86
topics
453522

Giá quá đắt của một cá nhân thiếu ý thức và liều lĩnh!

03/12/2020 06:12

Những đám lửa nhỏ kịp thời bị dập tắt thì mới không làm bùng lên đám lửa lớn. Cộng đồng sẽ được bảo vệ tốt hơn khi không có những cá nhân vô ý thức.

Giá quá đắt của một cá nhân thiếu ý thức và liều lĩnh! - 1

Như nhận định được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ trong ngày 1/12, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, đề cao cảnh giác, chứ không phải “mất bò mới lo làm chuồng”.

Vậy mà, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2020, nước ta lại ghi nhận có ca lây nhiễm đầu tiên ra cộng đồng sau 88 ngày.

Phiên giao dịch chứng khoán sáng ngày 1/12, VN-Index lập tức đánh mất hơn 14 điểm. Hàng loạt cổ phiếu trên thị trường giảm giá, thiệt hại của nhà đầu tư là khó đong đếm được. Không chỉ tâm lý nhà đầu tư mà hầu hết người dân đều trở nên lo ngại hơn, hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực. Đó là chưa kể tới những trường hợp F1, F2, F3… phải đối mặt với rủi ro lây nhiễm, phải thực hiện cách ly, cuộc sống đảo lộn.

Thế mới biết, chỉ một vài cá nhân liều lĩnh, thiếu ý thức, không tuân thủ yêu cầu phòng, chống dịch có thể sẽ vạ lây cho biết bao nhiêu người khác.

Điều đáng nói là ca lây nhiễm mới này (BN 1347) không hẳn là ca lây nhiễm trong cộng đồng. Bởi theo lộ trình của ca bệnh, ca 1342 được cách ly tại nhà và ca 1347 đến ở cùng tại nơi cách ly, nên cũng có thể nói đây là ca bệnh lây tại nơi cách ly.

Vấn đề nằm ở chỗ, lộ trình đi lại của hai bệnh nhân này khiến bất cứ ai nghe tới cũng phải “toát mồ hôi”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dù đang thực hiện yêu cầu tự cách ly tại nhà nhưng bệnh nhân 1342 lại tự ý rời khỏi nhà đi ăn trưa, đi học và còn tiếp bạn (BN 1347) tại nhà. Bệnh nhân 1347 sau đó lại đi uống cà phê, ăn ốc, hát karaoke, tập gym… tại nhiều địa điểm.

Tôi coi đây là sự kém cỏi trong ý thức lẫn nhận thức, sự vô trách nhiệm với chính bản thân, với người thân và với cộng đồng của cả bệnh nhân 1342 lẫn 1347!

Họ đã phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình. Và chắc chắn, họ cũng sẽ phải đối mặt với những hình phạt rất nặng sau khi đã điều trị xong.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng cho biết, ông đã gọi điện thoại cho lãnh đạo TPHCM và Bộ Y tế để có biện pháp mạnh hơn. “Tôi yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này, ở bộ phận nào, cá nhân nào trong thực hiện quy trình cách ly. Cơ quan nào chịu trách nhiệm”.

Ngay sau đó, tại văn bản hỏa tốc phát đi tối cùng ngày, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu Cục Hàng không và các hãng siết chặt biện pháp phòng dịch với thành viên tổ bay, phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sau khi phát hiện ca 1347, các cơ quan chức năng tại TPHCM đã nhanh chóng truy vết lập danh sách các trường hợp tiếp xúc, tổng cộng 800 người. Đến nay đã có 737 người có kết quả âm tính và hai trường hợp dương tính SARS-CoV-2 là bệnh nhân 1348 và 1349 được công bố ngày 1/12.

Chúng ta tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch của cơ quan chức năng. Thực tế, trong hai đợt dịch trước, hoạt động chống dịch của chúng ta đã thực hiện rất tốt.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, tình hình đã trở nên thật sự phức tạp, nhất là suốt gần 3 tháng “sạch” bóng Covid-19 trong cộng đồng, tâm lý người dân đã trở nên chủ quan hơn. Rất nhiều người gần như đánh mất thói quen từ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách…

Do đó, bên cạnh nâng cao ý thức người dân, thiết lập lại những thói quen phòng dịch thì việc khoanh vùng dập dịch cũng cần được thực hiện một cách nhanh chóng và triệt để như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng”.

Gần 3 tháng qua, Việt Nam đã viết nên kỳ tích trong cuộc chiến chống lại Covid-19 và kỳ tích đó cần phải được tiếp tục. Bởi sau câu chuyện chống dịch còn là sức khỏe người dân và ổn định, phát triển kinh tế.

Những đám lửa nhỏ kịp thời bị dập tắt thì mới không làm bùng lên đám lửa lớn. Cộng đồng sẽ được bảo vệ tốt hơn khi không có những cá nhân vô ý thức.

Bích Diệp/DT

Đọc nhiều