thiện ở Đông Nam Á.

Tiến sĩ Strating cho rằng: “Mục đích là tăng cường đào tạo, khả năng tương tác và chứng minh năng lực. Họ đang làm tất cả những thứ để thể hiện năng lực đó. Sự hiện diện đó trấn an các đối tác rằng Úc đang ở đó, đồng thời tăng cường hợp tác và ngoại giao quốc phòng“.

“Các hoạt động của Úc trong khu vực đóng góp cho liên minh Mỹ, nhưng khi làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương, Úc cũng đang đề phòng để tránh sự phụ thuộc vào Mỹ hoặc Trung Quốc”, Tiến sĩ Strating nói thêm.

Bảo Trâm (Theo News AUS)

Đọc nhiều