Giá xuất khẩu chỉ 1 triệu đồng/tấn, “vàng xám” của Việt Nam bất ngờ gây sốt tại châu Á

Bích Vân 01/11/2023 06:40

Đây là mặt hàng Việt Nam có trữ lượng dồi dào với sản lượng xếp thứ 3 thế giới, vượt qua cả Mỹ.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu clinker và xi măng trong tháng 9/2023 đạt hơn 2,28 triệu tấn với trị giá hơn 93,9 triệu USD, giảm 15,4% về lượng và giảm 19,1% về trị giá so với tháng 8/2023. Như vậy tính hết quý 3, Việt Nam thu về từ mặt hàng này hơn 1,01 tỷ USD, giảm nhẹ 1,6% về sản lượng và giảm 3,9% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu đạt bình quân đạt 43 USD/tấn, tương đương với hơn 1 triệu đồng/tấn, giảm nhẹ 2 USD/tấn so với cùng kỳ.

Đáng chú ý mặt hàng này xuất sang các quốc gia châu Á đều đang ghi nhận sản lượng tăng mạnh. Philippines là thị trường xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với hơn 6,17 triệu tấn, đạt trị giá hơn 277 triệu USD, tăng 3% về lượng nhưng giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu đạt bình quân 45 USD/tấn, giảm nhẹ 1 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Xếp thứ 2 là thị trường Bangladesh với sản lượng tăng vọt trong 9 tháng đầu năm. Quốc gia này đã chi hơn 167 triệu USD nhập khẩu hơn 4,47 triệu tấn clinker và xi măng của Việt Nam, tăng 80% về lượng và tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu giảm nhẹ 3 USD/tấn so với cùng kỳ, đtạ 37 USD/tấn.

Thị trường thứ 3 nhập khẩu clinker và xi măng của Việt Nam là Đài Loan (Trung Quốc). Trong 9 tháng, xuất khẩu mặt hàng này sang Đài Loan đạt hơn 1,292 triệu tấn với trị giá hơn 50,5 triệu USD, tăng 4,5% về lượng nhưng giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ với giá xuất khẩu đạt 42 USD/tấn.

Ngoài 3 thị trường chủ đạo trên, Malaysia và Trung Quốc cũng đang tăng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, công suất sản lượng xi măng của Việt Nam đạt khoảng 100 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới. Trung Quốc là quốc gia có công suất sản xuất xi măng lớn nhất thế giới. 5 quốc gia có quy mô sản lượng xi măng lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ ngày 1/1/2023, thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clinker (xi măng dạng thô) tăng từ 5% lên 10% theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP. Riêng đối với mặt hàng xi măng, do không có trong biểu khung thuế nên không chịu thuế xuất khẩu. Điều này nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA), từ đầu năm 2023 thuế xuất khẩu của mặt hàng này tăng từ 5% lên 10%. Tuy nhiên, dù giá clinker xuất khẩu không tăng khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn do không đủ bù đắp chi phí sản xuất và thuế. Dự kiến mức tiêu thụ xi măng toàn ngành trong năm 2023 đạt khoảng 100 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa ở mức 62 – 65 triệu tấn và xuất khẩu đạt 30 – 33 triệu tấn, tương đương với năm 2022.

Bích Vân

Đọc nhiều