Bài toán kết nối chuỗi vận tải logistics sẽ có lời giải, hướng đi khi quy hoạch tổng thể lĩnh vực này được ban hành. Đây chính là cơ sở để mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, còn phát huy chuỗi dịch vụ logistics xanh theo hướng kết hợp vận tải biển, vận tải ven biển và vận tải pha sông biển. Đây là những biện pháp được cho là giải pháp thông minh hiện nay ngay cả trước tác động tiêu cực từ dịch bệnh.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Tham gia thị trường logistics gồm khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức.
Theo các chuyên gia, chuỗi vận tải logistics của nước ta được đánh giá là có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển sau đại dịch Covid-19. Cụ thể: Việc phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp phụ trợ, hoạt động thương mại điện tử gia tăng sẽ khiến logistics trở thành một lĩnh vực thu hút đầu tư và có nhiều cơ hội phát triển. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới có hiệu lực đã và sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi từ việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, các dự báo của các tổ chức quốc tế đối với kinh tế Việt Nam như: GDP tiếp tục tăng trưởng dương, cán cân thương mại giữa Việt Nam với thế giới tiếp tục thặng dư… cho thấy, sản xuất, kinh doanh, thương mại đang hồi phục. Từ đó doanh nghiệp logistics có thể tận dụng cơ hội để tăng tốc sau thời gian suy giảm do tác động của dịch Covid-19.
Trong đó, điểm mấu chốt giúp cho ngành Logistics Việt Nam hồi phục tăng trưởng thời điểm hiện nay và cả năm 2022, đó là khả năng kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là những yếu tố giúp ngành Logistics Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như khi chưa có đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên điểm yếu cố hữu nhiều năm qua chính là kết nối đồng bộ chuỗi dịch vụ vận tải còn yếu kém; chưa phát huy tốt các nguồn lực về hạ tầng, con người, thị trường nội địa và khu vực; các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng… dẫn đến chi phí logistics còn cao, chiếm 25% GDP (so với các nước phát triển chỉ từ 9 đến 15%). Trong đó, chi phí vận tải chiếm 30 đến 40% giá thành sản phẩm (tỷ lệ này là 15% ở các quốc gia khác). Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát buộc các nước áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động logistics, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại.
Vận tải theo chuỗi nghĩa là các bên phải biết hợp tác với nhau, doanh nghiệp mạnh hay yếu, lớn hay nhỏ thì đều có thể phân vai sang chuỗi dịch vụ vận tải. Quan trọng là sự tin tưởng, tín nhiệm nhau trong hoạt động này. Chỉ có như vậy những doanh nghiệp logistics và những doanh nghiệp chủ hàng, chủ tàu mới cùng nhau về đích trong dòng chảy hàng hóa liên thông quốc tế. Khi kinh nghiệm được chia sẻ, niềm tin được nuôi dưỡng thì thành công đến với các doanh nghiệp, đôi bên cùng có lợi. Hợp tác trong lĩnh vực vận tải logistics không chỉ đơn thuần là giữa các doanh nghiệp vận tải với nhau mà còn là cả chỗi doanh nghiệp để duy trì huyết mạch vận chuyển hàng hóa trong nền kinh tế.
Theo Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu tỷ trọng đóng góp của ngành Dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%. Đồng thời, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Để có thể đạt được mục tiêu này, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, thì cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Logistics cần có những liều thuốc đặc trị, đó là những chính sách dài hơi để khắc phục những điểm yếu cố hữu, nâng tầm ngành logistics.
Cần đặt ra mục tiêu cắt giảm chi phí logistics hàng năm và dài hạn để nâng cao tính cạnh tranh cho nền kinh tế nói chung và ngành logistics nói riêng. Đây là một công việc khó khăn và nặng nề, cần thực hiện lâu dài và sự phối hợp nhiều bộ ngành. Những thay đổi chính sách pháp luật phù hợp, minh bạch sẽ giúp cắt giảm chi phí tiêu cực trong các lĩnh vực hải quan, thuế, cảng biển, đường bộ.
Ưu tiên kết nối các phương thức vận tải đường bộ – đường sắt – đường biển – hàng không. Xóa bỏ tư duy địa phương cục bộ của các bộ, ngành, địa phương khi quy hoạch hệ thống giao thông. Đặc biệt cần nói không ngay từ đầu đối với các dự án xây dựng sân bay, cảng biển không chứng minh được tính kết nối với các phương thức vận tải khác. Nếu không, hàng chục năm sau nhà nước lại phải đau đầu với bài toán ùn tắc giao thông, giải phóng mặt bằng.
Cần phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập; chủ động nắm bắt thông tin, cập nhật kịp thời cơ chế, chính sách, các quy định pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực logistics cũng như những diễn biến mới, những sự kiện nóng của kinh tế thế giới và trong nước để có kế hoạch kinh doanh phù hợp. Đồng thời, khẩn trương xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, khả năng chống chịu, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường, quyết tâm mở rộng phạm vi kinh doanh ra các thị trường bên ngoài Việt Nam.
Doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp để tối ưu hóa, giảm chi phí vận tải nội bộ; Chọn phương án vận chuyển trực tiếp trong điều kiện có thể để giảm các chi phí trong hành trình; tham gia vào các hiệp hội ngành hàng và chủ hàng để tạo lợi thế đàm phán với các hãng vận chuyển nước ngoài; tham gia vào các sàn giao dịch vận tải; Tăng cường liên kết để giảm chi phí vận tải.
Chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ.
Hiện nay, các công ty lớn trên thế giới đang dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp logictics nội địa cần tăng cường nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, kiến thức về thương mại quốc tế và thương mại điện tử, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý. Đồng thời, chủ động trong tăng cường nguồn vốn và năng lực nguồn nhân lực để tăng sức cạnh tranh, củng cố và gia tăng thị phần logistics.
Nói tóm lại, dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Thúc đẩy logistics phát triển mạnh, hiệu quả là một đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn đang đặt ra.
Thực hiện: Diệu Hương
Đồ họa: M.N